Mua ETF có được lãi kép không? Lãi kép của ETF tính như thế nào? ETF có áp dụng lãi suất kép không? …
Đấy là những câu hỏi rất thường gặp trong các cộng đồng, các diễn đàn về đầu tư chứng khoán. Cũng có những bạn sau khi xem xong seri Đầu tư chứng khoán dành cho người chưa biết gì của Sharkism cũng thắc mắc và gởi câu hỏi này về cho Sharkism.
Tìm hiểu thêm về ETF tại đây.
Sau đây Sharky sẽ cùng mổ xẻ vấn đề này ra để các bạn cùng thảo luận nhé.
Mua ETF có được lãi kép không?
1. Quan điểm thứ 1: Mua ETF không được lãi kép
Ở góc nhìn này, chúng ta không thể áp dụng lãi kép vào việc đầu tư ETF ở Việt Nam, kể cả việc ETF đó trả cổ tức bằng cổ phiếu hay trả bằng tiền mặt (để mình có thể dùng cho việc mua thêm ETF) bởi 2 lí do sau đây:
1.1. Lí do thứ nhất
Như chúng ta đã biết, ETF sẽ track các chỉ số của hàng loạt công ty, và mỗi năm, các công ty trong danh mục sẽ trả cổ tức về quỹ. Và về nguyên tắc lãi kép, ETF sẽ lấy phần lợi nhuận này để tiếp tục đầu tư để tiếp tục sinh thêm lợi nhuận.
Nhưng mỗi năm, trung bình các cty trong danh mục sẽ trả khoảng 1% cổ tức so với giá của tổng chứng khoán trong quỹ, so với phí quản lý của quỹ thì phần cổ tức còn lại cũng không còn bao nhiêu (gần như bằng 0 lun ý), và các ETF sẽ lấy phần cổ tức đó để chi trả cho các chi phí vận hành quỹ, số ít còn lại sẽ tiếp tục tái đầu tư nên họ sẽ không trả cho chúng ta phần cổ tức nào cả (tóm lại là cứ tiền về thì quỹ sẽ thu luôn để trả cho phần quản lý quỹ, dẫn đến việc cá nhân mình sẽ mất đi khả năng lãi kép vì không có yếu tố cộng dồn).
Lưu ý: phí quản lý được tính trên giá trị tài sản ròng, ví dụ như trong trường hợp của ETFVN30 sẽ là 0,65%/NAV/năm
Hình 1: Chẳng hạn như Tỷ suất sinh lời cổ tức của E1VFVN30 là 0,9% nhưng phí quản lý thì cũng khá cao 0,65% .@Dragon Capital
Như vậy, lãi kép trong trường hợp mua ETF chỉ có thể áp dụng cho những quỹ thu phí quản lý từ thấp đến cực thấp, chẳng hạn như trong bài ĐTCK (phần 5): Cùng triển khai các hoạt động đầu tư đầu tiên, Sharky có nhắc đến quỹ Vanguard, hiện tại phí quản lý ETF (với chỉ số S&P500) của Vanguard đang rơi vào khoảng 0.03%, tức là thấp hơn rất nhiều, do đó phần chênh lệch như đã nói ở trên có khả năng sẽ tạo ra lãi kép.
Đó cũng là lí do mà tiêu chí phí quản lý quỹ là tiêu chí đầu tiên mà chúng ta phải xem xét khi bắt đầu lựa chọn quỹ.
Lãi kép khá lợi hại, nhưng lỗ kép thì cũng lợi hại không kém. Nếu phí quản lý trung bình khoảng 0,6% thì sau 30 năm, con số này cũng khủng khiếp không kém (vì như đã nói ở trên, phí quản lý được tính trên NAV nên nó sẽ là một con số khá to đấy).
1.2. Lí do thứ 2
Do khả năng trả bằng cổ tức là cực kì thấp, trong trường hợp này ta xem như ETF không trả cổ tức cho chúng ta luôn, nên ta có thể nói lợi nhuận của các ETF sẽ được tính bằng giá trị của ETF tại thời điểm mà bạn bán nó.
Ví dụ bạn mua E1VFVN30, hàng tháng bạn mua 100 cổ, mua liên tục trong vòng 30 năm thì đến tháng cuối cùng của năm thứ 30 bạn sẽ có 100 × 12 × 30 = 36.000 cổ ETF
- Trường hợp 1: giả sử như E1VFVN30 trả cổ tức bằng cổ phiếu hoặc trả bằng tiền mặt và anh chị lấy tiền đó mua tiếp cổ phiếu E1VFVN30 thì tới tháng cuối cùng của năm thứ 30, anh chị sẽ có nhiều hơn 36.000 cổ phiếu E1VFVN30.
- Trường hợp 2: giả sử như E1VFVN30 không trả cổ tức thì anh chị vẫn cũng chỉ có 36.000 cổ phiếu E1VFVN30.
Tóm lại, chẳng có lãi suất kép gì ở đây cả, giá trị anh chị có chỉ là giá trị của cổ phiếu mà anh chị đang nắm giữ thôi. Và nhờ 2 yếu tố thị trường luôn tăng trong dài hạn và chiến thuật mua trung bình giá thì vào thời điểm 30 năm sau, anh chị bán hết số cổ phiếu E1VFVN30 thì anh chị sẽ có lời (không cần biết giá mua vào bao nhiêu, về dài hạn thì chắc chắn là có lời, trừ trường hợp sinh vào thời kì đen tối thì quá xui rồi, đành chịu), và tỷ suất sinh lời mà người ta đã chứng minh được là dao động từ 10 đến 15%.
Đó là lí do mà tại sao trong bài ĐTCK (phần 4): Cách đầu tư bằng chiến lược Passive Investing lại có đoạn thị trường khủng hoảng, ETF cắm đầu và phải mất khá lâu mới vực dậy được, và ETF lúc này thì cũng chỉ như cổ phiếu bình thường thôi. Cho nên chiến thật trung bình giá được tạo ra là để khắc phục sự rủi ro này là chính.
Tóm lại, việc đầu tư vào ETF ở Việt Nam sẽ khó có thể ứng dụng lãi suất kép. Nói cách khác, đầu tư vào ETF ở Việt Nam giống như việc gởi tiết kiệm ngân hàng với lãi suất cao hơn và tính an toàn tuyệt đối hơn (do không bị ảnh hưởng bỏi lạm phát).
Do đó, những người chuyên đầu tư vào ETF thì thường hay có lời khuyên là tới lúc muốn bán, hãy chia ra bán. Chẳng hạn như nếu muốn bán hết ETF và nghỉ hưu ở tuổi 50 thì năm 41 tuổi, bạn hãy bán bớt 1/5, năm 42 tuổi thì bán tiếp 1/5 và tới năm 50 tuổi hãy bán nốt số còn lại.
Đó còn là lí do mà các nhà đầu tư lâu dài ở VN thì thường hay đầu tư vào BĐS chứ ít khi nào đầu tư vào ETF, vì lãi của ETF không khủng khiếp như ta nghĩ, nó chỉ được cái an toàn hơn đất thôi nè.
2. Quan điểm thứ 2: Mua ETF vẫn được lãi kép
Lợi nhuận của ETF sẽ không được gọi là lãi kép mà chính xác hơn phải gọi nó là tăng trưởng kép, và công thức tính của 2 khái niệm này là hoàn toàn khác nhau.
Hình 2: Mua ETF có được lãi kép không?. @Traveda
Lãi kép (Compound interest) là số tiền lãi được xác định dựa trên cơ sở số tiền lãi của các thời kì trước đó được gộp vào vốn gốc để làm căn cứ tính tiền lãi cho các thời kì tiếp theo. Công thức tính lãi kép như sau:
Hình 3: Công thức tính lãi kép. @tienichnho.com
Tăng trưởng kép (Compound Growth) là khái niệm dùng để chỉ sự tăng trưởng được tích lũy trong một thời gian dài, giống như sự gia tăng của một khoản tiền được hưởng lãi kép. Công thức tính tăng trưởng kép như sau:
Hình 4: Công thức tính tăng trưởng kép. @chungkhoan.vn
Lãi kép cũng sẽ được chia thành hai loại là lãi kép dương và lãi kép âm (dân gian hay gọi là lỗ kép ấy). Một số ý kiến cho rằng “cứ có đầu tư là có lãi kép”, thật ra thì phải hiểu chính xác là cứ có đầu tư là có tăng trưởng kép, và nói một cách dài dòng thì cứ có đầu tư là có lãi kép dương và lãi kép âm, nếu lãi kép dương lớn hơn lãi kép âm thì đó chính là tăng trưởng kép.
Cũng có một số ý kiến cho rằng “lãi đơn hay lãi kép là tùy vào góc nhìn”, điều này không hoàn toàn đúng, vì về mặt lý thuyết (theo hướng toán học) thì lãi đơn là lãi đơn mà lãi kép là lãi kép vì mỗi loại đều có công thức tính riêng biệt. Nhưng xét cho cùng, trong kinh tế học thì nói “lãi đơn hay lãi kép” là tùy vào góc nhìn thì cũng có phần đúng. Vì nền kinh tế vận động liên tục và các kết quả của các phép tính thì nối tiếp với nhau nên tuy vào góc nhìn mà chúng ta sẽ nhận định kết quả đó là lãi đơn hay lãi kép.
ETF tại Việt Nam thì có những năm lãi kép dương, cũng có những năm lãi kép âm, nhưng với yếu tố thị trường về lâu dài luôn tăng trưởng thì về lâu dài (ví dụ như 30 năm chẳng hạn) thì ta có thể nói ETF là tăng trưởng kép.
Cùng để lại bình luận để mổ xẻ vấn đề nhé.
vậy với 1 người không có quá nhiều kiến thức về đầu tư thì em nên đầu tư chứng khoán, quỹ mở, hay etf ạ?
Xin chào Hoa,
Đầu tiên, Sharkism xin chia sẻ với bạn là quỹ mở, ETF, trái phiếu đều gọi chung là chứng khoán. Bạn đầu tư một trong những cái đó thì đều gọi là đầu tư chứng khoán.
Đầu tư vào Quỹ mở hay là ETF đều là phương pháp áp dụng chiến lược nhờ người khác đầu tư, đều có thể dành cho người không có quá nhiều kiến thức về đầu tư như bạn có thể tham gia (vì nó rất đơn giản, chỉ việc đưa tiền cho người ta đầu tư là xong, đâu cần phải làm gì nữa đâu).
Tuy nhiên, 2 loại hình này khác nhau ở bản chất, nói một cách vắn tắt thì:
– Quỹ mở sẽ cố gắng chiến thắng thị trường, danh mục đầu tư của họ sẽ được lựa chọn rất kĩ bởi các chuyên gia hàng đầu trong quỹ. Nó như là một kiểu mua bán chứng khoán (trading) nhưng ở cấp độ tổ chức và chuyên nghiệp hơn, do đó lợi nhuận của quỹ sẽ biến động dựa theo khả năng của các chuyên gia trong quỹ (tức là nếu họ đúng thì bạn sẽ lời, họ sai thì bạn sẽ lỗ). Và do là phải nhờ các chuyên gia phân tích và đầu tư cho bạn nên chi phí khi tham gia và hoạt động trong quỹ sẽ khá cao. Bạn Hoa có thể tham khảo thêm cụ thể về phương pháp đầu tư vào chứng chỉ quỹ mở ở bài viết chiến lược nhờ người khác đầu tư (phần 4).
– Còn với ETF thì nó đơn giản là bám sát vào thị trường nên lợi nhuận của bạn sẽ phụ thuộc vào thị trường. Và sau khi theo dõi thị trường chứng khoán (TTCK) qua hàng trăm năm, người ta đã thấy được rằng TTCK sẽ luôn có xu hướng đi lên cho nên lợi nhuận của bạn cũng sẽ có xu hướng đi lên. Ngoài ra việc đầu tư vào thị trường như thế này thì chẳng cần chuyên gia nên chi phí tham gia và hoạt động với ETF sẽ thấp hơn nhiều so với quỹ mở, ví dụ như ETF của VN30 thì họ chỉ việc mua hết cổ phiếu trong nhóm VN30 thôi, nếu có cổ phiếu nào ở vị trí thứ 30 bị rớt ra thì họ sẽ lập tức bán hết cổ phiếu đó và mua cổ phiếu của công ty ở vị trí thứ 31 vừa mới lọt vào VN30 để thay thế cho công ty mới bị rớt ra. Công việc khá đơn giản và không cần phân tích nhiều nên mức chi phí cũng rẻ. Bạn Hoa có thể tham khảo thêm về phương pháp đầu tư vào ETF (phương pháp Passive Investing) ở bài viết chiến lược nhờ người khác đầu tư (phần 5) và tìm hiểu thêm về ETF ở bài viết ETF là gì ? Mua ETF ở đâu ? Tất tần tật về ETF mà bạn nên biết.
=> Như vậy, với nhà đầu tư không chuyên như bạn Hoa thì Sharkism khuyên bạn nên đầu tư vào ETF. Bạn Hoa có thể tham khảo seri bài viết Đầu tư chứng khoán dành cho người chưa biết gì để hiểu thêm về chứng khoán nhé. Chúc bạn có những khoản đầu tư thật tốt nè.