Khái quát về lạm phát

Một số người không biết đầu tư hoặc không thích đầu tư sẽ có suy nghĩ đơn giản là sẽ gởi tiền vào ngân hàng để được hưởng lãi suất (mặc dù khá thấp), thậm chí có người còn sợ mất tiền đến nỗi không dám gởi vào ngân hàng, chỉ gởi vào két sắt và tích lũy hàng ngày để sau này nghỉ hưu có thể sử dụng số tiền đó. Đây là một việc làm hết sức nguy hiểm, vì tiền mặt về lâu dài sẽ bị “tên trộm” mang tên lạm phát (Inflation) bòn rút từ từ cho đến khánh kiệt.

Vậy lạm phát nguy hiểm đến mức nào, cùng tìm hiểu về lạm phát, các cách tính lạm phát và sự ảnh hưởng của lạm phát đến lượng tiền tích lũy của mình nhé.

1. Khái quát về lạm phát.

Lạm phát theo định nghĩa chính là sự sụt giảm của sức mua của đồng tiền. Giả sử vào năm 2000, bạn chỉ cần 1 tờ 10.000đ để mua 1kg gạo, nhưng sau 20 năm (năm 2020), bạn phải cần tới 5 tời 10.000đ cũng chỉ để mua 1kg gạo, và chất lượng gạo cũng không hề thay đổi, đó chính là lạm phát.

“Lạm phát là sự tăng mức giá chung một cách liên tục của hàng hóa và dịch vụ theo thời gian và sự mất giá trị của một loại tiền tệ nào đó.” – Wikipedia

inflation

Hình 1: Cùng một chất lượng như nhau, nhưng giá của một cốc cà-phê tăng dần theo thời gian do lạm phát

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến lạm phát, trong đó có 3 nguyên nhân chính, đó là:

1.1. Cost push inflation (lạm phát do chi phí đẩy)

Đây là trường hợp mà chi phí sản xuất của doanh nghiệp tăng lên, do đó họ buộc phải tăng giá bán của hàng hóa mà họ sản xuất ra để có thể tiếp tục hoạt động. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến việc chi phí sản xuất của doanh nghiệp tăng lên, ví dụ như là giá nguyên liệu thô tăng lên, chi phí nhân công tăng lên do thị trường lao động khan hiếm người giỏi nên công ty buộc phải chi trả nhiều hơn để tuyển người và giữ người, chi phí mặt bằng để thuê văn phòng, thuê nhà xưởng tăng lên do nạn đầu cơ bất động sản dẫn đến khan hiếm đất đai, …. Tất cả chi phí này sẽ làm cho tổng chi phí sản xuất và vận hành của doanh nghiệp tăng lên, từ đó, dù muốn hay dù không, các doanh nghiệp cũng không còn cách nào khác ngoài việc bắt buộc phải tăng giá sản phẩm. Và điểm cuối của chuỗi tăng giá sản phẩm này người dùng phải trả nhiều tiền hơn cho những sản phẩm mà doanh nghiệp đó sản xuất.

Tìm hiểu thêm về sự nguy hiểm của một nền kinh tế chỉ dựa vào Bất Động Sản.

1.2. Demand pull inflation (lạm phát do cầu – kéo)

Đây là trường hợp mà quá nhiều người dùng cần một sản phẩm nào đó mà nhà sản xuất, doanh nghiệp không thể sản xuất được hoặc không thể sản xuất kịp để đáp ứng nhu cầu của người dùng. Một lí do phổ biến cho việc này là chất lượng cuộc sống của người dân ngày càng được nâng cao, dẫn đến việc họ có nhiều tiền hơn và do đó họ mua sắm nhiều hơn.

Chẳng hạn như cách đây khoảng 30 năm, Việt Nam mới mở cửa, cả nước đều khó khăn, đa số là ai cũng nghèo nên nhu cầu cơ bản của người VN chỉ cần ăn no, mặc ấm là đủ. Còn bây giờ, khi đất nước đã phát triển hơn, chúng ta đã bước sang giai đoạn là cần phải ăn ngon, mặc đẹp (và còn thêm nhiều nhu cầu giải trí khác nữa) nên chúng ta mua sắm nhiều hơn, từ đó làm cho nhu cầu tiêu dùng tăng cao hơn, dẫn đến việc tăng giá của các sản phẩm.

Ở khía cạnh kinh tế vĩ mô, Nhà nước có thể kiểm soát lạm phát bằng các công cụ như là giảm thuế, hoặc phổ biến hơn là tăng hoặc giảm lãi suất tiền gởi hoặc cho vay. Khi thực hiện những chính sách như vậy, người dân sẽ có cơ hội tiếp cận với nhiều tiền hơn, dẫn đến nhu cầu mua sắm cao hơn. Khi nhìn vào những điều này, chúng ta có thể thấy là không phải lúc nào giảm thuế cũng là điều tốt. Nhìn trên bề mặt, về phía người dân thì chắc là ai cũng thích giảm thuế, nhưng nhìn về góc độ vĩ mô trong tương lai dài hạn, việc giảm thuế sẽ kéo theo việc tăng nhu cầu, từ đó đẩy giá sản phẩm lên cao hơn. Điều này cũng sẽ tương tự cho việc giảm lãi suất. Do đó, việc tăng giảm thuế hay tăng giảm lãi suất đều được kiểm soát cực kì chặt bởi chính phủ. Tất cả là để kiểm soát nhu cầu của người dùng để chống lại lạm phát.

1.3. Ngân hàng nhà nước in thêm tiền

Cốt lõi của vấn đề này có thể hiểu một cách đơn giản như vầy: số lượng hàng hóa, sản phẩm (tài nguyên) không thay đổi, nhưng số lượng tiền lại tăng lên, dẫn đến tiền mất giá, tức là mặc dù con số in trên tờ tiền không thay đổi, nhưng sức mua của tờ tiền đó đã thay đổi.

Ví dụ như thị trường đang lưu thông 10 tờ tiền 10.000đ và hiện tại trên thị trường có 10 kg gạo với định giá là 10.000đ / kg, tức là 1 tờ 10.000đ có thể mua được 1kg gạo, và số gạo này đã được những người giữ 10 tờ tiền 10.000đ mua hết. Nhưng vì một lí do nào đấy mà Nhà nước đột nhiên in thêm 10 tờ tiền 10.000đ nữa, nâng tổng số tờ tiền 10.000đ đang lưu thông trên thị trường là 20 tờ, trong khi số gạo hiện có trên thị trường vẫn không hề thay đổi (do nông dân sản xuất không kịp hoặc do thiên tai mà nông dân sản xuất không được chẳng hạn – Demand pull inflation). Dẫn đến việc những người giữ 10 tờ tiền 10.000đ sau khi được in thêm lại không thể mua được gạo, và 10 tờ tiền 10.000đ sau khi được in thêm đó chẳng khác gì là rác vì chúng chẳng thể dùng để mua được gì cả. Và giả sử nếu những người giữ 10 tờ tiền 10.000đ ban đầu chưa mua gạo, thì hiện tại 10kg gạo trên thị trường sẽ được mua bởi 20 tờ tiền 10.000đ, tức là giá gạo lúc ngày không còn 10.000đ / kg nữa mà sẽ tăng lên có thể là 15.000đ / kg hoặc 20.000đ / kg, vì như đã giải thích ở trên, nếu giá gạo vẫn giữ ở mức 10.000đ / kg thì sẽ bị dư ra 10 tờ tiền 10.000đ (và chúng sẽ trở thành rác).

Do đó, việc in thêm tiền là một việc làm phải được cân nhắc và kiểm soát rất chặt chẽ bởi chính phủ. Việc chính phủ in thêm tiền cũng chỉ là để tăng sức mua, nói nôm na thì việc này là công cụ để Nhà nước điều chỉnh và kiểm soát nền kinh tế. Và các vấn đề về kinh tế vĩ mô này sẽ không xảy ra ngay lập tức mà nó sẽ mất một khoảng thời gian để phản ánh lên cả thị trường. Ví dụ sẽ có những trường hợp mà lượng tiền trên thị trường nhiều hơn trước đây, nhưng mà giá tiêu dùng vẫn chưa phản ứng kịp, nghĩa là nó chưa tăng.

Chắc ai cũng biết là khi đại dịch covid-19 bùng nổ, chính phủ Mỹ đã in ra một lượng tiền rất lớn để kích cầu nền kinh tế, tức là có một lượng tiền khổng lồ đã được đưa vào lưu thông trên thị trường, nhưng giá cả của hàng hóa vẫn chưa tăng theo tỷ lệ thuận so với tốc độ in tiền đó. Từ đó chúng ta có một khoảng thời gian trống nhất định, đó là thời điểm mà lượng tiền đang có trên thị trường tăng nhiều hơn mà giá thì chưa tăng. Do đó chúng ta có thể dự đoán một cách tương đối chính xác về giá cả của hàng hóa sẽ tăng như thế nào trong thời gian sắp tới.

Ngoài ra thì lạm phát (nếu không được kiểm soát tốt) nói chung và việc ngân hàng nhà nước in thêm tiền nói riêng, không chỉ ảnh hưởng đến kinh tế mà còn ảnh hưởng đến chính trị nữa. Khi đồng tiền ở một quốc gia bị mất giá thì sẽ dẫn đến việc người dân không tin vào nó và không dùng nó nữa thì giá trị của nó càng tụt hơn nữa. Chẳng hạn như người Việt Nam không còn tin vào VND nữa mà chuyển qua dùng USD, đây là điều nguy kịch vì người dân Việt mà không tin vào tiền Việt thì nó không chỉ gây rối loạn nền kinh tế mà còn làm mất uy tín chính phủ.

Tìm hiểu thêm về sự ảnh hưởng của lạm phát, niềm tin và nợ công.

Thường thì khi nhắc tới lạm phát, mọi người hay nhìn nó dưới góc nhìn tiêu cực. Thực ra thì lạm phát không xấu, nó chỉ xấu khi nó tăng trưởng không kiểm soát được. Nếu lạm phát được kiểm soát tốt thì nó cũng có lợi cho nền kinh tế. Nếu giá trị mọi thứ tăng lên nhưng thu nhập của người dân cũng tăng theo thì từ đó sẽ kéo theo mọi thứ khác cũng tăng trưởng, doanh nghiệp tạo ra nhiều sản phẩm hơn, công ty tạo ra nhiều công ăn việc làm hơn, dẫn đến nền kinh tế cũng tăng trưởng nhiều hơn. Do đó mấu chốt ở đây là phải kiểm soát cho được tỷ lệ lạm phát ở một con số thích hợp. Đó là lý do mà tại sao tất cả các chính phủ ở trên thế giới họ đều theo dõi rất kĩ và kiểm soát rất chặt chẽ con số này.

2. Chỉ số giá tiêu dùng – CPI

“Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) là chỉ số tính theo phần trăm để phản ánh mức thay đổi tương đối của giá hàng tiêu dùng theo thời gian. Sở dĩ chỉ là thay đổi tương đối vì chỉ số này chỉ dựa vào một giỏ hàng hóa đại diện cho toàn bộ hàng tiêu dùng.” – Wikipedia

Chỉ số giá tiêu dùng – CPI (Consumer Price Index) là một trong nhiều chỉ số phản ánh tỉ lệ lạm phát, công thức tính CPI như sau:

CPI(T)  = CHI PHÍ ĐỂ MUA GIỎ HÀNG HÓA THỜI KỲ T ÷ CHI PHÍ ĐỂ MUA GIỎ HÀNG HÓA THỜI KỲ CƠ SỞ

Ở đây ta sẽ lấy CPI của Việt Nam từ năm 2010 đến năm 2020 để làm ví dụ minh họa nhé.

CPI-imf

Hình 2: CPI do Quỹ Tiền Tệ Thế Giới (IMF) tính

CPI-tong-cuc-thong-ke

Hình 3: CPI do Tổng Cục Thống Kê VN tính

Dựa vào hai báo cáo như trên, ta có được bảng sau:

NămCPI (IMF)CPI (VN)
2010

2011

2012

2013

2014

2015

2016

2017

2018

2019

2020

100,00

118,68

129,47

138,00

144,50

145,77

150,50

155,80

161,31

165,82

168,78

100,00

118,68

109,09

106,59

104,71

100,88

103,24

103,52

103,54

102,80

101,79

Chúng ta có thể thấy là hai con số này lệch nhau khá lớn, tại sao lại như vậy? Thật ra thì hai báo cáo này đều không sai nhưng cách tính của Việt Nam sẽ hơi khác một chút, cụ thể là như sau:

NămGiá trị giỏ hàngTỉ lệ lạm phátCPI (IMF)CPI (VN)
2010

2011

2012

1.000.000

1.186.800

1.294.700

9,19%

18,68%

9,09%

100,00

118,68

129,47

Ví dụ trong năm 2010, mình đi chợ mỗi tuần một lần, mỗi lần đi chợ mình mua một giỏ hàng với tổng trị giá giỏ hàng là 1.000.000đ. Sang năm 2011, để mua được cùng một giỏ hàng đó, mình phải trả 1.186.800đ để có thể mua cùng một giỏ hàng tương tự. Tức là trong trường hợp này, giá trị giỏ hàng đã tăng lên (1.186.800 – 1.000.000) ÷ 1.000.000 × 100 = 18,68% sau một năm. Đây chính là tỉ lệ lạm phát (inflation rate) ở Việt Nam trong năm 2011 (lạm phát 18,68%).

Khác với lạm phát, CPI sẽ tính dựa trên con số Indices chứ không tính theo số %. Trong ví dụ này, ta tạm thời bỏ qua CPI (VN) mà chỉ xem xét đến CPI (IMF), ta có có con số CPI (IMF) 2010 là 100,00 và 2011 là 118,68. Con số 100,00 này sẽ được tính dựa trên năm cơ sở (base year). Hay nói cách khác, nếu chọn 2010 làm năm cơ sở để tính toán thì CPI (IMF) ở năm 2010 sẽ là 100,00. Còn con số 118,68 sẽ được tính như sau: khi bước qua năm 2011, ta có CPI (IMF) của năm 2011 (tính theo công thức bên trên) sẽ là bằng (1.186.800 ÷ 1.000.000) × 100 = 118,68. Cho đến lúc này thì ta thấy tỉ lệ lạm phát và CPI (IMF) có vẻ như khá là giống nhau nên nếu chỉ nhìn qua báo cáo và bảng trên thì ta sẽ dễ bị hiểu nhầm thành: tỉ lệ lạm phát là 18,68% thì ta có CPI (IMF) của năm 2011 sẽ là 100,00 + 18,68 = 118,68  Cách hiểu này là sai vì công thức tính CPI ở trên đã nêu rõ cách tính CPI là dựa vào giá trị giỏ hàng chứ không phải là dựa trên tổng của CPI năm cơ sở và tỉ lệ lạm phát.

Giả sử qua năm 2012, giá trị giỏ hàng tăng lên là 1.294,700đ, lúc này tỉ lệ lạm phát sẽ là (1.294,700 – 1.186.800) ÷ 1.186.800 × 100 = 9,09%, tức là tỉ lệ lạm phát của năm 2012 so với năm 2011 là 9,09%. Và CPI (IMF) của năm 2012 sẽ bằng (1.294.700 ÷ 1.000.000) × 100 = 129,47. Nếu theo cách nghĩ tỉ lệ lạm phát là 9,09% thì ta có CPI (IMF) của năm 2011 sẽ là 100,00 + 9,09 = 109,09 là sai. Và với cách tính CPI (IFM) dựa trên công thức như trên, giá trị giỏ hàng của tất cả những năm sau đó đều phải chia cho năm cơ sở thì mới ra được con số theo cách tính của IMF.

NămGiá trị giỏ hàngTỉ lệ lạm phátCPI (IMF)CPI (VN)

2010

2011

2012

2013

2014

2015

1.000.000

1.186.800

1.294.700

1.380.000

1.445.000

1.457.700

9,19%

18,68%

9,09%

6,59%

4.09%

0,63%

100,00

118,68

129,47

138,00

144,50

145,77

100,00

118,68

109,09

106,59

104,71

100,88

Vậy cách tính của IMF so với cách tính của Tổng Cục Thống Kê Việt Nam có gì khác biệt? Đó là CPI (VN) sẽ không tính trên năm cơ sở mà sẽ tính trên năm trước đó (tỉ lệ lạm phát ở cả 2 cách tính đều tính theo năm trước đó nhưng CPI thì sẽ tính theo năm cơ sở theo cách tính của IMF còn CPI sẽ tính theo năm trước đó nếu theo cách tính của VN).

Ví dụ như CPI (VN) ở năm 2012 sẽ là bằng (1.294.700 ÷ 1.186.800) × 100 = 109,09. Tương tự như trường hợp của CPI (IMF), cho đến lúc này thì ta thấy tỉ lệ lạm phát và CPI (VN) có vẻ như khá là giống nhau nên nếu chỉ nhìn qua báo cáo và bảng trên thì ta sẽ dễ bị hiểu nhầm thành: tỉ lệ lạm phát là 9,09% thì ta có CPI (VN) của năm 2012 sẽ là 100,00 + 9,09 = 109,09 Cách hiểu này là sai vì công thức tính CPI ở trên đã nêu rõ cách tính CPI là dựa vào giá trị giỏ hàng chứ không phải là dựa trên tổng của CPI năm cơ sở (hoặc năm trước đó) và tỉ lệ lạm phát. Cụ thể là khi nhìn vào các năm 2014 và 2015, ta thấy CPI (VN) đã khác biệt rất rõ.

CPI-so-sanh

Hình 4: Tổng quan CPI và tỉ lệ lạm phát ở Việt Nam từ năm 2010 đến năm 2020

Dựa vào hình trên thì ta có thể thấy, tỉ lệ lạm phát trung bình ở Việt Nam trong 10 năm qua đang ở mức 5,8% / năm, đây là con số mà chúng ta sẽ dùng làm cơ sở cho những tính toán sắp tới về sự ảnh hưởng của lạm phát đến lượng tiền của chúng ta.

3. Ảnh hưởng của lạm phát với tiền mặt

Ta thử thống kê về tỉ lệ lạm phát trung bình trên toàn thế giới:

  • Tỉ lệ lạm phát trung bình ở Việt Nam trong 10 năm qua là 5,8%
  • Tỉ lệ lạm phát trung bình ở Úc trong 20 năm qua là 2,7%
  • Tỉ lệ lạm phát trung bình ở Mỹ trong 100 năm qua là 3,15%
  • Tỉ lệ lạm phát trung bình ở Anh trong 30 năm qua là 2,5%

 Giả sử tỉ lệ lạm phát trung bình trên toàn thế giới là khoảng 4%

lam-phat-1

Hình 5: tỉ lệ lạm phát trung bình trên toàn thế giới và ảnh hưởng của nó đến lượng tiền

Trên hình ta cũng có thể thấy, giả sử năm 2020 ta có 15 triệu thì sau đó 30 năm, dưới ảnh hưởng của 4% lạm phát, giá trị của 15 triệu đã bị trượt lên tới hơn 48 triệu. Tức là giả sử nếu năm 2020, ta có thể mua 10kg gạo với giá 15 triệu thì sau 30 năm, cũng là 10kg gạo đó, chất lượng gạo không thay đổi nhưng ta phải mất đến hơn 48 triệu thì mới có thể mua được 10kg gạo tương đương. Và giả sử chỉ cần nâng tỉ lệ lạm phát từ 4% lên 6% mỗi năm, con số trượt giá sau 30 năm sẽ lên tới hơn 86 triệu. Tức là chỉ cần tỷ lệ lạm phát tăng 2% thì tỷ lệ trượt giá của đồng tiền có thể tăng gấp đôi.

Vậy lạm phát sẽ ảnh hưởng thế nào đến việc gởi tiết kiệm? Hay nói cách khác, nếu ta gởi tiết kiệm và lấy lãi đều đặn, tức là tiền của ta vẫn tăng lên chứ không hề bị đi lùi, vậy lúc này lạm phát có ảnh hưởng đến tiền chúng ta không?

Ví dụ lãi suất tiền gởi trung bình ở Úc đang vào khoảng 0,95% / năm, và tỉ lệ lạm phát ở Úc thì rơi vào khoảng 2,7% / năm. Nếu ta lấy 0,95% trừ đi 2,7% thì ta còn – 1,75% / năm. Tức là nếu gởi tiết kiệm ở Úc thì mặc dù vẫn nhận được tiền lãi nhưng thực tế là giá trị của cả tiền gốc và lãi đang bị bào mòn đi 1,75% / năm.

Nhưng còn ở Việt Nam thì sao? Vì với lãi suất trung bình ở Việt Nam đang ở mức 6% / năm và tỉ lệ lạm phát đang rơi vào khoảng 5,8% / năm, rõ ràng khi trừ ra thì ta sẽ được 0,2% / năm, tức là số dương, vậy tức là không có bị lỗ mà đúng không? Thực tế thì nó sẽ là như vầy:

  • Thứ nhất, bạn sẽ dễ dàng nhận thấy rằng, khi bạn gởi tiết kiệm, nếu tính lạm phát vào thì bạn chỉ nhận được lãi suất là 0,2% / năm chứ không hề được 6% / năm như ta vẫn tưởng.
  • Thứ hai, nếu so sánh giá trị của hàng hóa và tiền tệ, ta sẽ phải so sánh với quốc tế vì ngoài việc tự cung tự cấp trong nước, chúng ta còn phải nhập khẩu và xuất khẩu đi nước ngoài (và VND đang bị mất giá rất nhiều so với quốc tế). Và trong trường hợp này thì ta sẽ so sánh với Mỹ.

lam-phat-2

Hình 6: thống kê sự trượt giá của VND so với USD

Như báo cáo ở trên thì trong vòng 25 năm, VND đã bị mất giá đi rất nhiều (từ 10.980 VND / USD mà tăng thành 22.762 VND / USD). Như vậy, xét về khía cạnh quốc tế thì ngoài việc bị giảm giá trị do chịu ảnh hưởng bởi lạm phát trong nước, VND còn tiếp tục bị giảm giá trị so với đồng tiền quốc tế (ở đây là USD). Vậy nếu gởi tiết kiệm bằng USD thì có thể giảm bớt việc bị ảnh hưởng như vậy hay không?

Lãi suất gởi tiết kiệm bằng USD ở Việt Nam đang là 0% / năm, và khi so sánh với tỉ lệ lạm phát trung bình 3,15% / năm ở Mỹ (vì đang xét giá trị của đồng USD), ta sẽ có con số chênh lệch là – 3,15% / năm. Tức là mỗi năm, tài sản của chúng ta sẽ bị mất đi 3,15% so với giá trị của đồng tiền quốc tế. Tất nhiên là không phải ai cũng có nhu cầu mua sắm quốc tế nhưng như đã nói ở trên, đất nước chúng ta có một nguồn thu rất lớn từ các hoạt động xuất nhập khẩu, và trong thời đại hội nhập để bước ra thế giới hiện nay thì việc so sánh tỉ lệ lạm phát và tính toán các giá trị của VND so với USD là việc nên làm.

Năm– 3,15% / năm

2020

1.000.000.000

2021

968.500.000

2022

937.992.250

2023

908.445.494

2024

879.829.461

2025

852.114.833

2050

382.814.829

Bảng: giả sử chúng ta có một lượng USD trị giá 1 tỷ VND thì sau 30 năm, dưới sự tác động của lạm phát, giá trị của khối tài sản đó chỉ còn lại hơn 380 triệu


Tất cả những tính toán ở trên đều là những ví dụ đã được đơn giản hóa để người đọc có thể nắm được các ý chính. Thực tế thì đây là những khía cạnh về kinh tế vĩ mô nên chắc chắn là sẽ còn rất nhiều yếu tố phức tạp khác nữa. Tuy nhiên qua đây, chúng ta cũng thấy được những tác động rất lớn của lạm phát lên tài sản của chúng ta.

Lạm phát như là một sát thủ vô hình đối với túi tiền của chúng ta vậy. Nếu chúng ta cứ lầm lũi đi làm và tích lũy mà không có những phương án đối phó với lạm phát, thì đến lúc chúng ta cần thì có khi là chúng ta đang cầm rất nhiều tiền đấy, nhưng giá trị của nó thì không đáng là bao.

Để tránh cho việc tài sản của mình bị bòn rút từ từ bởi lạm phát, thay vì cứ giữ tiền mặt hoặc đầu tư bằng các hình thức giữ tiền mặt (như là gởi tiết kiệm hoặc các quỹ hưu trí) thì lời khuyên thật lòng là các bạn hãy học cách đầu tư, mà cụ thể ở đây là đầu tư vào thị trường chứng khoán (TTCK). Khi các bạn đẩy tiền của các bạn vào TTCK, các bạn sẽ đổi lấy và nắm giữ cổ phiếu trong tay, và giá trị của cổ phiếu sẽ không bị tác động quá nhiều bởi lạm phát nên các bạn có thể yên tâm về giá trị tài sản của mình. Ngoài ra, việc các bạn đầu tư vào TTCK cũng là giúp các doanh nghiệp trên TTCK có thêm nguồn vốn để sản xuất, kinh doanh, điều này sẽ tạo ra rất nhiều giá trị cho nền kinh tế và xã hội, góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển, xã hội ổn định, đất nước phồn vinh.

Các bạn có thể đọc thêm seri về Đầu tư chứng khoán cho người chưa biết gì để hiểu thêm về việc đầu tư, cách để giữ giá trị tài sản của mình nói chung và việc đầu tư vào TTCK nói riêng. Seri này chỉ tập trung viết về bức tranh tổng quát của TTCK, các khái niệm từ cơ bản đến nâng cao, các kiến thức nền tảng về TTCK. Seri này tuyệt đối sẽ không kêu gọi đầu tư, kêu gọi mở tài khoản hay kêu gọi đóng góp và chi trả bất cứ chi phí nào dưới bất kì hình thức nào. Seri này chỉ giúp người đọc có kiến thức cơ bản và vững chắc nhất để có thể tự đưa ra các quyết định đầu tư, thông quá đó để người đọc có thể hiểu và có thể bảo vệ tài sản của mình khỏi “tên trộm” lạm phát, đồng thời đóng góp chút công sức vào sự phát triển của kinh tế và xã hội nước nhà.

0 0 votes
Đánh giá bài viết
Subscribe
Notify of
guest

0 Comments
Inline Feedbacks
Xem tất cả bình luận