Xin chào quý anh chị và các bạn, đây là seri bài viết về đầu tư chứng khoán (ĐTCK) dành cho người chưa biết gì. Mục tiêu của seri này là giúp trang bị cho người đọc, từ những người hoàn toàn chưa biết gì về thị trường chứng khoán (TTCK), cho đến khi kết thúc seri này, người đọc sẽ có một nền tảng đủ vững chắc để có thể đủ tự tin bắt đầu những hoạt động đầu tư đầu tiên của mình.
Seri này sẽ được chia ra 5 phần chính là
- WHY: vì sao chúng ta phải đầu tư?
- WHAT (FOUNDATIONS): cách hoạt động và các khái niệm.
- HOW: các chiến lược đầu tư.
- PASSIVE INVESTING: chiến lược đầu tư thụ động.
- ACTION: cùng triển khai các hoạt động đầu tư đầu tiên.
Chúng ta cùng đến với phần thứ 5, cũng là phần cuối cùng trong seri này, phần 5: Action – Cùng triển khai các hoạt động đầu tư đầu tiên.
Ở trong phần cuối này, mình sẽ chia sẻ một số gợi ý cụ thể là mình sẽ đầu tư vào những quỹ nào, và tại sao mình lại đầu tư vào các quỹ đó. Và trước khi chia sẻ những thông tin này, mình xin thông qua một lưu ý dưới đây:
‼️ DISCLAIMERS: Những chia sẻ trong seri bài viết này mang quan điểm cá nhân của người viết. Đây là những kiến thức mà người viết đã tự tìm hiểu và tổng hợp lại từ nhiều nguồn khác nhau. Người viết không phải là chuyên gia tài chính hay nhà đầu tư chuyên nghiệp. Những kiến thức này phù hợp với người viết và có thể không phù hợp với tất cả người đọc. Các thông tin được trình bày trong bài viết chưa xem xét đến mục tiêu đầu tư, khả năng chấp nhận rủi ro hoặc hoàn cảnh tài chính của từng cá nhân người đọc cụ thể. Những mã cổ phiếu được đề cập trong seri (nếu có) chỉ mang tính chất minh họa (ví dụ), tuyệt đối không nhằm mục đích khuyến nghị, kêu gọi đầu tư vào các mã đó. Mọi hoạt động đầu tư đều sẽ có rủi ro, người đọc cần cân nhắc rất kĩ lưỡng về các quyết định đầu tư và tự chịu trách nhiệm hoàn toàn trước các quyết định đó.
1. Index Fund hay ETF
Cách mà chúng ta thực hiện Passive Investing sẽ là đầu tư vào Index Fund hoặc ETF, vậy thì chúng ta sẽ chọn quỹ nào ở một trong hai quỹ này. Thường thì trong giới đầu tư, cho chiến lược Passive Investing về dài hạn, người ta sẽ có xu hướng đầu tư vào Index Fund nhiều hơn vì hai lí do sau đây:
- Index Fund sẽ giúp chúng ta tránh được những khoản phí giao dịch. Còn ETF do đặc thù của nó là một mã chứng khoán nên khi thực hiện giao dịch, bạn phải thanh toán chi phí giao dịch cho các Broker. Các khoản phí này thực sự không quá nhiều, nhưng vì chúng ta đầu tư dài hạn vài chục năm nên số lần giao dịch cũng không phải là ít, nếu cộng dồn lại thì phí giao dịch cũng là một con số đáng kể.
- Index Fund sẽ giúp chúng ta dễ dàng hơn trong việc thực hiện chiến lược “Fire & Forget”, vì khi đầu tư vào Index Fund, khoản đầu tư này sẽ nằm trong quỹ và khuất mắt chúng ta, cộng thêm việc mua bán các Index Fund cũng khá phức tạp nên có thể giúp chúng ta “quên” nó đi, giúp chúng ta hạn chế đụng vào các khoản đầu tư này.
Cũng còn nhiều lí do khác nhưng tóm lại thì đó là hai lí do chính mà vì sao về dài hạn, người ta thường hay có xu hướng đầu tư vào Index Fund nhiều hơn. Tuy nhiên, ETF cũng không phải là quá tệ và cá nhân mình khuyên các bạn nên đầu tư vào ETF, lí do là vì:
- Đa phần các bạn đọc seri bài viết này là những người mới chập chững bước vào thị trường chứng khoán, có thể là chưa bao giờ đầu tư trên TTCK. Và do là ETF được niêm yết trên TTCK nên việc đầu tư vào ETF sẽ giúp các bạn làm quen và tiếp cận với các hình thức giao dịch mua bán trên TTCK. Từ đó có thể giúp cho các bạn quen dần với các hoạt động đầu tư khác trên TTCK, giúp các bạn có nền tảng cho việc tìm hiểu các chiến lược đầu tư chủ động như Dividend Investing, Growth Investing, Value Investing.
- Vấn đề thứ hai là các khoản phí. Trong giai đoạn đầu này thì số lượng giao dịch mà các bạn thực hiện chắc là sẽ không nhiều nên khoản phí này sẽ không đáng kể. Chưa kể là chi phí cho việc đầu tư vào ETF sẽ dễ hơn việc đầu tư vào Index Fund vì các ETF không có giới hạn đầu tư tối thiểu.
- Về mặt cơ bản thì yếu tố tăng trưởng của Index Fund và ETF không quá khác biệt nên việc đầu tư vào Index Fund hay ETF về khía cạnh tăng trưởng là như nhau.
- Về khía cạnh tâm lý thì với Index Fund, chúng ta sẽ dễ dàng hơn trong việc “Fire & Forget”, nhưng với ETF thì chúng ta có thể nhìn thấy các khoản đầu tư của chúng ta tăng trưởng dần dần, từ đó mang lại tâm lý vui vẻ, thích thú khi chứng kiến các khoản đầu tư của chúng ta đang hoạt động hiệu quả. Khía cạnh này mang tính cá nhân nhiều hơn, mỗi người mỗi tính.
Vậy thì chúng ta sẽ chọn công ty quản lý quỹ nào? Có một vài yếu tố cần phải cân nhắc khi chọn công ty quản lý quỹ, cụ thể như sau:
- Phí quản lý: càng thấp càng tốt.
- Performance: khả năng theo dõi (track) chính xác các chỉ số cần theo dõi.
- Cách quản lý: cách tổ chức và điều hành không có xung đột về lợi ích.
- Mức độ uy tín: kiểm tra xem công ty có dính phốt không.
2. Các quỹ đầu tư thụ động ở thị trường Mỹ
Đầu tiên, chúng ta sẽ tìm hiểu về quỹ đầu tư thụ động ở Mỹ. Mình chọn Mỹ vì đây là thị trường lớn nhất và tạm ổn định nhất trên thế giới. Và công ty mình đề cập là công ty Vanguard. Quỹ này được thành lập bởi người được gọi là cha đẻ của chiến lược Passive Investing, ông tên là John Bogle. Các bạn có thể tìm hiểu thêm về ông này trên Google.
Lí do mình chọn Vanguard là vì đây là một công ty có các quỹ với phí quản lý thấp nhất trên thị trường. Lí do thứ hai là cách hoạt động và cách cấu trúc của Vanguard rất khác biệt so với các quỹ khác, chính sự khác biệt này đã giúp cho lợi ích của những người quản lý quỹ và lợi ích của các nhà đầu tư không bị xung đột lẫn nhau.
Từ những lý do đó, nếu bạn nào đang sống ở những nước mà có Vanguard hoạt động thì các bạn nên tìm hiểu và đầu tư vào Vanguard. Vấn đề là không phải nước nào cũng có Vanguard và Việt Nam là một trong những nước mà chưa có Vanguard hoạt động. Nhưng không sao, các bạn có thể tìm hiểu về Vanguard trước vì TTCK Việt Nam sớm muộn gì cũng phải hội nhập với thế giới, và mình tin là vào một tương lai gần, Vanguard cũng sẽ đến và đầu tư vào Việt Nam, lúc đó thì các bạn cũng có thể lập tức ra ngay những quyết định đầu tư mà không cần phải tìm hiểu thêm nữa.
Dưới đây là một số quỹ cổ phiếu và trái phiếu của Vanguard mà mình thấy rất ổn, các bạn tham khảo thêm nhé:
Hình 1: Các quỹ thụ động uy tín do Vanguard quản lý
3. Các quỹ đầu tư thụ động ở thị trường Việt Nam
Nếu chúng ta chỉ có quốc tịch Việt Nam thì chúng ta không thể mua chứng khoán ở các thị trường nước ngoài, vì thế phần này mình sẽ giới thiệu một số quỹ đầu tư thụ động ở thị trường Việt Nam để các bạn tham khảo. Sau đây là một vài tiêu chí để lựa chọn quỹ thụ động:
Hình 2: Các quỹ thụ động và phí quản lý (%) của quỹ do các công ty quản lý quỹ ở Việt Nam phát hành
3.1. Tiêu chí 1: Quy mô và danh tiếng của công ty quản lý quỹ
Hiện tại có 4 công ty quản lý quỹ sau có ETFs đang được niêm yết trên TTCK:
3.1.1. Công ty Cổ Phần Quản Lý Quỹ Dragon Capital Việt Nam (DCVFM)
DCVFM được thành lập dựa trên sự hợp tác toàn diện giữa hai tổ chức tài chính hàng đầu Việt Nam là Dragon Capital và Công ty Cổ Phần Quản Lý Quỹ Đầu Tư Việt Nam. Thông tin sơ bộ về DCVFM như sau:
- Tổng tài sản: Gần 943 tỷ (Theo báo cáo tài chính quý 4/2021)
- Năm thành lập: 1994, cho đến nay đã hơn 26 năm đồng hành và phát triển cùng nền kinh tế Việt Nam. Đây cũng là một trong những công ty quản lý quỹ có lịch sử hoạt động lâu đời nhất trên thị trường vốn Việt Nam.
- Các mảng đầu tư: DCVFM đang mang đến cho khách hàng rất nhiều sản phẩm đầu tư đa dạng, từ quỹ mở (Quỹ DCIP, Quỹ DCDS, Quỹ DCBC), quỹ ETF (Quỹ ETF VFMVN30, Quỹ ETF VFMVN DIAMOND), quỹ Hưu trí, chương trình đầu tư định kỳ và cả nghiệp vụ quản lý danh mục đầu tư.
3.1.2. Công ty Quản lý Quỹ VinaCapital (VCFM)
VCFM là một thành viên được sở hữu 100% bởi Tập đoàn VinaCapital, một trong những tập đoàn đầu tư và quản lý tài sản lớn nhất tại Việt Nam. Thông tin sơ bộ về VCFM như sau:
- Tổng tài sản: Hơn 264 tỷ (Theo báo cáo tài chính quý 4/2021)
- Năm thành lập: 2012
- Các mảng đầu tư: VCFM đang cung cấp dịch vụ quản lý và tư vấn danh mục đầu tư, các sản phẩm đầu tư quỹ mở tiềm năng để phục vụ nhu cầu đầu tư khác nhau của khách hàng. 1 số quỹ mở như: VEOF, VFF, VIBF, quỹ ETF VinaCapital VN100.
3.1.3. Công Ty TNHH Quản Lý Quỹ SSI (SSIAM)
SSIAM là công ty TNHH một thành viên thuộc 100% sở hữu của Công ty Cổ Phần Chứng Khoán SSI, một trong những công ty chứng khoán hàng đầu tại Việt Nam, cung cấp các dịch vụ quản lý quỹ và quản lý danh mục đầu tư cho các khách hàng cá nhân và tổ chức nhằm bảo toàn và gia tăng giá trị tài sản cho khách hàng. Thông tin sơ bộ về SSIAM như sau:
- Tổng tài sản: Gần 220 tỷ (Theo báo cáo tài chính quý 4/2021)
- Năm thành lập: 2007
- Các mảng đầu tư: SSIAM cung cấp các dịch vụ quản lý quỹ và quản lý
danh mục đầu tư đa dạng cho các nhà đầu tư cá nhân và tổ chức trong nước và nước ngoài. Công ty hiện đang có 3 quỹ ETFs được niêm yết trên thị trường: SSIAM VN30, SSIAM VNFIN LEAD và SSIAM VNX50 ETF
3.1.4. Công ty TNHH Quản Lý Quỹ Mirae Asset (Việt Nam)
Công ty TNHH Quản Lý Quỹ Mirae Asset (Việt Nam) thuộc 100% sở hữu bởi Công ty Quản lý quỹ Mirae Asset Global Investment Co., Ltd, là đơn vị tiên phong trong ngành công nghiệp dịch vụ tài chính Hàn Quốc. Thông tin sơ bộ về Mirae Asset VN như sau:
- Tổng tài sản: Hơn 76 tỷ (Theo báo cáo tài chính quý 4/2021)
- Năm thành lập: 2018
- Các mảng đầu tư: Quản lý quỹ đầu tư chứng khoán, quản lý danh mục đầu tư chứng khoán và tư vấn đầu tư chứng khoán. Công ty hiện đang có các quỹ mở MAGEF, MAFF và quỹ ETF MAFM VN30
Như vậy, theo như thông tin sơ lược trên thì mình sẽ sắp xếp quy mô và mức độ uy tín các công ty quản lý quỹ theo thứ tự như sau:
Dragon Capital > VinaCapital > SSIAM > Mirae Asset.
3.2. Tiêu chí 2: tính thanh khoản
Tính thanh khoản là khả năng mua bán, giao dịch của một quỹ nào đó, cụ thể tính thanh khoản của các ETF ở Việt Nam như sau:
Hình 3: Tính thanh khoản của một số ETF tại Việt Nam. @Số liệu trên website của công ty quản lý các ETF này
(*) KLGD: khối lượng giao dịch.
Dễ dàng nhận thấy 2 ETF của Dragon Capital có tính thanh khoản rất ấn tượng, trung bình khoảng 1 triệu CCQ được giao dịch trong 1 ngày. Nhìn vào thống kê giao dịch trên thì mình xếp theo thứ tự sau:
VFMVN30 > VFMVN DIAMOND > SSIAM VNFIN LEAD > MAFM VN30 > VinaCapital VN100 > SSIAM VNX50 ETF > SSIAM VN30
3.3. Tiêu chí 3: tính diversify
Để đảm bảo an toàn, chúng ta nên chọn những quỹ bám sát các chỉ số càng rộng càng tốt, theo tinh thần này thì mình sắp xếp theo thứ tự như sau:
VinaCapital VN100 > SSIAM VNX50 ETF > VFMVN30, SSIAM VN30, MAFM VN30 > VFMVN DIAMOND > SSIAM VNFIN LEAD
3.4. Tiêu chí 4: khả năng bám sát chỉ số (performance)
Nhìn chung các ETF track khá sát với chỉ số cần track của mỗi quỹ (cụ thể thì các bạn có thể lên website của từng quỹ để xem thêm biểu đồ, nhưng nhìn chung thì cũng tương tự nhau, không khác biệt nhiều lắm), theo cá nhân mình xếp hạng thì như sau:
VFMVN30, SSIAM VN30, MAFM VN30, VFMVN DIAMOND > VinaCapital VN100 > SSIAM VNX50 ETF > SSIAM VNFIN LEAD
3.5. Tiêu chí 5: Phí quản lý
Cả 7 ETF đều có mức phí quản lý khá thấp (rơi vào khoảng 0,6 – 0,8% là phù hợp) nhưng mình cũng đưa vào đây để tiện so sánh luôn:
SSIAM VN30 (0.55%) > MAFM VN30 (0.6%) > VFMVN30, SSIAM VNFIN LEAD, SSIAM VNX50 ETF (0.65%) > VinaCapital VN100 (0.67%) > VFMVN DIAMOND (0.8%)
3.6. Tổng kết
Như vậy, mình đã điểm sơ qua một vài tiêu chí lựa chọn ETF, cá nhân mình thì đang đầu tư vào 3 ETF dưới đây, các bạn có thể tham khảo thêm trên website của các công ty quản lý các quỹ này để hiểu rõ hơn nhé.
Hình 4: Các ETF mà mình đang đầu tư (đóng khung màu đỏ)
4. Chúc thành công
Như vậy, chúng ta đã cùng đi qua tất cả các phần của seri đầu tư chứng khoán (ĐTCK) dành cho người chưa biết gì. Tới đây thì mình hi vọng các bạn đã có đủ kiến thức nền tảng nhất về các hoạt động đầu tư nói chung và các hoạt động về đầu tư trên thị trường chứng khoán nói riêng. Với những kiến thức nền tảng đó, mình tin rằng các bạn đã có đủ tự tin để có thể bắt đầu thực hiện những bước đi đầu tư của riêng các bạn.
Chúc các bạn may mắn, thành công và thịnh vượng !