Fintech là một thuật ngữ rất mới, đi kèm với sự phát triển vượt bậc của nhân loại. Với sự bùng nổ của công nghệ thì tất cả các ngành nghề, tất cả các sản phẩm thuộc tất cả các lĩnh vực đều sẽ được số hóa và đưa lên môi trường 4.0. Và tài chính cũng không phải là ngoại lệ.
Việc mua bán các sản phẩm tài chính trên các ứng dụng điện thoại đã trở nên phổ biến, đặc biệt là các hoạt động giao dịch chứng khoán. Nhưng có rất nhiều nhà đầu tư mới, hoặc các nhà đầu tư không chuyên băn khoăn rằng là liệu có nên mua chứng khoán trên các ứng dụng Fintech hay không?
Bài viết này sẽ giải đáp thắc mắc đấy cho các nhà đầu tư mới hoặc không chuyên.
1. Fintech là gì ?
Fintech là một chủ đề nổi bật, thậm chí là trở nên rất quen thuộc đối với nhiều người , đặc biệt là trong những câu chuyện, cuộc tán gẫu của dân IT trong thời gian gần đây. Nếu bạn là một người có sở thích quan tâm đến công nghệ, kể cả khi không đến mức đam mê thì chắc hẳn cũng đã từng nghe đến thuật ngữ “Fintech” ít nhất một lần.
Fintech là sự kết hợp giữa Finance (tiền tệ, tài chính) và Technology (công nghệ), hiểu nôm na là công nghệ tài chính. Giải thích một cách đơn giản, thì fintech đề cập đến việc tận dụng sự sáng tạo công nghệ để sử dụng trong các hoạt động, dịch vụ tài chính.
Fintech không bắt nguồn từ những hệ thống tiền tệ hiện có, mà nó đánh dấu sự xâm lấn của ngành công nghệ thông tin (Information Technology – IT) vào những hệ thống tiền tệ đó. Vậy nếu một công ty tài chính bắt đầu áp dụng công nghệ vào vận hành có được định nghĩa là fintech không?
Không. Chúng ta sẽ gọi đó là ứng dụng IT trong công ty tài chính và tuyệt nhiên không thể gọi là fintech. Fintech được sử dụng trong trường hợp ngược lại. Đó làm một công ty IT triển khai các dịch vụ trong lĩnh vực tiền tệ, tài chính.
Ví dụ: Ngân hàng Vietcombank đưa ra phần mềm ứng dụng điện thoại di động, cho phép khách hàng giao dịch mobile-banking không được gọi là Fintech. Công ty công nghệ Sharkism.com đưa công nghệ bảo mật dữ liệu mới vào vào dịch vụ Ví điện tử của một số ngân hàng, nhằm cung cấp dịch vụ tiện ích và an toàn cho người sử dụng, đó là fintech.
2. Mua bán chứng khoán trên các app Fintech
Hiện tại ở Việt Nam đang có 4 công ty Fintech đang hoạt động mạnh nhất, phổ biến nhất và đang dạng sản phẩm nhất trên thị trường tài chính, đó là Finhay, Tikop, Anfin và Fmarket
2.1. Finhay, Tikop và Anfin
Đầu tiên nói về Finhay, Tikop và Anfin trước. Đây là các app trung gian, đại diện cho bạn để mua bán chứng khoán, và hiển nhiên rằng họ sẽ là người đứng tên chính chủ trên số chứng khoán đó, bạn chỉ mua một phần nên bạn chỉ có thể được họ cấp giấy chứng nhận là bạn sở hữu một phần thôi chứ bạn không phải là người đứng tên chính chủ.
Ví dụ như 1 cổ phiếu của Vingroup có giá 100.000đ, bạn chỉ có 10.000đ nên nếu tính toán ra thì bạn có thể mua 0,1 cổ phiếu của Vingroup. Anfin sẽ gom 10 người như bạn lại để mua 1 cổ phiếu của Vingroup, sau đó sẽ chia lại cho các bạn.
Về mặt pháp lý thì Vingroup chỉ công nhận Anfin là cổ đông sở hữu cổ phiếu và Vingroup không hề biết bạn là ai. Bạn chỉ được Anfin thông báo là bạn đang sở hữu 0,1 cổ phiếu Vingroup thôi. Tương tự như vậy cho Finhay và Tikop, 2 app này chủ yếu tập trung vào các chứng chỉ quỹ.
Vậy nếu các app này phá sản thì tiền của bạn, cổ phiếu của bạn (tóm lại là tài sản của bạn) sẽ đi đâu? Không ai biết được đâu!
Trong cam kết trách nhiệm của họ (bạn nên đọc kĩ phần này trong phần quy định dài ngoằng của họ), tất cả đều chỉ cam kết “sẽ đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho user khi có sự cố xảy ra”, còn cụ thể như thế nào thì họ không nói. Mình chưa đọc được dòng nào mà ghi là “Chúng tôi cam kết sẽ bồi thường đủ 100% tài sản (hoặc giá trị tài sản) của user nếu chúng tôi gặp sự cố”.
Từ đây có thể hiểu là các app này sẽ mang lại rủi ro, còn mức độ rủi ro thì mình không dám đánh giá (có thể là mất trắng, mất ít hoặc mất vừa vừa).
Ngoài ra còn một yếu tố khác nữa là do nó có tính rủi ro như thế nên ít có ai đầu tư vào app dạng này và để dài hạn trong vòng 20 đến 30 năm. Thường là chỉ đầu tư ngắn hạn (tạm gọi là đầu cơ).
Về phía cá nhân mình, mình nhận thấy là do có thể đầu cơ với số vốn rất nhỏ nên dần dần sẽ nảy sinh ra tâm lí cờ bạc, hăng máu. Vốn ít thì lỗ ít nên thấy ko đáng lo, nhưng vốn ít thì cũng lời ít nên thấy ko đã. Dần dần thì mình sẽ càng bị cuốn vào nó, nhất là đối với những sinh viên mới ra trường (cũng là khách hàng mục tiêu của các app này) thì cái này lại càng dễ dính bẫy. Ban đầu thì chỉ là 10, 20 nghìn đồng, sau đó từ từ lên 100, 200 nghìn đồng rồi lên 1 triệu , 2 triệu đồng, …
Lời khuyên của mình là nếu mong muốn đầu tư dài hạn từ 10 đến 30 năm thì nên chọn công ty chứng khoán và tham gia hoạt động đầu tư chính quy trên thị trường chứng khoán. Khi làm như vậy thì bạn sẽ được sự bảo hộ của Nhà nước và bạn sẽ đứng tên chính chủ trên tài sản của bạn luôn. Trong tương lai dài hạn, chỉ trừ khi quốc gia có binh biến thì tài sản của bạn mới biến động (và mất).
Xem thêm Sự khác biệt giữa sàn giao dịch chứng khoán và công ty chứng khoán
Nhược điểm của việc mua chứng khoán qua công ty chứng khoán chỉ là bạn phải có một số tiền tương đối mới mua được chứng khoán, vì họ quy định mua tối thiểu và phải mua bội số của 100 cổ phiếu.
Ví dụ như bạn muốn mua ETF thì hiện tại, giá của ETF đang track VN100 thì đang rơi vào khoảng 19.000đ / cổ phiếu nên bạn phải có ít nhất 2 triệu thì mới tham gia được. Nhưng mà không sao, tháng này không đủ thì để dành gom gom zô rồi tháng sau mua.
2.2. Fmarket
Còn riêng với Fmarket thì theo đánh giá chủ quan của mình (tính tới thời điểm hiện tại) là nó tương đối an toàn. Nó cũng là trung gian nhưng nó được ủy quyền và công khai bởi các quỹ như Dragon Capital hay VinaCapital, hay nói cách khác, nó là đại lý chính thức của mấy công ty đó.
Các sản phẩm của Dragon hay Vina thì thường có Mutual Fund, Index Fund và ETF, … và do là đại lý chính thức nên Fmarket cũng phân phối các sản phẩm này.
Ưu điểm của Fmarket là họ gom hàng của các công ty trên về và băm nhỏ ra để bán cho nhà đầu tư nhỏ lẻ, và khi bạn mua của Fmarket thì bạn vẫn đứng tên chính chủ chứ Fmarket họ không thay bạn đứng tên, họ chỉ ăn phí quản lý thôi.
Ví dụ như nhà sản xuất xe Honda họ có dòng xe AB rất nổi tiếng, nếu bạn mua trực tiếp từ Honda thì giá sẽ tốt hơn, tuy nhiên Honda chỉ bán cho bạn với điều kiện bạn mua 10 chiếc AB trở lên, họ sẽ bán cho bạn giá sỉ.
Bạn không đủ tiền và bạn cũng không có nhu cầu mua 10 chiếc mà chỉ mua 1 chiếc thôi, nên bạn phải về đại lý phân phối của Honda và mua với mức giá bán lẻ, giá cao hơn một chút nhưng bạn đủ tiền mua 1 chiếc, cũng phù hợp với nhu cầu của bạn.
Và hiển nhiên là bạn cũng sẽ đứng tên chính chủ chiếc xe đó. Và do là đại lý phân phối chính thức của Honda, được Honda công bố và ủy quyền nên Honda cũng sẽ có một phần trách nhiệm nên như đại lý này có những hoạt động làm ăn bất chính.
Đây là trường hợp của Dragon Capital hay VinaCapital, nếu bạn mua trực tiếp từ họ thì giá tối thiểu là từ 2 triệu đến 20 triệu, tuy nhiên nếu mua một phần qua Fmarket thì chỉ cần từ 200 nghìn đến 500 nghìn thôi. Dragon Capital và VinaCapital cũng có trách nhiệm nếu Fmarket làm ăn bát nháo, và họ cũng sẽ không cho phép điều đó xảy ra.
Còn nếu bạn mua xe ở tiệm cầm đồ, hoặc mua qua một người khác, giá rẻ hơn rất nhiều so với mua ở đại lý nhưng Honda sẽ không chịu trách nhiệm với những tiệm cầm đồ và những cá nhân như vậy, và các tiệm cầm đồ hoặc các cá nhân như vậy chỉ có giấy tờ mua bán với bạn thôi chứ họ sẽ không thể làm các thủ tục đăng kí chính chủ cho bạn, người đứng tên chính chủ sẽ là người khác.
Lúc này thì bạn vẫn có thể sử dụng chiếc xe ngon lành nhưng về rủi ro thì bạn tự chịu. Các tiệm cầm đồ và các cá nhân buôn bán như thế cũng chỉ hứa là đảm bảo quyền lợi cho bạn thôi, chứ nếu bạn gặp tai nạn hư xe hoặc bị công an lụm thì khả năng họ sẽ hỗ trợ được bạn là bao nhiêu? Hoặc nếu họ đóng cửa hay trốn mất thì ai bảo hành cho bạn?
Hơi tiêu cực một chút nhưng đó là trường hợp của Tikop, Finhay, Anfin. Mình chỉ ví dụ cho bạn dễ hiểu thôi chứ nó không tiêu cực tới mức đó đâu.
3. Sự tích cực của Fintech
Nói đi cũng nói lại, sự xuất hiện của các công ty Fintech như vầy là một tín hiệu đáng mừng, nó cho thấy sự phát triển của quốc gia.
Các bạn trẻ tìm hiểu về Fintech và có sự đầu tư vào các app này cũng cho thấy tư duy đầu tư đã xuất hiện trong giới trẻ, chứ không giống như suy nghĩ của người lớn là “tụi trẻ bây giờ chỉ biết ăn chơi chứ có biết nghĩ gì cho tương lai đâu”.
Tuy nhiên cũng tránh việc đi lạc giữa đầu tư sang đầu cơ và bị lún sâu trong con đường cờ bạc.
Cá nhân mình có dùng không? Có luôn.
Mình thích công nghệ, thích cái mới mẻ nên mình chỉ nạp vào một số tiền tối thiểu, đủ để kích hoạt tài khoản và có thể trải nghiệm tính năng. Dự kiến đến cuối năm mình cũng sẽ bán và rút hết tiền ra (vì một năm là đủ để mình trải nghiệm rồi nè) chứ không có dự định để lâu dài.
Tuy nhiên, nếu các công ty Fintech này có sự cải thiện về mặt pháp lý và độ an toàn cho các sản phẩm của họ thì mình sẽ cân nhắc ủng hộ, vì dù sao đây cũng là cách để đất nước phát triển mà ^^.
P/s: cách để biết là bạn có sở hữu cổ phiếu đó hay không, đó là thư mời họp đại hội cổ đông. Mình đã test thử, cùng một cổ phiếu, mình mua trên Công Ty Chứng Khoán thì nhận được email mời họp đại hội cổ đông còn mua trên Anfin thì không nhận được thư mời họp nào cả (tất nhiên là mình mua khối lượng giống nhau để đối chứng).
Cho nên mình càng khẳng định chắc chắn rằng chỉ khi nào bạn mua cổ phiếu qua các công ty chứng khoán thì bạn mới đứng tên chính chủ sở hữu cổ phiếu đó, và bạn chính là cổ đông của cty phát hành cổ phiếu mà bạn đang sở hữu. Còn nếu mua trên App như mình đã nói ở trên thì không có đâu nhé.
Mặc dù các Apps cũng sẽ trao quyền của cổ đông cho bạn (quyền lợi của cổ đông chính thức, thông qua đại hội cổ đông, …v…v… ) như là quyền mua cổ phiếu ưu đãi chẳng hạn. Nhưng về bản chất, những cổ phiếu bạn đang nắm giữ không phải là của bạn mà là của các Apps trung gian, nhớ kĩ điều đó nha.