Xin chào quý anh chị và các bạn, đây là seri bài viết về đầu tư chứng khoán (ĐTCK) dành cho người chưa biết gì. Mục tiêu của seri này là giúp trang bị cho người đọc, từ những người hoàn toàn chưa biết gì về thị trường chứng khoán (TTCK), cho đến khi kết thúc seri này, người đọc sẽ có một nền tảng đủ vững chắc để có thể đủ tự tin bắt đầu những hoạt động đầu tư đầu tiên của mình.
Seri này sẽ được chia ra 5 phần chính là
- WHY: vì sao chúng ta phải đầu tư?
- WHAT (FOUNDATIONS): cách hoạt động và các khái niệm.
- HOW: các chiến lược đầu tư.
- PASSIVE INVESTING: chiến lược đầu tư thụ động.
- ACTION: cùng triển khai các hoạt động đầu tư đầu tiên.
Chúng ta cùng đến với phần thứ 2, phần 2: WHAT – Cách hoạt động và các khái niệm. Trong phần này chúng ta sẽ cùng tìm hiểu phần 2.2 – Căn bản về thị trường chứng khoán.
Ở phần 2.1, chúng ta đã có những khái niệm cơ bản nhất về đầu tư. Trong phần này, chúng ta sẽ tìm hiểu sâu hơn về các khái niệm trong thị trường chứng khoán để từ đó có thể hiểu rõ hơn về cách hoạt động của thị trường chứng khoán nói chung và các hoạt động đầu tư nói riêng.
5. Thị trường chứng khoán (Stock market)
Ở phần trước, chúng ta có ví dụ về một công ty có 5 thành viên A, B, C, D, E và sau đó 2 năm, khi công ty đang trên đà phát triển thì họ cần thêm vốn. Lúc này, với mối quan hệ với giám đốc của công ty, mình có được những thông tin xung quanh việc phát triển của công ty và cùng với khả năng tài chính cá nhân, mình quyết định tham gia góp vốn vào công ty.
Nhưng về phía những nhà đầu tư khác, tuy là họ có vốn nhàn rỗi nhưng họ lại không có cơ hội tiếp cận và đầu tư vào các công ty dạng như thế này, vì cơ bản thì đây vẫn là công ty tư nhân (private company) nên mọi hoạt động và thông tin đều không được thông báo rộng rãi ra bên ngoài.
Còn về phía công ty thì họ vẫn luôn cần nguồn vốn để phục vụ cho việc đầu tư và phát triển công ty khi cần. Khi còn là công ty tư nhân, nếu muốn huy động vốn thì họ phải tự đi tìm những cá nhân hoặc những quỹ đầu tư, sau khi trải qua một quá trình tiếp cận, trao đổi thông tin, thương lượng qua lại rất phức tạp thì các thương vụ đầu tư mới được chốt. Quá trình này rất mất thời gian và khá tốn kém.
Tức là ở đây chúng ta sẽ có 2 nhóm đối tượng:
- Nhà đầu tư: nhóm này sẽ luôn có sẵn nguồn tiền và có nhu cầu tìm kiếm những công ty tốt để đầu tư.
- Công ty: nhóm này luôn cần vốn để mở rộng và phát triển các hoạt động kinh doanh.
Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để mang 2 nhóm đối tượng này tiếp cận được với nhau? Cũng chính vì nhu cầu đó mà người ta sinh ra khái niệm thị trường chứng khoán (stock market). Nói một cách dễ hình dung, thị trường chứng khoán (TTCK) giống như là một cái chợ, ở trong cái chợ đó, cổ phần của các công ty sẽ được buôn bán công khai và bất kì ai cũng có quyền mua và quyền bán như nhau. Khi một công ty còn là công ty tư nhân, nghĩa là công ty đó sẽ đứng một mình ở bên ngoài TTCK, tức là chỉ có những ai biết và có thông tin về công ty đó thì mới có thể thương lượng về việc mua cổ phần. Còn bây giờ, khi công ty đã chuyển vào “chợ” (TTCK) thì ở trong “chợ” sẽ có rất nhiều khách hàng, các hoạt động mua bán sẽ được diễn ra công khai và dễ dàng hơn nhiều.
Hình 9: Mô tả khái quát về thị trường chứng khoán (stock market)
6. IPO (Intial Public Offering)
Khi một công ty tham gia vào TTCK thì sẽ trở thành công ty đại chúng (public company). Hành động chuyển từ công ty tư nhân sang công ty đại chúng, hay nói cách là hoạt động mà một công ty bắt đầu tham gia từ bên ngoài vào bên trong “chợ” (TTCK), được gọi là IPO (Intial Public Offering). Lúc này thì cổ phiếu của công ty đó sẽ được chính thức niêm yết trên TTCK và bất kì ai cũng có thể mua cổ phần của công ty đó.
Không phải công ty nào muốn trở thành công ty đại chúng cũng được. Để đảm bảo an toàn cho các nhà đầu tư, chính phủ ở các nước sẽ có những tổ chức giám sát các hoạt động này rất kĩ. Ở Việt Nam thì tổ chức này được gọi là Ủy Ban Chứng Khoán Nhà Nước (SSC – State Securities Commission of Vietnam), đây là một cơ quan trực thuộc Bộ Tài Chính và đây sẽ là nơi quản lý và giám sát các hoạt động trên TTCK Việt Nam. Với các hoạt động IPO thì họ sẽ đưa ra những yêu cầu cụ thể cho các công ty (về độ lớn, doanh thu, lợi nhuận, …), khi đạt được những yêu cầu đó thì mới được niêm yết lên TTCK (IPO). Việc này nhằm mục đích để tránh cho các công ty linh tinh, không đủ chất lượng lên TTCK, gây ảnh hưởng không tốt cho các nhà đầu tư và các hoạt động đầu tư.
Hình 10: Mô tả khái quát về hoạt động IPO (Intial Public Offering)
Vì những lí do như vậy nên các hoạt động IPO sẽ rất phức tạp, ở đây mình chỉ ví dụ một cách trực quan về dễ hiểu nhất để các bạn có thể nắm hết ý chính của hoạt động IPO. Về bản chất thì việc IPO giống như là việc huy động vốn, thay vì huy động vốn từ các nhà đầu tư thì lần này các công ty sẽ phát hành thêm cổ phiếu trên TTCK. Để dễ hiểu hơn thì mình sẽ dùng tiếp ví dụ ở phần 2.1.
Ở ví dụ lần trước, giá sử công ty chia ra làm 100.000 phần, tổng giá trị công ty là 5 tỷ, tương ứng với 50.000đ / phần, thì chúng ta có tỉ lệ sở hữu của các cổ đông trong công ty tính đến thời điểm hiện tại sẽ là:
- Anh A: 8% cổ phần, tương đương 8.000 cổ phiếu, trị giá 400 triệu.
- Anh B: 16% cổ phần, tương đương 16.000 cổ phiếu, trị giá 800 triệu.
- Anh C: 16% cổ phần, tương đương 16.000 cổ phiếu, trị giá 800 triệu.
- Anh D: 16% cổ phần, tương đương 16.000 cổ phiếu, trị giá 800 triệu.
- Anh E: 24% cổ phần, tương đương 24.000 cổ phiếu, trị giá 1,2 tỷ.
- Anh F: 20% cổ phần, tương đương 20.000 cổ phiếu, trị giá 1 tỷ.
Giả sử sau khi có sự tham gia góp vốn của mình, công ty hoạt động tốt và quyết định IPO, và cách làm của họ sẽ là phát hành thêm cổ phiếu. Ví dụ công ty quyết định sẽ phát hành thêm 25.000 phần nữa, tương ứng với 25.000 cổ phiếu nữa. Thường thì khi IPO, các công ty sẽ kết hợp với một ngân hàng đầu tư (investment bank). Về cơ bản thì các ngân hàng đầu tư này sẽ giúp công ty bán 25.000 cổ phiếu của công ty với giá cao nhất có thể. Họ sẽ có mối quan hệ với các quỹ đầu tư hoặc các nhà đầu tư cá nhân lớn trên TTCK. Từ đó họ sẽ chào mời và quảng bá cổ phiếu của công ty đến các đối tượng này để mà có thể bán được với giá cao nhất.
Giả sử khi mà chào mời qua lại, họ chốt được mức giá cho đợt IPO lần này là 80.000đ / cổ phiếu, tức là công ty sẽ huy động được thêm 80.000 × 25.000 = 2 tỷ nếu họ bán được hết số cổ phiếu này. Và giá trị hiện tại của công ty sẽ được tính theo giá mới, tức là giá 80.000đ / cổ phiếu chứ không phải 50.000đ / cổ phiếu như lúc trước khi IPO nữa, và giá trị hiện tại của công ty tương ứng với 125.000 cổ phiếu (100.000 cổ phiếu ban đầu và 25.000 cổ phiếu phát hành thêm) sẽ là 80.000 × 125.000 = 10 tỷ, và số cổ phiếu sau khi IPO với trị giá 2 tỷ sẽ chiếm 20% cổ phần.
Hình 11: Mô tả chi tiết về hoạt động IPO (Intial Public Offering)
Tương tự như hoạt động pha loãng cổ phiếu (dilution) đã mô tả ở phần trước, chúng ta có thể tính ra được tỉ lệ sở hữu của các cổ đông trong công ty sau khi IPO sẽ là:
- Anh A: 6,4% cổ phần, tương đương 8.000 cổ phiếu, trị giá 640 triệu.
- Anh B: 12,8% cổ phần, tương đương 16.000 cổ phiếu, trị giá 1,28 tỷ.
- Anh C: 12,8% cổ phần, tương đương 16.000 cổ phiếu, trị giá 1,28 tỷ.
- Anh D: 12,8% cổ phần, tương đương 16.000 cổ phiếu, trị giá 1,28 tỷ.
- Anh E: 19,2% cổ phần, tương đương 24.000 cổ phiếu, trị giá 1,92 tỷ.
- Anh F: 16% cổ phần, tương đương 20.000 cổ phiếu, trị giá 1,6 tỷ.
- Các nhà đầu tư khác: 20% cổ phần, tương đương 25.000 cổ phiếu, trị giá 2 tỷ.
Thường thì các hoạt động IPO này sẽ được các quỹ đầu tư lớn hoặc các nhà đầu tư cá nhân với nguồn vốn khủng và có tên tuổi trên TTCK tham gia. Còn với những nhà đầu tư nhỏ lẻ sẽ ít khi nào được chào mời, nếu muốn mua cổ phiếu của công ty, chúng ta phải mua qua các đơn vị trung gian hoặc chờ đến khi IPO xong, các nhà đầu tư ban đầu sẽ bán ra các cổ phiếu này và chúng ta có thể mua của họ nếu muốn.
Sau khi công ty IPO và trở thành công ty đại chúng, các nhà đầu tư đầu tiên này có thể bán lại cho người khác để kiếm lời. Kể từ đây thì mỗi khi công ty cần thêm vốn, họ có thể phát hành thêm cổ phiếu để tiếp tục huy động vốn từ đại chúng. Tuy nhiên việc này cũng gần giống với lạm phát, giống với việc chính phủ in thêm tiền (giá trị cổ phiếu không thay đổi mà số lượng cổ phiếu lại quá nhiều thì sẽ dẫn đến việc cổ phiếu bị mất giá). Nếu chúng ta không kiểm soát tốt và không làm đúng cách, đúng thời điểm sẽ làm cho giá trị cổ phiếu cũng như giá trị công ty càng lúc càng giảm, dẫn đến việc phá sản cả công ty.
7. Trái phiếu (bond)
7.1. Khái niệm
Cổ phiếu (stock) được xem như là viên gạch đầu tiên cấu thành nên TTCK. Tuy nhiên trên TTCK còn có một loại “gạch” khác, đó là trái phiếu (bond).
Khi một công ty muốn huy động vốn, qua những gì đã trình bày ở trên, chúng ta có thể thấy một trong những cách phổ biến nhất đó chính là phát hành thêm cổ phiếu. Nhưng việc phát hành thêm cổ phiếu cũng tương tự như việc Nhà nước in thêm tiền, rất nguy hiểm. Ngoài ra, công ty cũng có thể tìm thêm vốn bằng cách đi vay ngân hàng. Tuy nhiên hình thức này đòi hỏi công ty phải chứng minh tài chính và có tài sản thế chấp, và không phải công ty nào cũng có khả năng làm việc này hoặc đơn giản là công ty không muốn huy động vốn bằng cách phiền phức này.
Chính vì thế, các công ty đã tìm ra một hình thức huy động vốn khác, đó chính là phát hành trái phiếu. Chúng ta hãy tưởng tượng, công ty đang ăn nên làm ra nên có rất nhiều người tin vào công ty và muốn đầu tư vào công ty. Nhận thấy được điều đó, công ty quyết định vay từ chính các nhà đầu tư trên TTCK. Tức là cũng tương tự như việc băm nhỏ cổ phiếu, công ty sẽ băm nhỏ khoản vay ra và tung nó lên TTCK, nếu các nhà đầu tư có nhu cầu muốn trở thành chủ nợ của công ty thì họ sẽ mua các khoản vay đó. Tất nhiên là công ty phải cung cấp một loại chứng chỉ nào đấy cho các nhà đầu tư để chứng nhận rằng họ đang là chủ nợ của công ty, và loại chứng chỉ đấy được gọi là trái phiếu.
“Trái phiếu là một chứng nhận nghĩa vụ nợ của người phát hành phải trả cho người sở hữu trái phiếu đối với một khoản tiền cụ thể, trong một thời gian xác định và với một khoản lợi tức quy định. Người phát hành có thể là doanh nghiệp hoặc một tổ chức chính quyền.” – Wikipedia
Khác với cổ phiếu chỉ được phát hành bởi doanh nghiệp, trái phiếu còn có thể được phát hành bởi Nhà nước, chính quyền. Nói một cách dễ hiểu, trái phiếu chính là một tờ giấy vay nợ, một khoản vay mà nhà đầu tư cho một tổ chức nào đó vay, đổi lại là tổ chức đó sẽ trả lãi cho nhà đầu tư và khi đến hạn, tổ chức đó cũng sẽ thanh toán cả phần gốc.
Hình 12: Mô tả một tờ trái phiếu (bond) cơ bản
(*) Face Value (par value): khoảng chia nhỏ (băm nhỏ) số vốn cần huy động (giá trị nợ gốc – giá trị của trái phiếu).
(*) Coupon: lãi suất của trái phiếu.
(*) Coupon rate: thời gian trả lãi suất.
(*) Maturity date: thời hạn phải thanh toán phần gốc
Về cơ bản thì giữa trái phiếu và cổ phiếu / cổ phần sẽ có một số điểm khác biệt như sau:
Trái phiếu (bond) | Cổ phần (share) / Cổ phiếu (stock) |
|
|
7.2. Phân loại trái phiếu
Trái phiếu sẽ có hai nhóm chính, đó là trái phiếu thanh toán trước hạn (Callable bond) và trái phiếu không được thanh toán trước hạn (Non – Callable bond).
Ví dụ ở cương vị của công ty, nếu họ nhận thấy họ đang trả một mức lãi suất cao hơn lãi suất của thị trường thì họ có thể mở một đợt phát hành trái phiếu mới, với một mức lãi suất mới thấp hơn để mà trả lại cho chủ nợ cũ. Chẳng hạn như sau đợt phát hành trái phiếu đầu tiên, công ty đang nợ 100 chủ nợ với số tiền là 5 tỷ và mức lãi suất là 10% / năm trong vòng 5 năm. Nhưng sau một năm, công ty nhận thấy lãi suất thị trường lúc này chỉ còn 5% / năm, và công ty sẽ phát hành một đợt trái phiếu thứ 2, cũng với số tiền là 5 tỷ nhưng mức lãi suất lúc này chỉ còn là 5% / năm trong vòng 5 năm. Và sau khi huy động xong thì công ty sẽ dùng số tiền 5 tỷ này để trả hết nợ trước thời hạn cho 100 chủ nợ đầu tiên. Tức là lúc này công ty không phải trả tiếp với mức lãi suất 10% / năm nữa vì nợ cũ đã dứt rồi, cho nên từ nay công ty chỉ phải trả nợ với mức lãi suất mới là 5% / năm cho các chủ nợ mới thôi. Những khoản trái phiếu này được gọi là trái phiếu có thể được thanh toán trước hạn nếu công ty đó muốn.
Như vậy thì có công bằng cho các chủ nợ cũ không? Họ mua trái phiếu công ty để có lãi suất trong vòng 5 năm, mà mới 1 năm công ty đã trả sớm hơn rồi. Chính vì điều này, người ta sẽ có thêm một khái niệm khác là Callable price (hoặc call price). Đây là mức giá mà các công ty thực hiện hành động mua lại trái phiếu, và Callable price sẽ phải cao hơn Face Value, và thời gian thanh toán càng sớm thì Callable price sẽ càng cao, thời gian thanh toán càng sát Maturity date thì Callable price sẽ càng thấp.
Tuy nhiên, cũng sẽ có những trái phiếu không được phép thanh toán trước hạn, cho dù có trả mức Callable price cao tới đâu đi chăng nữa. Đây là chi tiết mà ít có nhà đầu tư nào để ý tới, nhưng qua những phân tích ở trên thì đây cũng là một trong những yếu tố quan trọng dành cho ai muốn đầu tư vào mảng trái phiếu.
Từ hai nhóm trên, TTCK sẽ có ba loại trái phiếu chính, đó là:
- Trái phiếu chính phủ (Government bond): đây đa phần là các trái phiếu thuộc nhóm trái phiếu không được thanh toán trước hạn. Đây là một trong hai hình thức huy động vốn chính của chính phủ (thuế và trái phiếu). Đây là hình thức đầu tư cực kì an toàn, thậm chí còn an toàn hơn cả gởi tiết kiệm ngân hàng vì ai cũng biết là chính phủ thì không thể phá sản. Và vì mức độ an toàn cao như vậy nên lãi suất của loại trái phiếu này cũng không được cao.
- Trái phiếu doanh nghiệp (Corporate bond): đây là trường hợp mà ta mua trái phiếu của những doanh nghiệp lớn, những công ty đã ổn định mô hình kinh doanh và rất khó để phá sản. Tuy là trái phiếu của những tập đoàn này khá an toàn nhưng vẫn không thể an toàn bằng trái phiếu của chính phủ, nhưng cũng vì thế mà lãi suất của các trái phiếu này sẽ cao hơn trái phiếu chính phủ.
- Trái phiếu rác / trái phiếu có tỉ lệ lợi nhuận cao (Junk bond / high yield bond): đây là trái phiếu của những doanh nghiệp nhỏ, đang trong giai đoạn phát triển. Vì tỉ lệ rủi ro của nó là cao nhất trong các loại trái phiếu nên tỉ lệ lãi suất của nó cũng là cao nhất.
Ngoài ra, còn một khái niệm nữa là trái phiếu chuyển đổi (convertible bond). Đây là khi mà các nhà đầu tư cho công ty vay nhưng sau đó thì các nhà đầu tư có quyền chuyển đổi khoản vay thành sở hữu công ty. Tức là thay vì công ty trả lại tiền thì công ty sẽ trả lại cổ phần cho các nhà đầu tư, và các nhà đầu tư sẽ có cơ hội chuyển từ chủ nợ thành đồng sở hữu của công ty. Nghe thì đơn giản thế nhưng trong thực tế thì sẽ rất phức tạp vì sự khác biệt về bản chất giữa trái phiếu và cổ phần / cổ phiếu. Vì trái phiếu là khoản vay nên giá trị khoản vay (giá trị trái phiếu) không bị ảnh hưởng bởi giá trị của công ty, nhưng giá trị của cổ phần / cổ phiếu thì lại khác. Cho nên khi chuyển đổi thì phải xét đến rất nhiều yếu tố như giá chuyển đổi, thời điểm chuyển đổi và nhiều yếu tố khác nữa.
8. Cách phân chia các công ty trên thị trường chứng khoán
Hiện tại, tổng số lượng các công ty đang niêm yết trên TTCK rơi vào khoảng hơn 700 công ty và có xu hướng đang ngày càng gia tăng, với TTCK nước ngoài thì con số này lên tới hàng ngàn công ty. Ta có thể thấy là số lượng các công ty trên TTCK rất nhiều, chính vì thế mà người ta phải phân chia các công ty này thành các nhóm khác nhau. Việc phân nhóm này sẽ giúp chúng ta dễ phân loại và tìm kiếm các công ty, đồng thời giúp chúng ta dễ theo dõi và phân tích tình hình của một lĩnh vực nào đó.
8.1. Phân nhóm theo lĩnh vực hoạt động
Phương pháp phân nhóm đầu tiên là phân nhóm dựa theo lĩnh vực hoạt động của các công ty. Cách phân nhóm theo lĩnh vực này gọi là phân chia theo nhóm ngành kinh doanh. Cách làm cũng tương đối đơn giản, đó là người ta chia ra thành nhiều nhóm lớn, từ những nhóm lớn này người ta sẽ chia ra thành nhiều nhóm nhỏ, rồi từ các nhóm nhỏ này sẽ chia ra thành nhiều nhóm nhỏ hơn nữa.
Hiện tại, với cách phân nhóm này thì người ta có hai hệ thống phân nhóm, là GICS (Global Industry Classification Standard) và ICB (Industry Classification Benchmark). Mặc dù có bản chất giống nhau nhưng người ta thường dùng hệ thống GICS nhiều hơn. Cấu trúc GICS sẽ bao gồm:
11 Sector 24 Industry Group 68 Industry 157 Sub – Industry.
Hình 13: Minh họa việc ứng dụng GICS vào ngành công nghệ thông tin (IT – Information Technology)
8.2. Phân nhóm theo độ lớn
Ở phần 2.1, chúng ta có nhắc đến khái niệm giá trị vốn hóa thị trường (Market cap – Market capitalization). Phân nhóm theo độ lớn của các công ty có nghĩa là người ta sẽ phân nhóm dựa trên giá trị vốn hóa thị trường của các công ty đó. Người ta sẽ xếp hạng các công ty này dựa trên giá trị vốn hóa thị trường, từ lớn đến nhỏ, không cần biết các công ty này hoạt động trong lĩnh vực nào. Sau khi đã có bảng xếp hạng đó rồi thì người ta sẽ bốc ra những công ty có giá trị vốn hóa thị trường gần với nhau.
Hình 14: Ví dụ về cách phân nhóm theo độ lớn công ty
Cách phân nhóm theo kiểu này được gọi là Xếp hạng theo chỉ số (Index), và các nhóm khác nhau trong phân nhóm kiểu này (như Top 50, Top 100, Top 500, …) được gọi là Indices. Lưu ý là trong khái niệm này, người ta dùng tiếng La Tinh (trong tiếng Anh, số nhiều của Index phải là Indexes), số nhiều của Index là Indices.
Trong thực tế thì ta sẽ thấy cách phân nhóm này rất phổ biến. Ở Việt Nam sẽ có top 30 công ty có giá trị vốn hóa thị trường lớn nhất TTCK, được gọi là VN 30. Tất nhiên là danh sách này sẽ không cố định mà có thể thay đổi theo thời gian, bởi vì nếu có một công ty nào đó trong danh sách này bị một công ty khác ở bên dưới vượt qua thì công ty đó sẽ bị loại ra khỏi danh sách để nhường chỗ cho công ty có giá trị vốn hóa thị trường cao hơn, từ đó dẫn đến việc danh sách sẽ thay đổi.
Hình 15: Danh sách VN 30 tính tới tháng 07 năm 2021 và tỉ lệ tăng trưởng trung bình của VN 30 trong năm 2021 là 43,42%
Tương tự như vậy, trên thị trường thế giới có một số chỉ số như là S&P 500 (top 500 công ty có giá trị vốn hóa thị trường lớn nhất TTCK ở Mỹ), ASX 200 (top 200 công ty có giá trị vốn hóa thị trường lớn nhất TTCK ở Úc), …. Nhưng cũng cần lưu ý là không phải lúc nào người ta cũng đặt tên danh sách dựa trên các con số công ty có trong danh sách như vậy, ví dụ như top 500 công ty có giá trị vốn hóa thị trường lớn nhất TTCK ở Úc thì sẽ không phải là ASX 500 mà là All Ordinaries. Cho nên khi tìm hiểu về các Indices này mà hãy nhìn vào mô tả của nó chứ đừng chỉ dựa vào mỗi cái tên của nó.
Một lưu ý cực kì quan trọng khác, đó là các Indices này tuy chỉ đại diện cho top những công ty lớn nhất trên thị trường, nhưng trong thực tế nó gần như phản ánh luôn sự tăng giảm của toàn bộ thị trường. Lí do là vì tuy số lượng nhỏ nhưng tỉ trọng của các công ty này rất lớn. Ví dụ như trên thị trường Úc có khoảng hơn 2200 công ty nhưng nhóm ASX 200 đã chiếm hơn 88% tổng giá trị thị trường Úc, nghĩa là 2000 công ty còn lại chỉ chiếm khoảng 12% giá trị thị trường. Tương tự như ở Mỹ, có khoảng hơn 4250 công ty nhưng nhóm S&P 500 đã chiếm hơn 75% tổng giá trị thị trường Hoa Kỳ. Đó là lí do mà khi nhắc đến nền kinh tế Hoa Kì trên các bảng tin, người ta thường hay đem chỉ số S&P 500 ra để nói.
Trên thực tế thì người ta sẽ kết hợp cả 2 phương pháp này lại với nhau, chẳng hạn như S&P 500 Information Technology là top 500 công ty trong lĩnh vực công nghệ thông tin, S&P 500 Utilities là top 500 công ty trong lĩnh vực hàng tiêu dùng, …