Cách tính thuế thu nhập cá nhân ở Việt Nam

Hiện nay, đa phần tất cả mọi người đi làm đều sẽ thực hiện việc đóng thuế thu nhập cá nhân (thuế TNCN), nhưng nhiều người vẫn chưa biết cách tính thuế thu nhập cá nhân sao cho đúng, khi nào nên đóng, khi nào được Nhà nước hoàn thuế, …

Bài viết này sẽ tóm tắt một cách ngắn gọn nhất về cách tính thuế TNCN để các bạn dễ hình dung nhé. Lưu ý là bài viết này chỉ đưa ra công thức tính thuế thu nhập cá nhân chứ không đi sâu vào giải thích ý nghĩa của các loại thuế, các bạn có thể tự tìm hiểu thêm nhé.

1. Khái niệm về thuế thu nhập cá nhân

Hiện nay, chưa có định nghĩa chính xác, cụ thể về thuế thu nhập cá nhân. Tuy nhiên, dựa trên các quy định của pháp luật được ghi nhận tại Luật thuế thu nhập cá nhân, các Nghị định, Thông tư hướng dẫn, có thể hiểu thuế TNCN như sau: Thuế TNCN là thuế trực thu, tính trên thu nhập của người nộp thuế sau khi đã trừ các thu nhập miễn thuế và các khoản được giảm trừ gia cảnh.

Theo quy định tại Điều 2 Luật thuế thu nhập cá nhân 2007, sửa đổi bổ sung 2012, đối tượng nộp thuế TNCN bao gồm:

1/ Cá nhân cư trú có thu nhập chịu thuế phát sinh trong và ngoài lãnh thổ Việt Nam, đáp ứng các điều kiện sau:

  • Có mặt tại Việt Nam từ 183 ngày trở lên tính trong một năm dương lịch hoặc tính theo 12 tháng liên tục kể từ ngày đầu tiên có mặt tại Việt Nam;
  • Có nơi ở thường xuyên tại Việt Nam, bao gồm có nơi ở đăng ký thường trú hoặc có nhà thuê để ở tại Việt Nam theo hợp đồng thuê có thời hạn.

2/ Cá nhân không cư trú có thu nhập chịu thuế phát sinh trong lãnh thổ Việt Nam.

2. Cách tính thuế thu nhập cá nhân

Đầu tiên sẽ là thu nhập chịu thuế (TNCT). Do thu nhập của cá nhân được hình thành từ nhiều nguồn khác nhau và tồn tại dưới nhiều hình thức khác nhau nên việc xác định thu nhập chịu thuế để đảm bảo tính công bằng, bình đẳng mà vẫn khuyến khích được người dân lao động, sản xuất là việc làm cần thiết khi xây dựng quy định về thu nhập chịu thuế TNCN. Luật thuế TNCN hiện hành đã liệt kê hầu hết các loại thu nhập có thể phát sinh và áp dụng thống nhất điều chỉnh các loại thu nhập của cá nhân trong Điều 3 Luật thuế TNCN, bao gồm:

  • Thu nhập từ kinh doanh thuộc diện chịu thuế TNCN.
  • Thu nhập từ tiền lương, tiền công.
  • Thu nhập từ đầu tư vốn (lợi tức cho vay, lợi tức cổ phần).
  • Thu nhập từ chuyển nhượng vốn.
  • Thu nhập chuyển nhượng bất động sản.
  • Thu nhập từ trúng thưởng thuộc diện chịu thuế TNCN.
  • Thu nhập từ nhượng quyền thương mại.
  • Thu nhập từ nhận thừa kế, quà tặng.

Ở đây mình chỉ xét tới trường hợp đi làm, lãnh lương và đóng thuế TNCN thôi nha. TNCT sẽ bằng mức lương gốc được ghi trên hợp đồng lao động (HĐLĐ), và tất nhiên là chưa khấu trừ gì hết.

THU NHẬP CHỊU THUẾ = LƯƠNG TRÊN HỢP ĐỒNG

Kế tiếp sẽ là thu nhập tính thuế (TNTT). Thu nhập tính thuế là khoản thu nhập của thu nhập chịu thuế trừ đi các khoản giảm trừ. Công thức tính TNTT như sau:

THU NHẬP TÍNH THUẾ = THU NHẬP CHỊU THUẾ – BẢO HIỂM – GIẢM TRỪ GIA CẢNH

(*) Bảo hiểm là tất cả các loại bảo hiểm, bao gồm Bảo Hiểm Xã Hội, Bảo Hiểm Thất Nghiệp, Bảo Hiểm Y Tế. Bảo hiểm này sẽ bằng 10,5% TNCT

(*) Giảm trừ gia cảnh là các hình thức giảm trừ được quy định theo luật, phổ biến nhất là hai hình thức, đó là giảm trừ cá nhân (11.000.000đ / tháng) và giảm trừ cho người phụ thuộc nếu có đăng kí (4.400.000đ / người / tháng) 

Thông thường thì các bạn trẻ đi làm sẽ gặp trường hợp giảm trừ cá nhân nhiều hơn là giảm trừ cho người phụ thuộc, nên công thức tính TNTT thường sẽ là

THU NHẬP TÍNH THUẾ = THU NHẬP CHỊU THUẾ – (10,5% × THU NHẬP CHỊU THUẾ) – 11 TRIỆU

Lúc này, thuế thu nhập cá nhân (thuế TNCN) sẽ được tính như sau

THUẾ THU NHẬP CÁ NHÂN = THU NHẬP TÍNH THUẾ × THUẾ SUẤT LŨY TIẾN

(*) Thuế suất lũy tiến sẽ được áp dụng theo bảng thuế suất lũy tiến được quy định bởi Nhà nước. Ví dụ lương tháng của bạn trong khoảng từ 5 đến 10 triệu thì thuế suất lũy tiến sẽ bằng 10%

cach-tinh-thue-thu-nhap-ca-nhan-bang-thue-suat-luy-tien

Hình: bảng thuế suất lũy tiến. @luatvietnam.vn

Thuế TNCN sẽ được kê khai tạm theo từng tháng và quyết toán theo từng quý, và khi quyết toán, cụ thể sẽ như thế này:

  • Thuế TNCN ≤ 0 bạn sẽ được miễn thuế.
  • Thuế TNCN > 0 bạn sẽ phải đóng thuế TNCN.

Đến cuối năm, cơ quan thuế (Cục Thuế hoặc Chi Cục Thuế) sẽ quyết toán tổng (dựa trên từng tháng) và so sánh với tổng thuế TNCN của cả 4 quý, và sẽ có các trường hợp như sau:

  • Thuế TNCN quyết toán theo năm > Tổng thuế TNCN của 4 quý bạn đã đóng thiếu, bạn phải đóng bổ sung.
  • Thuế TNCN quyết toán theo năm = Tổng thuế TNCN của 4 quý bạn đã đóng đủ.
  • Thuế TNCN quyết toán theo năm < Tổng thuế TNCN của 4 quý bạn đã đóng dư, Nhà nước sẽ hoàn thuế cho bạn, bạn liên hệ cơ quan thuế nơi mà công ty đã đóng thuế cho bạn để được hoàn lại phần dư này.

Tới đây thì chắc các bạn đã hiểu thế nào là Thuế TNCN rồi nhỉ. Hãy thử tính toán và đối chiếu lại xem. Thường thì doanh nghiệp nơi bạn đang công tác sẽ xử lý giúp bạn. Nhưng việc đi nhận hoàn thuế thì sẽ phải do chính các bạn làm. Nên nếu bạn thuộc vào nhóm nhân viên có lương khủng thì cũng nên tính toán lại để biết đường đi lãnh phần hoàn thuế nhé.

5 1 vote
Đánh giá bài viết
Subscribe
Notify of
guest

1 Comment
Cũ nhất
Mới nhất Bình chọn nhiều nhất
Inline Feedbacks
Xem tất cả bình luận