Nếu đi làm cho một công ty, một tổ chức nào đó, thì có một chương trình mà bất kì người lao động nào ở Việt Nam đều bắt buộc phải tham gia, đó là chế độ hưu trí. Chế độ hưu trí ở Việt Nam sẽ bao gồm ba loại bảo hiểm, là bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và bảo hiểm y tế. Những người đi làm tự do (tức là không làm cho công ty) cũng có thể tham gia chế độ hưu trí này bằng việc đóng các khoản bảo hiểm một cách tự nguyện.
Nếu như các bạn đi làm cho công ty và có kí hợp đồng lao động thì hàng tháng, công ty sẽ trích 10,5% trên thu nhập của bạn (bao gồm 8% cho bảo hiểm xã hội, 1% cho bảo hiểm thất nghiệp và 1,5% cho bảo hiểm y tế) và trích 21% từ phía công ty (bao gồm 8% cho bảo hiểm xã hội, 1% cho bảo hiểm thất nghiệp và 3% cho bảo hiểm y tế) để đóng các loại bảo hiểm này cho các bạn. Đóng liên tục đều đặn hàng tháng thì khi tới tuổi nghỉ hưu, bạn sẽ có một khoản nhất định để dùng cho việc nghỉ hưu của mình.
Hình 1: Cơ chế chi trả các loại bảo hiểm ở Việt Nam
Giả sử mức thu nhập của bạn là 30.000.000đ / tháng, bạn phải trích ra 10,5% (3.150.000đ) để đóng bảo hiểm, tức là lương của bạn sẽ là 30.000.000đ nhưng bạn chỉ thực lãnh là 30.000.000đ – 3.150.000đ = 26.850.000đ mà thôi. Công ty sẽ đóng tổng cộng 21% (6.450.000đ) cho bạn, số tiền này do công ty đóng và sẽ không bị trừ vào thu nhập của bạn. Tóm lại, trong sổ bảo hiểm xã hội của bạn sẽ ghi nhận mức đóng bảo hiểm, cụ thể là “tiền lương đóng quỹ” sẽ là con số 30 triệu, đây là con số mà bạn sẽ dùng làm căn cứ để khi đến tuổi hưu, bạn sẽ rút ra và sử dụng.
Hình 2: Tờ rời của một sổ bảo hiểm xã hội, thể hiện mức đóng bảo hiểm (“tiền lương đóng quỹ”), trong ví dụ như trên thì ở trên tờ rời sẽ ghi là 30.000.000 thay vì 4.550.000
Bên trên chỉ là ví dụ, thực tế thì mức thu nhập tối đa dùng để tính bảo hiểm xã hội sẽ không quá 20 lần mức lương cơ sở (1.490.000đ), tức là không quá 29.800.000đ.
Vậy Nhà nước sẽ tính bảo hiểm xã hội (BHXH) cho các bạn như thế nào ?
Đầu tiên, Nhà nước sẽ lấy cột mốc, đó là 20 năm đi làm dành cho nam và 15 năm đi làm dành cho nữ. Trong trường hợp này thì mình lấy cột mốc 20 năm đi làm của nam để làm ví dụ.
Giá sử vào năm 2000, mình vừa tròn 18 tuổi, là độ tuổi được kí hợp đồng lao động theo quy định của pháp luật, mình đi làm liên tục trong vòng 20 năm. Tức là tới năm 2020 là mình đủ tiêu chuẩn nhận lương hưu, và mức lương hưu mà mình được nhận lúc này (theo quy định của luật bảo hiểm xã hội) sẽ là 45% mức lương trung bình trong thời gian làm việc (lưu ý là mức lương này là mức lương được thể hiện trên hợp đồng lao động nhé). Và sau đó, cứ mỗi năm đi làm và tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội thì mình sẽ được cộng thêm 2% / năm. Con số này sẽ tiếp tục tăng cho đến tối đa là 75% là nó dừng lại.
Ví dụ ở năm 2020, mình có 45%, làm tiếp và đóng tiếp tới năm 2030, tức là thêm 10 năm nữa, mình sẽ được cộng thêm 2% x 10 năm là 20% nữa, tổng cộng là mình sẽ được nhận có 65%. Tương tự như vậy, cho đến năm 2035, lúc mình 53 tuổi, mình sẽ được nhận tổng cộng là 75%. Và sau đó, nếu mình có tiếp tục đi làm và đóng bảo hiểm xã hội thì con số % đó nó sẽ không tăng lên nữa.
Tới đây thì sẽ có nhiều bạn nghĩ là “vậy tới lúc mình 53 tuổi, đạt đủ 75% rồi thì mình nghỉ hưu sớm thôi chứ đóng thêm làm gì?”. Lúc này thì chính sách tuổi nghỉ hưu sẽ được áp dụng, và cụ thể mốc tuổi nghỉ hưu sẽ là 60 cho nam và 55 cho nữ. Trong trường hợp này thì mình sẽ lấy con số 60 của nam để ví dụ tiếp.
Cứ mỗi năm mà mình nghỉ hưu sớm trước mốc 60 tuổi, mình sẽ bị trừ đi 2%. Chẳng hạn như tới năm 2035, lúc mình 53 tuổi và nghỉ hưu, mình sẽ không được nhận đủ 75% mức lương trung bình. Do mình nghỉ hưu sớm 7 năm so với tuổi hưu nên mình bị trừ 2% x 7 là 14%, tức là lúc này mình chỉ được nhận 75% – 14% = 61% mức lương trung bình thôi chứ không phải là 75%. Tương tự như vậy, nếu mình nghỉ hưu càng sớm so với mốc tuổi hưu 60 thì mình sẽ bị trừ càng nhiều (ví dụ mình nghỉ hưu ở năm 2030, tức là năm mình 48 tuổi, cách tuổi hưu 13 năm, thì mình chỉ nhận được 75% – 26% = 39% chứ không phải 65% như lúc đầu tính).
Tuy nhiên, nếu mình nghỉ sớm, trong 20 năm đầu tiên, tức là trong giai đoạn mà mình chưa đủ tiêu chuẩn nhận lương hưu, lúc này thì mình sẽ được hưởng chế độ gọi là nhận một lần, và số tiền mà mình được nhận một lần này sẽ = số tiền được hưởng mỗi năm x số năm đã đóng bảo hiểm.
Hình 3: Tổng quan về cách tính bảo hiểm xã hội tại Việt Nam
Trên đây là sơ lược về cách tính bảo hiểm xã hội ở Việt Nam, mình đã viết lại theo cách dễ hiểu nhất để các bạn có thể tự tính. Thực tế, cách tính các loại bảo hiểm và các quy chế về bảo hiểm ở nước ta khá là phức tạp. Hiện nay các cơ quan về bảo hiểm cũng đã số hóa công việc của mình, bạn chỉ cần tải các app của họ về, nhập số tiền lương hàng tháng và số năm làm việc là họ có thể tính ra cho bạn luôn, rất khỏe.