ĐTCK (phần 4): Cách đầu tư bằng chiến lược Passive Investing

Xin chào quý anh chị và các bạn, đây là seri bài viết về đầu tư chứng khoán (ĐTCK) dành cho người chưa biết gì. Mục tiêu của seri này là giúp trang bị cho người đọc, từ những người hoàn toàn chưa biết gì về thị trường chứng khoán (TTCK), cho đến khi kết thúc seri này, người đọc sẽ có một nền tảng đủ vững chắc để có thể đủ tự tin bắt đầu những hoạt động đầu tư đầu tiên của mình.

Seri này sẽ được chia ra 5 phần chính là

  • WHY: vì sao chúng ta phải đầu tư?
  • WHAT (FOUNDATIONS): cách hoạt động và các khái niệm.
  • HOW: các chiến lược đầu tư.
  • PASSIVE INVESTING: chiến lược đầu tư thụ động.
  • ACTION: cùng triển khai các hoạt động đầu tư đầu tiên.

Chúng ta cùng đến với phần thứ 4, phần 4: Passive Investing. Trong phần này chúng ta sẽ cùng tìm hiểu phần 4 – Cách đầu tư bằng chiến lược Passive Investing.


phần 3.2, chúng ta đã cùng tìm hiểu qua tất cả các phương pháp đầu tư hiện có trên thị trường chứng khoán, cũng như chứng kiến được sức mạnh của chiến lược Passive Investing. Vì đây là một chiến lược cực kì hiệu quả dành cho người không chuyên, đây cũng là chiến lược mà người viết sẽ tập trung nói đến nhiều nhất, cho nên chúng ta sẽ có riêng một phần để nói về chiến lược này.

Ở phần này, chúng ta sẽ tập trung nói về Passive Investing và các vấn đề xung quanh chiến lược này và làm cách nào để có thể gia tăng tỉ suất lợi nhuận của chiến lược này lên mức cao nhất có thể.

1. Hiệu ứng cộng dồn (Compound Effect)

Nói về Passive Investing thì không thể nào không nhắc tới hiệu ứng cộng dồn (Compound Effect). Đây là quân át chủ bài có thể giúp các nhà đầu tư dài hạn giành chiến thắng to lớn ở giai đoạn cuối cùng của hành trình đầu tư. Lưu ý là khi nói về dài hạn, chúng ta đang nói đến con số 15 năm, 20 năm, 30 năm hoặc thậm chí có thể là lâu hơn nữa, chứ nếu chỉ dùng lại ở mức vài năm, hoặc tệ hơn nữa là vài tháng thì chiến lược này sẽ không thật sự có hiệu quả.

Theo bác Darren Hardy, tác giả cuốn sách “The Compound Effect”, hiệu ứng này nói về việc bạn có thể đạt những kết quả siêu to khổng lồ từ những việc khôn ngoan, nho nhỏ mà bạn làm hằng ngày, chủ đích hay không chủ đích.

Compound Effect: reaping huge rewards from a series of small, smart choices. Steps feel insignificant, results are massive. – The Compound Effect – Darren Hardy

Còn trong kinh tế học hay trong TTCK, hiệu ứng cộng dồn còn được biết đến với cái tên là “lãi kép“, hay dân gian thường gọi là “lãi mẹ đẻ lãi con”, hay là “lãi chồng lãi”. Có thể hiểu một cách đơn giản là lợi nhuận của kì đầu tư đầu tiên sẽ được cộng dồn vào phần đầu tư gốc, sau đó cứ tiếp tục đem đi đầu tư và phần lợi nhuận đó lại được cộng dồn vào phần đầu tư hiện có, cứ thế liên tục trong nhiều kỳ đầu tư.

Hẳn là ai cũng biết đến bài toán kinh điển “số hạt gạo trên bàn cờ vua“. Đại khái thì bài toán đó được mô tả như sau: nếu mỗi một ô trên bàn cờ vua được đặt một số lượng hạt gạo sao cho số lượng hạt gạo ở ô sau luôn gấp đôi ô trước đó, với khởi đầu ở ô đầu tiên là 1 hạt gạo thì ta cần bao nhiêu hạt gạo để có thể lấp đầy 64 ô cờ vua. Kết quả thì chắc ai cũng biết rồi, đó là một con số khổng lồ, và nếu cả quốc gia Việt Nam có đi trồng lúa trong cả chục năm trời cũng chưa chắc cung cấp đủ số lượng gạo đó.

compound-effect-1

Hình 1: bài toán kinh điển “số hạt gạo trên bàn cờ vua”. @Internet

Hoặc bài toán kinh điển hơn, đó là bài toán A và B cùng đi làm. Anh A được nhận mức lương 1 triệu / tháng và sẽ được tăng 10% mỗi tháng, trong khi đó anh B nhận mức lương cứng 50 triệu tháng và không có cộng thêm bất kì khoản nào. Vậy sau bao lâu thì mức lương của anh A mới đuổi kịp anh B.

compound-effect-2

Hình 2: bài toán nhận lương của A và B. @HIEU.TV

Như trên hình ta có thể thấy, phải mất tận 5 năm, tức là 60 tháng thì mức lương của A mới đuổi kịp B. Nhưng chỉ sau đó 1 năm thôi thì mức lương của A đã vượt trội hơn hẳn so với của B. Và chỉ sau 10 năm đi làm thì mức lương của B giờ đây đã là quá nhỏ bé so với mức lương của A.

Thêm một ví dụ nữa là “Bạn có 2 lựa chọn A và B. Lựa chọn A cho bạn 3 triệu đô ngay lập tức, còn lựa chọn B cho bạn 1 penny (0,01 đô) được gấp đôi giá trị mỗi ngày trong vòng 30 ngày. Liệu bạn sẽ chọn A hay B?”. Nếu bạn biết về bài toán này, chắc hẳn bạn sẽ chọn B, bởi sau 30 ngày, về tổng giá trị nhận được, bạn sẽ thu được một con số kinh ngạc như sau:

the-compound-effect-in-action

Hình 3: Bài toán lựa chọn giữa A và B. @Faster to Master

Đến ngày thứ 30, tổng số tiền mà lựa chọn B giúp bạn thu lại được gấp hơn 3 lần số tiền 3 triệu mà lựa chọn A trao cho bạn. Thế nhưng, để ý kĩ mà xem, chỉ đến ngày thứ 29, sự khác biệt mới thật sự rõ ràng. Tức là trong vòng 29 ngày, nếu bạn có đủ tin tưởng vào lựa chọn của bản thân (tức lựa chọn B), vượt qua được áp lực xã hội khi rất nhiều người xung quanh bạn chọn A, thì bạn sẽ được hưởng kết quả cực kì to lớn.

Qua các ví dụ trên, ta dễ dàng nhận ra được yếu tố cốt lõi của hiệu ứng cộng dồn chính là sự kiên trì và niềm tin. Về căn bản thì hiệu ứng cộng dồn sẽ diễn ra rất chậm trong thời gian đầu, nhưng đến một lúc nào đó, nó sẽ tăng trưởng một cách rất khủng khiếp. Khi áp dụng chiến lược Passive Investing, tức là chúng ta sẽ đầu tư về dài hạn và sử dụng hiệu ứng cộng dồn như là một con bài chiến lược cho toàn bộ toàn bộ chiến dịch đầu tư này. Chính vì hiểu được về hiệu ứng cộng dồn, chúng ta phải có sự kiên trì và niềm tin tuyệt đối vào chiến lược mà chúng ta đã lựa chọn.

Sự kiên trì được thể hiện ở việc chúng ta cứ đầu tư đều đặn hàng tháng, không bỏ sót tháng nào, như việc bỏ ống heo tiết kiệm vậy. Và hãy cố gắng làm sao đừng bỏ sót tháng nào hết, đừng để chuỗi đầu tư bị gián đoạn, điều đó sẽ khiến cho hiệu ứng cộng dồn cũng sẽ bị gián đoạn.

Niềm tin được thể hiện ở việc chúng ta tin tưởng tuyệt đối vào chiến lược Passive Investing thông qua các minh chứng cả về lý thuyết lẫn thực tế ở phần 3.2. Chúng ta không được phép chạy theo số đông, không được để mình bị FOMO mà bán đi các khoản đầu tư dài hạn của mình. Hãy luôn tin tưởng vào ETF và Index Fund với yếu tố cốt lõi “về dài hạn, thị trường sẽ luôn tăng trưởng”.

Một tính chất khác nữa của hiệu ứng cộng dồn, đó là nó cũng có tính chất đi xuống (tính chất âm). Dễ thấy nhất đó chính là lạm phát. Tức là số tiền hàng tháng của bạn cũng sẽ bị lạm phát bòn rút từ từ theo hiệu ứng cộng dồn. Cho nên sẽ rất nguy hiểm nếu bạn giữ tiền mặt lâu dài thay vì đem đi đầu tư. Và cũng chính vì tính chất âm này của nó mà 1 đồng bạn lãng phí ngày hôm nay có thể sẽ là 100 đồng của sau này.

Chẳng hạn như có một năm nào đó, bạn thích chiếc điện thoại mới (nhưng bạn lại không thật sự cần nó), vấn đề là các quỹ mua sắm của bạn lại không đủ, và thay vì phải chờ đợi để có đủ tiền mua thì bạn lại bán bớt một phần đầu tư của bạn để mua nó, điều đó dẫn đến sự biến động của hiệu ứng cộng dồn và làm phá sản toàn bộ chiến lược Passive Investing.

compound-effect-4

Hình 4: Minh họa về hiệu ứng cộng dồn âm (lãi kép âm)

2. Khi nào nên bắt đầu đầu tư?

2.1. Về dài hạn, thị trường sẽ luôn tăng trưởng

ttck-100-nam

Hình 5: Biểu đồ mô tả về sự tăng trưởng của chỉ số S&P trong vòng 100 năm qua. @Hieu.tv

Hình trên là biểu đồ mô tả về sự tăng trưởng của chỉ số S&P trong vòng 100 năm qua, bắt đầu từ năm 1927. Trên biểu đồ, ta có thể thấy những vùng màu xám, đó là để đánh dấu các cuộc khủng hoảng kinh tế, là giai đoạn mà thị trường chứng khoán bị đi xuống. Trên TTCK người ta gọi là crash, đây là trường hợp mà thị trường có những biến động lớn dẫn đến giá của tất cả cổ phiếu đồng loạt cắm đầu đi xuống. Một khái niệm khác mà ít người biết hơn, đó là correction, đây là trường hợp mà thị trường tự điều tiết khi mà giá cổ phiếu tăng cao đến một ngưỡng nào đó.

Ở trên TTCK sẽ luôn có những đợt crash và correction đi kèm với nhau, cùng với những điểm đặc trưng. Đó là ở trên TTCK, nói rộng hơn là cả nền kinh tế, thì crash sẽ xảy ra theo chu kì. Điều này không hoàn toàn là ngẫu nhiên mà đó là cách vận hành của nền kinh tế, nó xuất phát từ những vấn đề gốc rễ như sức mua, năng suất lao động, cách điều tiết sự tăng trưởng của thị trường và rất nhiều yếu tố khác. Chính bởi vì vậy mà những đợt khủng hoảng không phải là ngẫu nhiên mà nó sẽ xảy ra theo tính chu kì, nghĩa là gần như là chắc chắn sẽ khủng hoảng sẽ xảy ra, và chắc chắn là sẽ có hồi phục trở lại.

Thực tế thì dựa trên biểu đồ, ta có thể thấy là theo thống kê, cứ trung bình khoảng 10 năm sẽ xảy ra một đợt khủng hoảng. Gần đây nhất là vào đầu năm 2020, khi cả thị trường bị khủng hoảng bởi Covid-19, trước đó thì ta có khủng hoảng kinh tế toàn cầu vào cuối năm 2007, đầu năm 2008, và trước đó nữa thì là khủng hoảng dot-com vào cuối những năm 2000, đầu năm 2001. Như vậy chúng ta có thể thấy, việc thị trường bị khủng hoảng gần như là chắc chắn và định kì trung bình khoảng 10 năm sẽ xảy ra khủng hoảng một lần.

Vậy vấn đề sẽ không còn là “liệu có xảy ra khủng hoảng nữa hay không?” mà vấn đề thực sự phải là “khủng hoảng sẽ xảy ra khi nào và xảy ra như thế nào?”. Khi chúng ta nhìn rộng ra toàn thị trường thì chúng ta có thể thấy, bất kể các đợt khủng hoảng có kéo dài bao lâu đi nữa, bất kể nó có khủng khiếp đến thế nào đi nữa thì sau đó thị trường đều sẽ hồi phục trở lại và sẽ tiếp tục phát triển cao hơn so với trước đây.

Dựa trên tất cả các tính chất trên, chúng ta có thể khẳng định một cách chắc chắn, đó là về dài hạn, thị trường sẽ luôn tăng trưởng. Đây là một điều gần như là chắc chắn và không ai có thể phủ nhận được tính chất này của thị trường. Lời khẳng định này rõ ràng không phải là do ngẫu nhiên mà là do tính chất và sự phát triển chung của nền kinh tế vĩ mô.

2.2. Vậy thì chúng ta nên mua lúc nào và nên bán lúc nào?

2.2.1. Bắt đáy – xả đỉnh

Nhìn vào biểu đồ thì hiển nhiên là ai cũng biết, thời điểm tốt nhất mà chúng ta nên mua là khi thị trường chạm đáy và thời điểm tốt nhất mà chúng ta nên bán khi mà thị trường lên đỉnh. Bất kì nhà đầu tư nào, dù là chuyên nghiệp hay không chuyên thì đều cũng sẽ có tâm lí như vậy. Nhưng cái việc bắt đúng đáy và xả đúng đỉnh thì chỉ là một cái ước mơ thôi, vì thực tế là việc này nó giống như khi chúng ta nhìn vào kết quả xổ số và ước gì trước đó mình đã mua đúng con số độc đắc đó.

Thậm chí là việc bắt đáy – xả đỉnh này còn khó hơn cả việc trúng số nữa. Nếu muốn trúng số thì bạn chỉ cần đúng hai lần, đó là mua đúng số và mua đúng đài, còn với Vietlott thì chỉ cần đúng một lần là mua đúng số thôi. Còn với TTCK, bạn phải đúng tổng cộng tới ba lần lận, đó là chọn đúng mã cổ phiếu cần mua, bắt đúng đáy và xả đúng đỉnh. Trong thực tế thì vẫn chưa có ai làm được điều này, kể cả những chuyên gia giỏi nhất trên TTCK, những huyền thoại đầu tư chứng khoán hàng đầu thế giới vẫn chưa có ai tính toán ra được chính xác cả ba yếu tố này cùng một lúc. Kể cả khi họ có giỏi đến mấy đi nữa, dùng những công thức hay kĩ thuật cao siêu nào đó, thậm chí là sử dụng đến cả những máy móc, công cụ, trí tuệ nhân tạo hiện đại nhất đi nữa thì vẫn chưa có ai làm được điều này.

Nếu chúng ta có gặp được “chuyên gia” nào đấy khoe khoang về khả năng đó, họ có phương pháp thần bí nào đó có thể dự đoán được thời điểm tăng giảm trong ngắn hạn, dự đoán được đâu là đáy, đâu là đỉnh thì 99,99% là họ đang lợi dụng những người chưa có hiểu biết về TTCK để làm những hành động có lợi cho họ. Nếu mà bằng cách nào đó mà những người này họ xác định được thị trường thì họ đã từ giàu đến cực giàu rồi, hơi sức đâu mà họ lại còn đi làm những việc môi giới, chèo kéo, dụ dỗ này chứ.

Như vậy, chúng ta chỉ có thể dự đoán được khi nào TTCK sẽ crash theo chu kì, nhưng để biết được chính xác khi nào nó crash  và nó sẽ crash như thế nào thì gần như là không thể. Và cũng bởi vì chúng ta không thể nào dự đoán được chính xác khi nào thị trường sẽ tăng hay giảm cho nên cách tốt nhất là chúng ta nên bỏ luôn giấc mơ chọn thời điểm tốt nhất để vào thị trường (timing the market). Đại đa số tất cả những nhà đầu tư giỏi nhất trên thế giới đều thừa nhận là họ không thể nào đoán được chính xác khi nào thị trường sẽ xuống chạm đáy và khi nào thị trường sẽ lên đúng đỉnh trong ngắn hạn, cho nên tất cả đều đồng ý với kết luận là không nên timing the market.

2.2.2. Time in the market >> Timing the market

Như vậy, chúng ta biết được là thị trường chắc chắn sẽ crash. Vậy thì chúng ta có nên đầu tư hay không, hay chờ khủng hoảng xảy ra thì chúng ta mới đầu tư để có thể mua được mức giá rẻ nhất có thể. Hoặc một câu hỏi đáng lo hơn là nếu chúng ta đầu tư bây giờ, rồi vài tháng sau hoặc vài năm sau, thị trường lại cắm đầu đi xuống thì sao? Qua những phân tích ở phần trên, chúng ta có thể hiểu là chúng ta chỉ biết chắc chắn là thị trường sẽ crash thôi, còn cụ thể thì khi nào crash và crash ra sao thì không ai biết, vì thế chúng ta gần như không thể trả lời được những câu hỏi này.

Chúng ta cùng xem thử ví dụ: nếu chúng ta mua ở thời điểm crash tệ nhất thì chuyện gì sẽ xảy ra? Chúng ta sẽ phân tích kịch bản xấu nhất đã từng xảy ra trong lịch sử tài chính thế giới.

ttck-crash

Hình 6: Biểu đồ mô tả về sự khủng hoảng tồi tệ nhất trong lịch sử TTCK. @Hieu.tv

Chúng ta cùng nhìn vào giai đoạn năm 1929, đó là thời điểm bắt đầu của một trong những cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất trong lịch sử TTCK. Người ta gọi đây là cuộc đại khủng hoảng. Cuộc khủng hoảng này xảy ra vào cuối năm 1929 và nó lớn đến mức mà tới tận bây giờ, vẫn có rất nhiều nghiên cứu cho rằng đây là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến cuộc chiến tranh thế giới.

Bây giờ, hãy tưởng tượng là chúng ta đang sống trong giai đoạn này. Giả sử chúng ta tích lũy được 5 tỷ đồng và chúng ta quyết định là sẽ đặt mua ETF S&P 500 vào tháng 08 năm 1929 (lưu ý: đây chỉ là ví dụ thôi vì thời gian đó, khái niệm ETF vẫn chưa ra đời). Khi chúng ta vừa đặt lệnh mua thì sau đó thị trường cắm đầu đi xuống trong suốt 3 năm trời. Trong suốt 3 năm đó, tài sản của chúng ta cứ từ từ bốc hơi, cho đến thời điểm nó chạm đáy là tháng 06 năm 1932. Lúc này thì 5 tỷ mà chúng ta bỏ ra, sau 3 năm chẳng tăng thêm được đồng nào mà thậm chí giá trị của nó chỉ còn lại 1 tỷ.

ttck-crash-2

Hình 7: Biểu đồ mô tả về diễn biến của thị trường trong khoảng 27 năm sau đó. @Hieu.tv

Câu chuyện chưa dừng lại ở đó, bây giờ chúng ta nhìn rộng ra thì chúng ta sẽ thấy, để cho toàn bộ tài sản của chúng ta trở lại như cũ thì chúng ta phải chờ tới tận tháng 05 năm 1956. Nghĩa là chúng ta bỏ tiền ra, sau 27 năm trời đằng đẵng, chỉ để thấy tài sản của chúng ta trở lại như mốc ban đầu, thời điểm chúng ta bắt đầu đầu tư. Đây là kịch bản xấu nhất mà chúng ta có thể gặp phải trong tất cả các kịnh bản xấu có thể xảy ra. Nhìn vào kịch bản này thì chắc là sẽ chẳng còn ai dám đụng vào TTCK nữa.

Tuy nhiên, kịch bản đáng sợ này sẽ rất khó xảy ra. Đây là sự kiện rất hiếm khi xảy ra và theo các tính toán thì những cuộc đại khủng hoảng như vầy phải mất hàng trăm năm mới xảy ra một lần. Nếu có một cuộc đại khủng hoảng tương tự xảy ra thì nó sẽ kéo theo hàng loạt các vấn đề lớn và rất là nghiêm trọng khác chứ không chỉ gói gọn trong lĩnh vực kinh tế – tài chính, đó có thể là chính trị, chiến tranh và nhiều khía cạnh khác mà có thể làm thay đổi trật tự của các nước trên thế giới nữa. Lúc đó thì đến cả mạng sống của chúng ta cũng bị đe dọa chứ đừng nói gì đến tài sản. Nên các bạn cứ yên tâm là không chỉ mỗi các bạn lo đâu, chính phủ của các nước còn lo sợ hơn bạn rất nhiều nên họ sẽ rất rất rất cố gắng để không thể xảy ra một cuộc đại khủng hoảng như thế này.

Cũng rất là khó để mà chúng ta có thể hứng trọn vẹn toàn bộ một cuộc đại khủng hoảng từ đầu đến cuối như vậy. Chúng ta phải xui dữ lắm thì chúng ta mới sinh ra và lớn lên vào đúng cái thời điểm có khủng hoảng lớn đến mức này. Việc này giống như khi chúng ta sinh ra và lớn lên ở ngay Châu Âu vào đúng thời điểm chiến tranh thế giới vậy. Còn lại thì đại đa số các cuộc khủng hoảng khác sẽ ngắn hơn và đỡ kinh khủng hơn nhiều. Mà đó là trường hợp chúng ta bán ra ngay đáy, nếu chúng ta vẫn kiên trì giữ lại thì chúng ta cũng không rơi vào tình thế lỗ quá lớn như vậy. Vì về dài hạn, thị trường sẽ luôn tăng trưởng nên nếu chúng ta có quá xui thì chúng ta cũng không cần quá lo, vì khoản tài sản đó về dài hạn vẫn sẽ tăng trưởng trở lại, chúng ta có thể dùng để dưỡng già hoặc dùng để dành cho con cháu của chúng ta sau này.

Và trường hợp đại lỗ trên cũng chỉ có thể xảy ra khi chúng ta vào hết (all in) nguyên một cục tiền 5 tỷ để mà mua ngay một lần, sau đó chúng ta không làm gì nữa mà chỉ ngồi yên để rồi chứng kiến tài sản của chúng ta dần bốc hơi. Trong thực tế thì hiếm khi nào chúng ta all in kiểu như vậy. Với phương pháp Passive Investing, chúng ta sẽ rải đều khoản đầu tư ra, mua nhiều lần chứ không mua một lần, tích lũy đều đặn hàng tháng giống như bỏ ống heo vậy thì chúng ta sẽ hạn chế được rủi ro khi phải all in ngay đỉnh, hạn chế được khoản lỗ và rút ngắn được khoảng thời gian phục hồi.

Như vậy, chúng ta có thể kết luận, chỉ cần chúng ta tham gia vào thị trường sớm, bất kể chúng ta có tham gia vào lúc xấu đến mức nào đi nữa, chắc chắn là trong dài hạn vài chục năm, chúng ta sẽ có mức tỉ suất lợi nhuận là một con số dương. Các bạn lưu ý là kết luận này dựa trên sự phân tích về một kịch bản xấu nhất, tệ nhất mà cả trăm năm mới có một lần. Chỉ cần chúng ta chọn ra một kịch bản khác, một cuộc khủng hoảng khác thì kết quả sẽ khả quan hơn rất nhiều. Kể cả khi chúng ta có xui tận mạng, sinh ra và lớn lên vào đúng thời kì đại khủng hoảng, nếu chúng ta biết cách làm đúng và tin tưởng vào thị trường, về dài hạn thì chúng ta vẫn sẽ ổn.

Điều này tốt hơn rất nhiều khi mà chúng ta cứ ngồi chờ và không dám bước chân vào đầu tư. Đó là lí do mà vì sao người ta luôn nói “thời gian ở trong thị trường (time in the market) sẽ luôn luôn tốt hơn là thời gian mà chúng ta ngồi canh thị trường (timing the market)”. Nếu mà chúng ta ngồi chờ và kịch bản tốt nhất mà có thể xảy ra, đó là chúng ta vào đúng lúc giá giảm, có thể chúng ta sẽ tiết kiệm được nhiều tiền nhưng việc này sẽ tạo cho chúng ta một thói quen xấu, đó là cứ chờ thị trường, cứ canh thị trường lên hay xuống để mà ra vô. Và trong dài hạn thì thói quen đó sẽ cực kì nguy hiểm, mà đó là nếu kịch bản tốt nhất là bạn bắt đúng đáy. Nhưng như đã nói ở trên, làm gì có ai biết được đâu là đáy, đâu là đỉnh mà cứ ngồi chờ như vậy.

TIME IN THE MARKET >> TIMING THE MARKET

2.2.3. Trung bình cộng giá mua (Dollar – Cost Averaging)

Như đã trình bày ở trên, việc chúng ta rải đều các khoản đầu tư, mua nhiều làn chứ không mua một lần, được gọi là trung bình cộng giá mua (Dollar – Cost Averaging). Đây là phương pháp mà được rất nhiều nhà đầu tư áp dụng, đặc biệt là các nhà đầu tư thụ động. Trong ngắn hạn thì thị trường luôn biến động, chúng ta sẽ không thể nào biết được khi nào TTCK sẽ lên, khi nào chúng sẽ đi xuống.

Dollar-Cost-Averaging

Hình 8: Biểu đồ mô tả chiến lược trung bình cộng giá mua (Dollar-Cost Averaging). @Hieu.tv

Giả sử chúng ta đang có 120 triệu, năm 2008 (năm xảy ra khủng hoảng kinh tế – tài chính thế giới), chẳng may chúng ta đầu tư vào ngay đúng đỉnh của thị trường. Sau khi chúng ta mua vào thì thị trường cắm đầu đi xuống. Sau một năm, giá trị tài sản của chúng ta đã bốc hơi 50%, tức là 120 triệu của chúng ta giờ đây chỉ còn khoảng 60 triệu.

Từ thực tế đó, người ta đã nghĩ ra chiến lược trung bình cộng giá mua để loại trừ rủi ro này. Cách hoạt động của nó rất đơn giản, thay vì all in 120 triệu vào thị trường thì chúng ta sẽ rải nó ra thành nhiều phần nhỏ, chia đều nó ra trong một khoản thời gian nào đó. Trong ví dụ trên, giả sử chúng ta chia đều 120 triệu thành 12 phần và mua đều đặn trong vòng 12 tháng, cứ mỗi tháng chúng ta mua 10 triệu.

Ưu điểm của chiến lược này là giả sử trong ví dụ kể trên, nếu chúng ta có không may mua ở ngay đỉnh, lúc cổ phiếu giá hơn 2000đ, và trong suốt một năm liên tục, thị trường đi xuống và giá của cổ phiếu lúc này chưa tới 1000đ, nghĩa là nó giảm mất 50%. Khi chúng ta áp dụng chiến lược trung bình cộng giá mua này, sẽ có lúc chúng ta mua ngay đỉnh nhưng cũng sẽ có lúc chúng ta bắt được đáy, nghĩa là đến cuối năm, cái giá trung bình mà chúng ta mua vào thì sẽ nằm ở khoảng giữa, là vào khoảng 1500đ. Nhờ đó, chúng ta sẽ hạn chế được phần lỗ, và theo như biểu đồ, chỉ một năm sau đó, tức là vào khoảng năm 2010, giá cổ phiếu đã dần dần kéo về lại mức giá trung bình mà chúng ta đã mua. Nếu chúng ta vẫn kiên trì áp dụng chiến lược trung bình cộng giá mua trong suốt thời điểm từ năm 2009 đến năm 2010 thì giá trị của khoản đầu tư của chúng ta sẽ dần hồi phục và có giá trị dương trở lại.

Nhưng tất nhiên là chiến lược này cũng có nhược điểm. Chiến lược trung bình giá mua sẽ đúng trong trường hợp thị trường đi xuống và cũng sẽ đúng trong trường hợp thị trường đi lên. Trong trường hợp thị trường đi xuống, chiến lược này sẽ giúp cho giá trung bình mua vào giảm xuống, từ đó sẽ giúp cho chúng ta lỗ ít hơn. Nhưng trong trường hợp thị trường đi lên, chiến lược này cũng sẽ làm cho giá trung bình mua vào tăng lên, từ đó sẽ làm cho chúng ta lời ít lại. Về bản chất thật sự thì chiến lược trung bình giá sẽ không giúp chúng ta loại bỏ 100% rủi ro, nó chỉ giúp chúng ta đổi cái rủi ro này để lấy một cái rủi ro khác ít nguy hiểm hơn. Trong trường hợp này sẽ là lời ít lại khi thị trường đi lên và lỗ ít lại khi thị trường đi xuống.

Về dài hạn, thị trường sẽ luôn tăng trưởng, vì thế xác suất thị trường đi lên sẽ luôn cao hơn xác suất thị trường đi xuống. Cụ thể thì khi phân tích số liệu thống kê trong một thời gian dài, người ta tính ra được là trong khoảng thời gian 43 năm, có tổng cộng là 33 năm thị trường đi lên và có tổng cộng là 10 năm thị trường đi xuống, nghĩa là chúng ta có tỉ lệ là 77% / 23%, tạm làm tròn là 8 / 2.

Tuy nhiên, theo đánh giá từ cá nhân người viết, chiến lược trung bình cộng giá mua vẫn là một chiến lược rất tốt vì:

  • Phù hợp với những người không có quá nhiều tiền một lúc, mà hàng tháng, sau khi trừ ra các khoản chi tiêu cơ bản, chúng ta có thể bỏ một khoản nhỏ vào để đầu tư.
  • Phù hợp cho những người không có thời gian theo dõi thị trường, theo dõi bảng điện tử mà chỉ đơn giản là đầu tư tích lũy hàng tháng.
  • Chúng ta không thể biết được khi nào TTCK sẽ crash, và sẽ crash bao lâu nên đây có thể là một chiến lược an toàn nhất, chúng ta thà lời ít lại còn hơn là lỗ nhiều.
  • Việc chúng ta liên tục đưa tiền vào TTCK sẽ giúp chúng ta tăng khả năng thoát được “tên trộm” lạm phát.
  • Do chúng ta khó có thể đoán được TTCK trong ngắn hạn sẽ diễn biến thế nào nên nếu chúng ta cứ “timing the market” thì tiền của chúng ta cứ dần dần bị “tên trộm” lạm phát bòn rút mất, và chúng ta cứ ngồi ngoài thị trường như thế này thì sẽ bỏ lỡ rất nhiều cơ hội đầu tư, bỏ lỡ sự lợi hại của hiệu ứng cộng dồn.

Vậy chúng ta nên mua khi nào? Câu trả lời là ngay lúc này, ngay bây giờ.

“The best time to invest was yesterday, the next best time is today” – Chinese Proverb

3. Tổng kết

Qua tất cả các yếu tố đã phân tích ở trên, mình xin tổng kết lại các ý chính mà các bạn nên nắm khi bắt đầu tham gia đầu tư với chiến lược Passive Investing:

  • Về dài hạn, thị trường sẽ luôn tăng trưởng.
  • Có niềm tin vào sự tăng trưởng của thị trường và tin vào hiệu ứng cộng dồn (Compound Effect).
  • Tuyệt đối không được bán đi khoản đầu tư của mình trong ngắn hạn, để cho hiệu ứng cộng dồn được phát huy tối đa.
  • Kiên trì đầu tư tích lũy hàng tháng theo phương pháp trung bình cộng giá mua (Dollar – Cost Averaging).
  • Mua ngay lúc này, mua ngay bây giờ, đừng chần chừ nữa.
  • “Fire & Forget”, mua xong rồi quên luôn, đừng để ý đến nó, cứ tích lũy dần dần và đừng quan tâm quá nhiều đến nó.
0 0 votes
Đánh giá bài viết
Subscribe
Notify of
guest

0 Comments
Inline Feedbacks
Xem tất cả bình luận