Xin chào quý anh chị và các bạn, đây là seri bài viết về đầu tư chứng khoán (ĐTCK) dành cho người chưa biết gì. Mục tiêu của seri này là giúp trang bị cho người đọc, từ những người hoàn toàn chưa biết gì về thị trường chứng khoán (TTCK), cho đến khi kết thúc seri này, người đọc sẽ có một nền tảng đủ vững chắc để có thể đủ tự tin bắt đầu những hoạt động đầu tư đầu tiên của mình.
Seri này sẽ được chia ra 5 phần chính là
- WHY: vì sao chúng ta phải đầu tư?
- WHAT (FOUNDATIONS): cách hoạt động và các khái niệm.
- HOW: các chiến lược đầu tư.
- PASSIVE INVESTING: chiến lược đầu tư thụ động.
- ACTION: cùng triển khai các hoạt động đầu tư đầu tiên.
Chúng ta cùng đến với phần thứ 2, phần 2: WHAT – Cách hoạt động và các khái niệm. Trong phần này chúng ta sẽ cùng tìm hiểu phần 2.1 – Các khái niệm căn bản trong đầu tư.
Bài viết này sẽ giới thiệu đến người đọc các khái niệm căn bản nhất của hoạt động đầu tư. Bài viết này không chỉ là nền tảng để chúng ta đi tiếp vào các bài viết sau, mà bài viết này còn giúp người đọc hiểu hơn về các hoạt động đầu tư nói chung, để sau này nếu có xem Shark Tank, chúng ta sẽ hiểu được là họ đang nói và đang tính toán những gì.
1. Tỉ lệ sở hữu (Equity)
Chúng ta sẽ bắt đầu câu chuyện với một nhóm bạn gồm 5 anh A, B, C, D, E. Cả 5 người này đều có máu làm ăn, sau khi bàn bạc, họ quyết định gom tiền lại để thành lập một công ty, và sau đây là các trường hợp có thể xảy ra:
Trường hợp 1: mỗi người góp bằng nhau với số tiền là 200 triệu để cùng mở công ty. Lúc này công ty sẽ có tổng trị giá là 1 tỷ và do mỗi người đều góp một khoản tiền bằng nhau nên hiển nhiên là tất cả mọi người đều sở hữu những phần như nhau trong công ty. Sau này công ty kinh doanh có lời thì khoản lời này sẽ được chia ra làm 5 phần, hoặc nếu như bán công ty thì khoản tiền thu được cũng sẽ chia đều ra làm 5 phần.
Hình 5: mô tả khái niệm tỉ lệ sở hữu (equity)
Nói theo tỉ lệ % thì mỗi người sẽ được 20%, và con số này sẽ dẫn chúng ta đến khái niệm đầu tiên, đó là tỉ lệ sở hữu (Equity). Trong trường hợp này là vì mỗi người góp vốn 200 triệu cho một công ty có giá trị 1 tỷ nên mỗi người sẽ có equity là 20%.
Trường hợp 2: giả sử khả năng tài chính của 5 người là khác nhau nên số vốn góp vào cũng sẽ khác nhau. Lúc này anh A sẽ góp 100 triệu, các anh B, C, D thì mỗi người vẫn góp 200 triệu như bình thường, anh E có điều kiện tài chính hơn một chút thì ảnh góp 300 triệu. Tổng vốn công ty lúc này vẫn là 1 tỷ, và lúc này hiển nhiên là chúng ta không thể chia đều tỉ lệ sở hữu như trong trường hợp 1 được. Và thời điểm này là lúc rất dễ xảy ra một vấn đề mà đa phần các nhà đầu tư, đặc biệt là các bạn trẻ mới khởi nghiệp sẽ gặp phải, đó là sự nhầm lẫn giữa sở hữu và vận hành. Sẽ có trường hợp là anh A anh sẽ nói là “tuy là tôi góp ít tiền nhưng những kỹ năng và đóng góp công sức của tôi cho công ty có giá trị nhiều hơn, nên tôi sẽ góp sức nhiều hơn, do đó nên tỉ lệ % của tôi nên được tính cao hơn so với số tiền mà tôi góp”.
Đây là một lỗi kinh điển mà các bạn trẻ khi mà mới khởi nghiệp rất hay gặp phải (bản thân mình cũng từng như thế luôn). Hành động mà các bạn góp vốn để thành lập công ty là thuộc khía cạnh sở hữu. Sau đó các bạn dùng tiền vốn đó để thuê người làm việc cho công ty, và thay vì thuê người khác, các bạn thuê lại chính các bạn, lúc này các bạn sẽ nhận được lương tùy theo năng lực và công sức mà các bạn bỏ ra cho công ty, đó là khía cạnh vận hành.
Và trong thực tế, nếu anh A là người có năng lực thực sự tốt, và nếu phải trả cho anh A một mức lương đúng với mức lương mà anh ấy có thể nhận so với năng lực của anh ấy thì công ty lại không có đủ tiền, vì nguồn ngân sách ban đầu của công ty rất có hạn. Nhưng anh A thì không thể làm không công và công ty thì không thể tính % tỉ lệ sở hữu cho anh A như đề nghị của anh A được. Lúc này công ty sẽ tính tới chuyện trả lương cho anh A ở mức cơ bản, và phần còn lại sẽ được quy đổi thành những quyền lợi đặc biệt dành riêng cho anh A (như là cổ phiếu ưu đãi, cổ phiếu thưởng, …), và anh A chỉ được hưởng những quyền lợi này khi anh A hoàn thành tốt các công việc của mình.
Và giả sử trong trường hợp anh A làm không được việc, công ty vẫn có thể cho anh A thôi việc, tức là anh A không tham gia vào các hoạt động vận hành của công ty nữa, nhưng anh A vẫn là người sở hữu (một phần) của công ty và vẫn nhận được đầy đủ quyền lợi của một người đồng sở hữu công ty, và tới các cuộc họp cổ đông thì anh A vẫn được mời. Đó là cách mà các công ty tách bạch giữa sở hữu và vận hành.
Hình 6: tỉ lệ sở hữu trong trường hợp số vốn góp vào không đồng đều
Quay trở lại câu chuyện, chúng ta chỉ bàn tới vấn đề sở hữu và không bàn tới vấn đề vận hành. Lúc này số vốn của anh A là 100 triệu, anh B, C, D là 200 triệu và anh E là 300 triệu, tổng cộng là 1 tỷ. Để đảm bảo công bằng về tỉ lệ sở hữu, người ta sẽ chia nhỏ công ty ra làm nhiều phần. Ví dụ nếu chia ra làm 10 phần thì anh A sở hữu 1 phần, anh B, C, D sở hữu mỗi anh 2 phần và anh E sở hữu 3 phần. Và nếu chia ra thành 100 phần thì tỉ lệ sở hữu của anh A sẽ là 10%, anh B, C, D sở hữu mỗi anh 20% và anh E sở hữu 30%.
2. Pha loãng cổ phiếu (Dilution)
Sau khoảng 2 năm hoạt động, công ty đã có những bước phát triển ổn định và bắt đầu bước vào giai đoạn tăng trưởng mạnh nên công ty cần huy động một lượng vốn để tiếp tục phát triển công ty. Lúc này, mình là bạn của giám đốc công ty và biết được thông tin đó nên đã liên hệ phía công ty để bàn bạc việc huy động vốn. Hiện tại trong tay mình đang có 1 tỷ và mình có hai lựa chọn, một là cho công ty vay (thành chủ nợ của công ty) và hai là góp vốn vào công ty, qua đó trở thành cổ đông của công ty (đồng sở hữu công ty). Và vì là bạn của giám đốc và tin tưởng vào công ty nên mình quyết định chọn phương án hai, đó là góp vốn và trở thành cổ đông của công ty, cùng đồng hành với công ty.
Do trong vòng 2 năm hoạt đông, công ty phát triển ổn định nên định giá của công ty không còn trị giá 1 tỷ như tổng vốn góp ban đầu nữa, mình ví dụ hiện tại định giá của công ty đã là 4 tỷ, và với số vốn 1 tỷ mà mình góp vào đã nâng tổng giá trị của công ty lên thành 5 tỷ, và hiển nhiên là mình sẽ được nhận tỉ lệ sở hữu là 20% tương ứng với 1 tỷ mà mình góp vào.
Ở đây sẽ có nhiều bạn nhầm lẫn rằng vốn ban đầu góp vô là 1 tỷ, bây giờ mình góp thêm 1 tỷ nữa là tổng cộng 2 tỷ, như vậy đáng lẽ mình sẽ phải có tỉ lệ sở hữu là 50% tương ứng với 1 tỷ mình góp vào chứ? Tương tự với 100 triệu thì anh A sở hữu 5%, anh B, C, D mỗi anh sở hữu 10% tương ứng với 200 triệu và anh E sở hữu 15% tương ứng với 300 triệu chứ? Đây là một sự nhầm lẫn hết sức tai hại vì như đã nói ở trên, công ty đã phát triển hơn so với thời gian đầu mới thành lập (máy móc nhiều hơn, nhân công nhiều hơn, doanh thu cao hơn, …) nên giá trị của công ty không còn là 1 tỷ nữa. Và vì mình góp vốn vào sau nên không thể tính tỉ lệ sở hữu của mình giống với cách tính tỉ lệ sở hữu của các anh A, B, C, D, E khi họ vào trước, như thế sẽ không công bằng cho họ.
Trở lại vấn đề, lúc này 1 tỷ của mình sẽ chiếm 20% trong tổng số 5 tỷ giá trị của công ty, vậy tỉ lệ sở hữu của các anh A, B, C, D, E lúc này là bao nhiêu? Và cơ sở nào để tính toán tỉ lệ sở hữu của họ? Vì nếu họ vẫn giữ nguyên tỉ lệ sở hữu như ban đầu thì hiện tại, tổng số lượng tỉ lệ sở hữu của các cổ đông sẽ là 120%, điều này sẽ rất vô lí. Như vậy, để đảm bảo tổng tỉ lệ sở hữu của các cổ đông nằm ở mức 100%, các anh A, B, C, D, E sẽ phải chia bớt tỉ lệ sở hữu cho mình và mỗi anh phải chia làm sao cho mà tổng tỉ lệ sở hữu mà các anh ấy cắt bớt ra để chia cho mình bằng đúng 20% của mình. Vậy chia như thế nào để đảm bảo quyền lợi cho các anh ý? Họ sẽ làm như thế này.
Hình 7: mô tả khái niệm pha loãng cổ phiếu (dilution)
Để tính được tỉ lệ sở hữu của cổ đông cũ và các nhà đầu tư mới, công ty phải trải qua một hoạt động quan trọng, đó là định giá công ty. Đây là một hoạt động cực kì phức tạp, các cổ đông cũ sẽ muốn định giá công ty cao nhất có thể và các nhà đầu tư mới sẽ muốn định giá công ty thấp nhất có thể. Để đơn giản hơn thì mình sẽ không đề cập quá sâu vào hoạt động này, và sau khi thương lượng qua lại thì cả hai bên đều đồng ý với định giá công ty là 4 tỷ, và với 1 tỷ mình mới góp vào thì công ty sẽ có tổng giá trị là 5 tỷ.
Lúc này thì tỉ lệ sở hữu của các anh A, B, C, D, E bắt buộc phải thay đổi để có thể tạo ra 20% tỉ lệ sở hữu để đưa cho mình. Và mỗi cổ đông cũ sẽ giảm bớt 20% trên tổng tỉ lệ sở hữu của họ. Ví dụ trong trường hợp của anh A thì tỉ lệ sở hữu của anh A sẽ bị giảm đi 10% × 20% = 2%, tức là anh A chỉ còn 10% – (10% × 20%) = 8%. Tương tự các anh B, C, D sẽ bị giảm đi 4% mỗi người và chỉ còn lại 16%, anh E thì bị giảm đi 6% và chỉ còn lại 24%. Do mỗi người ngắt ra một khúc như vậy nên công ty sẽ dư ra một khoản, lúc này tổng tỉ lệ sở hữu bị giảm đi của các anh A, B, C, D, E (phần bị dư ra) sẽ là 2% + 4% + 4% + 4% + 6% = 20%, đúng bằng tỉ lệ sở hữu của mình. Và tỉ lệ sở hữu hiện tại của tất cả các cổ đông sẽ là anh A với 8%, anh B, C, D mỗi anh 16%, anh E là 24% và mình là 20%, cộng lại đúng bằng 100%. Hoạt động này được gọi là pha loãng cổ phiếu (dilution).
Nếu nói theo khía cạnh toán học, ta có thể tóm lược lại theo công thức như sau:
(%A + %B + %C + %D + %E) × 20% = %F
⇔ (%A × 20%) + (%B × 20%) + (%C × 20%) + (%D × 20%) + (%E × 20%) = %F
Khi mà tỉ lệ sở hữu của một cổ đông bị pha loãng thì tức là tỉ lệ sở hữu của họ sẽ bị giảm xuống để có chỗ cho nhà đầu tư mới vào. Mặc dù tỉ lệ sở hữu bị giảm xuống nhưng giá trị sở hữu sẽ được tăng lên do tỉ lệ sở hữu giờ đây được tính dựa trên giá trị mới của công ty chứ không phải giá trị cũ. Cụ thể ở đây là anh A đang sở hữu 8% trong một công ty được định giá 5 tỷ chứ không phải trong một công ty được định giá 1 tỷ như lức đầu, tức là tài sản của anh A đang có tương đương với 8% của 5 tỷ, tức là 400 triệu, cao hơn hẳn so với 10% của 1 tỷ là chỉ có 200 triệu. Tương tự tài sản của anh B, C, D lúc này sẽ là 800 triệu mỗi người và anh E là 1,2 tỉ.
Hình 8: tỉ lệ và giá trị sở hữu của các cổ đông thay đổi khi hoàn tất pha loãng cổ phiếu
Các hoạt động định giá và tính toán tỉ lệ sở hữu là mối liên hệ hai chiều (chứ không phải là tính định giá công ty trước rồi mới tính tỉ lệ sở hữu). Định giá 5 tỷ của công ty chỉ được xác nhận cụ thể khi mà thương vụ đầu tư của mình vào công ty được hoàn tất. Hay nói một cách khác, công ty này chỉ chính thức có giá trị 5 tỷ khi mà mình sẵn sàng bỏ ra 1 tỷ để đổi lấy 20% sở hữu. Nếu giữa chừng mình quyết định không đầu tư nữa (bể kèo), thương vụ này đổ bể, cho dù đã tính toán xong hết rồi thì công ty lúc này vẫn không có giá trị là 5 tỷ.
Trong thực tế thì các hoạt động này cực kì phức tạp, chẳng hạn như các khái niệm pre-money, post-money là định giá công ty trước khi đầu tư và sau khi đầu tư, rồi còn các khái niệm như là anti-dilution, preemptive rights, …. Nhưng ở trong phạm vị của seri bài viết này thì các khái niệm đó không cần thiết lắm nên mình sẽ không đề cập ở đây để tránh cho người đọc bị rối.
3. Băm nhỏ cổ phiếu (Stock split)
Bên trên là cơ bản về cách mà các công ty chia cổ phần, và trên thực tế thì họ sẽ không chỉ chia tỉ lệ sở hữu ra 100 phần như trong ví dụ mà sẽ chia ra hàng triệu, thậm chí là hàng tỉ phần. Vì khi công ty đạt giá trị khổng lồ (khoảng 100 tỷ chẳng hạn), mà vẫn chỉ chia có 100 phần thì giá trị mỗi phần lại quá lớn, dẫn tới việc là sẽ không có mấy ai đủ tiền mua những phần này. Và đặc biệt là khi công ty lên sàn chứng khoán thì sẽ có rất nhiều nhà đầu tư tham gia đầu tư vào, và hiển nhiên với mức giá 1 tỷ đồng / cổ phiếu thì lúc đó sẽ không có mấy ai có đủ tiền để mua cổ phiếu của công ty.
Nếu chia ra một triệu phần thì giá mỗi cổ phần sẽ dao động khoảng 100 ngàn / cổ phiếu, lúc đó sẽ có nhiều người có khả năng mua và tiếp cận với cổ phiếu của công ty đó hơn. Nhưng cho dù ít hay nhiều thì bản chất vẫn không thay đổi, người sở hữu cổ phiếu công ty vẫn là người đồng sở hữu một phần của công ty đó.
Hãy tưởng tượng rằng công ty tiếp tục phát triển và giá trị công ty lại tăng lên gấp 10 lần nữa, và giá mỗi cổ phiếu lúc này sẽ là 1 triệu đồng / cổ phiếu. Giá này vẫn quá cao so với những người ít tiền, và để giải quyết vấn đề đó thì công ty lại tiếp tục chia nhỏ cổ phiếu đó ra, ví dụ như trong trường hợp này là chia nhỏ ra 5 lần, như vậy thì 1 cổ phiếu cũ sẽ được quy đổi ra thành 5 cổ phiếu mới, giá mỗi cổ phiếu mới lúc này sẽ là 200.000đ / cổ phiếu. Hoạt động này được gọi là băm nhỏ cổ phiếu (Stock split). Và các hoạt động băm nhỏ cổ phiếu này không làm cho chúng ta tăng tỷ lệ sở hữu hoặc giá trị sở hữu lên, nó chỉ đơn giản là làm cho chúng ta gia tăng số lượng cổ phiếu đang nắm giữ lên mà thôi (và tất nhiên là giá trị của mỗi cổ phiếu đó sẽ bị giảm đi tương ứng với tỷ lệ băm nhỏ).
4. Khác biệt giữa cổ phiếu (Stock), cổ phần (Share), cổ đông (Shareholder), cổ tức (Dividend) và các khái niệm liên quan
Mặc dù bản chất không khác biệt nhiều lắm nhưng nếu không giải thích thì e là các bạn sẽ lẫn lộn và sẽ có phần hơi rối. Mình lập cái bảng so sánh dưới đây cho dễ hình dung nha. Và những so sánh dưới đây chủ yếu là để cho các bạn dễ hiểu và tránh bị nhầm lẫn thôi chứ thật ra vẫn chưa có quy định chung và định nghĩa rõ ràng về các khái niệm này đâu, các bạn tham khảo nhé:
Cổ phần | Cổ phiếu (Stock) |
|
|
Những người nắm giữ cổ phần sẽ được gọi là cổ đông (Shareholder) và cổ tức (Dividend) là phần lợi nhuận (có thể là tiền mặt hoặc cổ phiếu) được chia cho cổ đông.
Ngoài ra, chúng ta còn một khái niệm khác cần phải chú ý, đó là giá trị vốn hóa thị trường (Market cap – Market capitalization). Đây là con số thể hiện tổng giá trị của công ty đó, và khi đã hiểu thế nào là share, thế nào là stock split thì ta sẽ không khó để chúng ta hiểu công thức tính giá trị vốn hóa thị trường của một công ty, đó là:
MARKET CAP = SHARE PRICE × SHARE OUTSTANDING
(*) Share price = giá trị một cổ phần.
(*) Share outstanding = tổng số cổ phần đã phát hành (tức là tổng số cổ phần mà công ty đã băm nhỏ ra).
- Review sách Nguyên Lý Tiếp Thị (Principles Of Marketing – Philip Kotler)
- Tiệc SEA Games và câu chuyện đáng suy ngẫm
- Cuộc đối thoại giữa Shimon Peres (cố tổng thống Do Thái) và Putin
- Chuyện về một buổi đại hội cổ đông của Tesla (Tesla – shareholders meeting)
- Tài liệu hỗ trợ khóa học SEO mới nhất của Đình Tỉnh