Xin chào quý anh chị và các bạn, đây là seri bài viết về đầu tư chứng khoán (ĐTCK) dành cho người chưa biết gì. Mục tiêu của seri này là giúp trang bị cho người đọc, từ những người hoàn toàn chưa biết gì về thị trường chứng khoán (TTCK), cho đến khi kết thúc seri này, người đọc sẽ có một nền tảng đủ vững chắc để có thể đủ tự tin bắt đầu những hoạt động đầu tư đầu tiên của mình.
Seri này sẽ được chia ra 5 phần chính là
- WHY: vì sao chúng ta phải đầu tư?
- WHAT (FOUNDATIONS): cách hoạt động và các khái niệm.
- HOW: các chiến lược đầu tư.
- PASSIVE INVESTING: chiến lược đầu tư thụ động.
- ACTION: cùng triển khai các hoạt động đầu tư đầu tiên.
Chúng ta cùng đến với phần thứ 2, phần 2: WHAT – Cách hoạt động và các khái niệm. Trong phần này chúng ta sẽ cùng tìm hiểu phần 2.3 – Các hoạt động giao dịch trên thị trường chứng khoán.
Ở phần 2.2, chúng ta đã tìm hiểu như thế nào là một công ty đại chúng, cách mà một công ty tư nhân trở thành công ty đại chúng thông qua hoạt động IPO. Khi trở thành công ty đại chúng thì các cổ phiếu của công ty đó được niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán, nhưng mà làm sao chúng ta có thể mua được cổ phiếu của các công ty này? Đó là mua thông qua các công ty chứng khoán. Ở phần này, chúng ta sẽ tìm hiểu kĩ hơn về khái niệm và cách thức hoạt động của các công ty chứng khoán này, cùng với các yếu tố quyết định đến giá trị cổ phiếu của các công ty trên thị trường chứng khoán.
9. Sàn giao dịch chứng khoán (Stock exchange) và công ty chứng khoán (Securities company)
9.1. Sàn giao dịch chứng khoán (Stock exchange)
Thị trường chứng khoán là nơi tập hợp nhiều sàn giao dịch chứng khoán (stock exchange). Nói một cách dễ hiểu thì trong thị trường buôn bán ở Việt Nam sẽ có rất nhiều các chợ buôn bán khác nhau như chợ Bến Thành, chợ Đồng Xuân, chợ Đông Ba, …. Tương tự như vậy, TTCK Việt Nam sẽ có nhiều “chợ”, và mỗi một cái “chợ” như này sẽ được gọi là một sàn giao dịch chứng khoán (SGDCK).
Ở Việt Nam có tổng cộng là 4 SGDCK, nhưng phổ biến nhất là Sở Giao Dịch Chứng Khoán Hồ Chí Minh (HoSE – Ho Chi Minh Stock Exchange) và Sở Giao Dịch Chứng Khoán Hà Nội (HNX – Hanoi Stock Exchange). Ngoài ra còn có 2 SGDCK nữa ít phổ biến hơn và ít được quản lý hơn, đó là Sàn Giao Dịch Phi Tập Trung (OTC – Over The Counter) và Sàn Đại Chúng Chưa Niêm Yết (UPCoM – Unlisted Public Company Market).
Hiện tại thì các hoạt động mua bán chứng khoán ở Việt Nam chủ yếu tập trung ở 2 sàn HoSE và HNX do được sự quản lý chặt chẽ và có sự đảm bảo của các cơ quan luật pháp nhà nước. Còn với sàn OTC (các nhà đầu tư và môi giới tự thỏa thuận giá cổ phiếu với nhau và tự giao dịch với nhau) và UPCoM (nơi tập trung các công ty đã phát hành cổ phiếu nhưng chưa được niêm yết trên TTCK) thì do tính chất đặc thù của 2 sàn này, đi kèm với rủi ro cao nên các hoạt động trên 2 sàn này chủ yếu là các hoạt động đầu cơ chứ không hẳn là đầu tư, nên những người mua bán cổ phiếu trong ngắn hạn sẽ hoạt động trên đây nhiều hơn là các nhà đầu tư dài hạn.
9.2. Công ty chứng khoán (Securities company)
Công ty chứng khoán (sexcurities company), hay còn gọi là công ty môi giới chứng khoán (Brooker) là các đơn vị trung gian, giúp bạn thực hiện quản lý các tài sản của bạn trên TTCK và giúp bạn tham gia các hoạt động mua bán trên TTCK. Nếu bạn muốn mua cổ phiếu của một công ty nào đó trên SGDCK, bạn bắt buộc phải có một tài khoản của một công ty chứng khoán (CTCK) nào đó và sử dụng tài khoản đó để thực hiện các việc mua bán.
“Các công ty chứng khoán là một tổ chức tài chính trung gian ở thị trường chứng khoán, thực hiện trung gian tài chính thông qua các hoạt động chủ yếu như mua bán chứng khoán, môi giới chứng khoán cho khách hàng để hưởng hoa hồng, phát hành và bảo lãnh chứng khoán, tư vấn đầu tư và quản lý quỹ đầu tư.” – Wikipedia.
Công ty chứng khoán sẽ có các dạng chính như sau:
- Một là các công ty chứng khoán độc lập (như ở Việt Nam thì có Công ty Cổ phần Chứng khoán VNDIRECT). Các công ty này hoạt động độc lập và sản phẩm của họ sẽ tập trung vào TTCK. Khi bạn mua chứng khoán trên SGDCK thông qua các công ty này thì bạn sẽ được chứng nhận sở hữu chứng khoán đó. Ưu điểm của loại hình công ty này là họ chỉ tập trung vào mảng chứng khoán nên các ứng dụng mua bán của họ nhìn chung thì khá là mượt mà và dễ tiếp cận với người mới, nhân viên tư vấn của họ cũng đông, chuyên nghiệp và khá nhiệt tình. Nhưng nhược điểm là bạn phải liên kết tài khoản ngân hàng vào tài khoản của CTCK nên việc nạp rút tiền sẽ tùy thuộc vào nền tảng công nghệ của ngân hàng liên kết. Các CTCK chỉ thu phí quản lý và duy trì tài khoản của họ chứ họ không thu phí nạp rút tiền vào tài khoản, chi phí và tốc độ nạp rút tiền giữa tài khoản ngân hàng và tài khoản chứng khoán sẽ phụ thuộc vào ngân hàng.
- Hai là các công ty thuộc một tổ chức, tập thể. Chẳng hạn như các CTCK thuộc ngân hàng hoặc thuộc một tập đoàn nào đó. Về bản chất thì các CTCK cũng như là một sản phẩm của tập đoàn đó (chẳng hạn như ngoài các sản phẩm về tín dụng, thẻ ATM, dịch vụ bảo hiểm, … ngân hàng Techcombank còn có một sản phẩm khác là Công ty Cổ phần Chứng khoán Kỹ Thương (TCBS – Techcom Securities JSC), hay VPS là CTCK của VP Bank, VCBS là CTCK của Vietcombank, …). Và do CTCK chỉ là một sản phẩm của ngân hàng nên sự đầu tư của họ cũng còn hạn chế, các ứng dụng mua bán chứng khoán khá phức tạp, chưa được mượt và khó tiếp cận đối với người mới. Tuy nhiên, nhược điểm của các CTCK độc lập lại trở thành ưu điểm của các CTCK dạng này, nhất là các CTCK thuộc ngân hàng. Do cùng thuộc một ngân hàng quản lý nên khi bạn sử dụng tài khoản chứng khoán của các công ty này, tốc độ nạp rút tiền giữa tài khoản chứng khoán và tài khoản ngân hàng thường là rất nhanh, và tất nhiên là chi phí nạp rút cũng gần như là miễn phí. Ngoài ra, một ưu điểm khác là do các CTCK thuộc ngân hàng nên họ có cách hoạt động báo cáo của họ sẽ tương đối giống ngân hàng. Họ sẽ gởi các báo cáo sao kê về tình hình mua bán chứng khoán của bạn, các loại chứng khoán mà bạn sở hữu, biến động thị trường, … để tiện cho bạn theo dõi.
- Ba là các công ty về Fintech. Sản phẩm của họ là các ứng dụng (app) dùng để mua bán chứng khoán. Các ứng dụng của công ty này cho phép bạn có thể mua bán chứng khoán với các giá trị rất nhỏ. Ví dụ như cổ phiếu của Vingroup có giá 100.000đ / cổ phiếu và họ không cho phép bán lẻ, bạn phải mua nguyên một cổ phiếu. Các công ty này sẽ đứng ra mua lại và bạn có thể thông qua các ứng dụng này để mua một phần của cổ phiếu đó, chẳng hạn bạn chỉ cần 10.000đ để mua 0,1 cổ phiếu Vingroup, và các công ty dạng này sẽ gom 10 người như bạn lại để mua 1 cổ phiếu Vingroup. Tất nhiên là họ sẽ gởi cho bạn một thông báo hay một chứng nhận nào đấy để chứng minh rằng bạn đang sở hữu 0,1 cổ phiếu Vingroup, nhưng trên TTCK thì các công ty Fintech này sẽ đứng tên chính chủ trên 1 cổ phiếu của Vingroup chứ không phải là bạn, đó là điều hiển nhiên mà ai cũng biết (vì bạn ít tiền mà, bạn đâu thể mua trọn 1 cổ phiếu). Các công ty dạng Fintech này đang phát triển rất nhanh trong thời đại công nghệ hiện nay và hình thức mua bán một phần cổ phiếu này thường tập trung vào nhóm nhà đầu tư nhỏ lẻ (như sinh viên hoặc các bạn mới bắt đầu tìm hiểu về chứng khoán và chưa muốn bỏ số tiền quá lớn vào kênh đầu tư này). Tuy nhiên, do người đứng tên chính chủ sở hữu cổ phiếu không phải là bạn nên hình thức đầu tư này cũng tiềm ẩn khá nhiều rủi ro.
10. Cấu trúc của một lệnh giao dịch chứng khoán
10.1. Cấu trúc cơ bản của một lệnh giao dịch chứng khoán
Khi muốn giao dịch chứng khoán, bạn cần phải biết được các yếu tố sau đây:
- Mã chứng khoán của công ty mà bạn muốn mua hoặc bán: các mã chứng khoán này có thể tìm kiếm trực tiếp trên ứng dụng của công ty chứng khoán hoặc trên Google với từ khóa “Tên đầy đủ của công ty + MÃ CHỨNG KHOÁN” (ví dụ như: Công ty Cổ Phần Tập Đoàn Vingroup mã chứng khoán).
- Khối lượng giao dịch: đây là số lượng cổ phiếu mà bạn muốn giao dịch. Thường thì khối lượng này sẽ được tính dựa trên quantity (tỉ lệ cổ phần) hoặc value (giá trị giao dịch). Và theo quy định hiện tại trên các sàn giao dịch chứng khoán Việt Nam thì khối lượng mà bạn muốn giao dịch bắt buộc phải là bội số của 100 (tức là tối thiểu là 100 cổ phiếu).
- Giá muốn mua: đây là mức giá của cổ phiếu mà bạn muốn mua, mức giá này sẽ có 2 loại, là giá thị trường (market price) và giá muốn mua (limit price). Giá muốn mua sẽ đi kèm với ngày hết hạn (expiry date), chẳng hạn như bạn thiết lập một lệnh giao dịch, mua cổ phiếu của công ty A với mức giá B và ngày hết hạn là C, thì từ lúc bạn đặt lệnh cho đến ngày C thì nếu cổ phiếu của công ty A về đúng mức giá B thì hệ thống sẽ khớp lệnh và việc giao dịch hoàn tất, còn nếu không thì hệ thống sẽ hủy lệnh của bạn.
- Lệnh mua: có các lệnh cơ bản mà bạn phải nắm, đó là lệnh giới hạn (LO – Limit Order), lệnh vào phiên mở cửa của sàn (ATO – At The Open), lệnh vào phiên đóng cửa của sàn (ATC – At The Close) và lệnh theo giá thị trường (MP – Market Price).
- Thời gian hoạt động của sàn giao dịch chứng khoán: đây là thời gian mà sàn giao dịch chứng khoán sẽ diễn ra các hoạt động mua bán chứng khoán. Nếu nằm ngoài khung thời gian này thì các hoạt động mua bán chứng khoán sẽ không được thực hiện và bạn phải chờ cho đến khi sàn mở cửa thì mới thực hiện các lệnh mua bán được.
10.2. Các loại giá trên sàn giao dịch chứng khoán
10.2.1. Giá tham chiếu
Giá tham chiếu là mức giá làm cơ sở cho việc tính giới hạn dao động giá chứng khoán trong phiên giao dịch. Giá tham chiếu của chứng khoán đang giao dịch là giá đóng cửa của ngày giao dịch gần nhất trước đó (trừ các trường hợp đặc biệt).
10.2.2. Giá trần và giá sàn
Giá trần: Là mức giá cao nhất mà nhà đầu tư có thể đặt lệnh mua hoặc bán chứng khoán trong ngày giao dịch. Công thức tính giá trần như sau:
GIÁ TRẦN = GIÁ THAM CHIẾU + (GIÁ THAM CHIẾU × BIÊN ĐỘ DAO ĐỘNG)
Giá sàn: Là mức giá thấp nhất mà nhà đầu tư có thể đặt lệnh mua hoặc bán chứng khoán trong ngày giao dịch. Công thức tính giá sàn như sau:
GIÁ SÀN = GIÁ THAM CHIẾU – (GIÁ THAM CHIẾU × BIÊN ĐỘ DAO ĐỘNG)
(*) Quy định biên độ dao động cổ phiếu của sàn HoSE là 7% và HNX là 10%
(*) Quy định màu hiển thị trên bảng giá với giá tham chiếu sẽ là màu vàng, giá trần sẽ là màu tím và giá sàn sẽ là màu xanh da trời.
Ví dụ: Công ty X, niêm yết tại sàn HoSE, có giá đóng cửa phiên giao dịch ngày hôm qua là 85.000đ / cổ phiếu. Mức giá này sẽ được lấy làm giá tham chiếu trong ngày hôm nay: 85.000đ / cổ phiếu.
Giá trần của cổ phiếu X trong ngày hôm nay sẽ là = 85.000đ + (85.000đ × 7%)= 90.950đ / cổ phiếu.
Giá sàn của cổ phiếu X trong ngày hôm nay sẽ là = 85.000đ – (85.000đ × 7%)= 79.050đ / cổ phiếu.
Hình 16: Các loại giá trên bảng điện tử của công ty chứng khoán VNDirect
10.3. Các loại lệnh trong giao dịch chứng khoán
Lệnh giới hạn (LO – Limit Order): là lệnh mua hoặc lệnh bán chứng khoán tại một mức giá xác định hoặc tốt hơn. Lệnh có hiệu lực kể từ khi được nhập vào hệ thống giao dịch cho đến hết ngày giao dịch hoặc cho đến khi lệnh bị hủy bỏ.
Lệnh vào phiên mở cửa sàn (ATO – At The Open): là lệnh đặt mua hoặc đặt bán chứng khoán tại mức giá mở cửa. Lệnh ATO được ưu tiên trước lệnh giới hạn trong khi so khớp lệnh.
Lệnh vào phiên đóng cửa sàn (ATC – At The Close): là lệnh đặt mua hoặc đặt bán chứng khoán tại mức giá đóng cửa. Lệnh ATC được ưu tiên trước lệnh giới hạn trong khi so khớp lệnh.
Lưu ý:
- Giá của các lệnh ATO và ATC sẽ được xác định căn cứ theo nguyên tắc khớp lệnh định kỳ.
- Để đảm bảo lệnh ATO, ATC được khớp, trước khi đặt lệnh nên kiểm tra lại số dư tài khoản có đủ trong trường hợp giá kịch trần không? (Bằng cách nhân giá trần với số lượng cổ phiếu dự tính mua).
Lệnh theo giá thị trường (MP – Market Price): là lệnh mua / bán chứng khoán tại mức giá bán thấp nhất/ giá mua cao nhất hiện có trên thị trường. Khi được nhập vào hệ thống giao dịch, lệnh mua MP sẽ được thực hiện ngay tại mức giá bán thấp nhất và lệnh bán MP sẽ thực hiện ngay tại mức giá mua cao nhất hiện có trên thị trường.
Lưu ý: Lệnh MP có thể khớp lệnh gộp nhiều bước giá. Trong trường hợp khi khớp lệnh mà bên đối ứng đã hết, lệnh MP sẽ chuyển thành lệnh giới hạn (LO) cao hơn / hoặc thấp hơn mức giá khớp 1 đơn vị yết giá. Đơn vị yết giá sẽ tùy theo từng sàn, cụ thể:
- Với sàn HoSE, đơn vị yết giá sẽ là: 10đ nếu mức giá nhỏ hơn 10.000đ, 50đ nếu mức giá trong khoảng từ 10.000đ đến 49.950đ và 100đ nếu mức giá lớn hơn hoặc bằng 50.000đ.
- Với sàn HNX, đơn vị yết giá sẽ là 100đ đối với giao dịch cổ phiếu khớp lệnh, còn các giao dịch còn lại thì đồng giá 1đ (giao dịch cổ phiếu thỏa thuận, giao dịch chứng chỉ quỹ ETF khớp lệnh và thỏa thuận).
Hình 17: Quy định về thời gian giao dịch trên các sàn giao dịch chứng khoán. @VNExpress
10.4. Nguyên tắc khớp lệnh
10.4.1. Khớp lệnh định kỳ:
Là phương thức giao dịch được thực hiện trên cơ sở so khớp các lệnh mua và lệnh bán chứng khoán tại một thời điểm xác định. Nguyên tắc xác định giá là mức giá thực hiện đạt khối lượng giao dịch lớn nhất. Nếu có nhiều mức giá thỏa mãn điều kiện ở trên thì mức giá trùng hoặc gần nhất với giá thực hiện của lần khớp lệnh gần nhất sẽ được chọn. Nguyên tắc:
- Khối lượng mua: giá càng thấp số lệnh phù hợp càng lớn, tổng số cổ phiếu được tính từ trên xuống dưới.
- Khối lượng bán: giá càng cao số lệnh phù hợp càng lớn, tổng số cổ phiếu sẽ được tính theo hướng từ dưới lên trên.
Để hiểu thêm về khớp lệnh định kì, bạn tham khảo video dưới đây:
10.4.2. Khớp lệnh liên tục:
Là phương thức giao dịch được thực hiện trên cơ sở so khớp các lệnh mua và lệnh bán chứng khoán ngay khi lệnh được nhập vào hệ thống giao dịch. Trong khớp lệnh liên tục, hệ thống sẽ hoạt động theo nguyên tắc:
Ưu tiên về giá:
- Lệnh mua có mức giá cao hơn được ưu tiên thực hiện trước.
- Lệnh bán có mức giá thấp hơn được ưu tiên thực hiện trước.
Ưu tiên về thời gian: Trường hợp các lệnh có cùng mức giá thì lệnh nhập vào hệ thống giao dịch trước sẽ được ưu tiên thực hiện trước.
Mức giá khớp lệnh (hay mức giá được thực hiện): là mức giá được nhập vào hệ thống trước.
Để hiểu thêm về khớp lệnh liên tục, bạn tham khảo video dưới đây:
11. Sự ảnh hưởng của các lệnh đến thị trường chứng khoán
Như vậy, chúng ta có thể thấy, khi một công ty IPO lên sàn và trở thành công ty đại chúng, giá trị cổ phiếu của công ty đó sẽ không còn phụ thuộc vào giá trị của công ty nữa mà sẽ phụ thuộc vào giá trị của công ty đó trên TTCK, hay nói cách khác là sẽ phụ thuộc vào cung và cầu của thị trường. Giá trị cốt lõi của công ty thì vẫn không thay đổi nhưng giá trị của công ty phản ánh qua cổ phiếu sẽ liên tục thay đổi thông qua các hoạt động mua bán.
Xem thêm phần mở rộng các loại hình khớp lệnh trên thị trường chứng khoán Việt Nam.
Từ nguyên tắc cơ bản này, TTCK đã chia các nhà đầu tư thành hai loại cơ bản, đó là:
- Các nhà mua bán cổ phiếu (Stock trader): đây là nhóm các nhà đầu tư sẽ tập trung vào phân tích kỹ thuật (Technical analysis) để tìm ra cung và cầu của thị trường, qua đó tập trung vào các hoạt động mua đi bán lại các cổ phiếu trên TTCK nhằm tìm kiếm lợi nhuận từ sự chênh lệch. Xét về khía cạnh nào đó thì nhóm này có xu hướng đầu cơ nhiều hơn là đầu tư, vì họ không quan tâm đến giá trị của công ty, cái họ quan tâm là khi nào giá cổ phiếu sẽ đi xuống ở mức thấp nhất để họ có thể mua vào và khi nào giá cổ phiếu sẽ đi lên ở mức cao nhất để họ bán ra.
- Các nhà đầu tư cổ phiếu (Stock investor): đây là nhóm các nhà đầu tư sẽ tập trung vào phân tích cơ bản (Fundamental Analysis) để tìm ra giá trị thật sự của công ty và tiềm năng tăng trưởng của công ty đó, qua đó tập trung vào các hoạt động mua cổ phiếu và nắm giữ cổ phiếu trong dài hạn để tìm kiếm lợi nhuận từ sự phát triển của công ty. Nhóm đầu tư này sẽ tập trung vào giá trị thật sự của công ty và đồng hành cùng công ty mà họ đã tin tưởng thông qua các phân tích của họ.
Trong phạm vi seri bài viết này, mình sẽ chỉ nói về các hoạt động đầu tư cổ phiếu chứ không nói về các hoạt động mua bán cổ phiếu. Vì theo quan điểm của mình, các hoạt động mua bán cổ phiếu có xu hướng đầu cơ nhiều hơn, những người tham gia mua bán cổ phiếu chỉ nghĩ cho cá nhân của họ chứ họ không nghĩ cho người khác. Còn đối với hoạt động đầu tư, các công ty được họ mua cổ phiếu và nắm giữ dài hạn sẽ có thêm nguồn vốn ổn định để mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh, tạo ra giá trị cho xã hội. Lúc này thì công ty tăng trưởng, các nhà đầu tư có lợi nhuận và xã hội cũng được phát triển.