Xin chào quý anh chị và các bạn, đây là seri bài viết về đầu tư chứng khoán (ĐTCK) dành cho người chưa biết gì. Mục tiêu của seri này là giúp trang bị cho người đọc, từ những người hoàn toàn chưa biết gì về thị trường chứng khoán (TTCK), cho đến khi kết thúc seri này, người đọc sẽ có một nền tảng đủ vững chắc để có thể đủ tự tin bắt đầu những hoạt động đầu tư đầu tiên của mình.
Seri này sẽ được chia ra 5 phần chính là
- WHY: vì sao chúng ta phải đầu tư?
- WHAT (FOUNDATIONS): cách hoạt động và các khái niệm.
- HOW: các chiến lược đầu tư.
- PASSIVE INVESTING: chiến lược đầu tư thụ động.
- ACTION: cùng triển khai các hoạt động đầu tư đầu tiên.
Chúng ta cùng đến với phần thứ 3, phần 3: HOW – Các chiến lược đầu tư. Trong phần này chúng ta sẽ cùng tìm hiểu phần 3.1 – Các chiến lược tự mình đầu tư.
Ở phần này, chúng ta bắt đầu tìm hiểu về các phương pháp mà người ta dùng để kiếm tiền trên thị trường chứng khoán. Nói một cách dễ hình dung, ở các phần trước, chúng ta đã tìm hiểu lí do vì sao chúng ta cần học về “cỗ máy” này, khái niệm và cách hoạt động của từng cái bánh răng, cái trục quay trong “cỗ máy”, nếu chúng hoạt động riêng lẻ thì thế nào và khi chúng kết hợp với nhau để cùng hoạt động thì dẫn đến “cỗ máy” sẽ hoạt động ra sao. Và ở phần này, chúng ta cùng tìm hiểu về cách mà người ta dùng “cỗ máy” này để kiếm tiền, “cỗ máy” đó chính là TTCK.
Mục tiêu của phần này để giúp các bạn có hiểu biết khái quát về tất cả các phương pháp mà người ta đang dùng để kiếm tiền trên TTCK. Phần này chúng ta sẽ đi rộng nhất có thể. Ở mỗi phương pháp, mình sẽ chia sẻ cho các bạn những thông tin căn bản nhất, đủ để cho các bạn hiểu được một cách khái quát về cốt lõi của các chiến lược đầu tư. Chúng ta sẽ không đi quá sâu vào từng phương pháp đầu tư vì nếu đi sâu vào chi tiết của từng phương pháp này thì hàm lượng kiến thức của mỗi phương pháp này sẽ rất nhiều, dẫn đến việc người đọc sẽ bị quá tải và bị rối. Đó là chưa kể mỗi chiến lược đầu tư sẽ phù hợp với mỗi cá nhân khác nhau, do đó nếu mình đi quá sâu vào một chiến lược cụ thể nào đó sẽ dẫn đến sự nhàm chán và phí thời gian cho những người không thích các chiến lược đó.
Vì thế, với mỗi chiến lược, chúng ta chỉ đi qua những khái niệm căn bản nhất, đủ để cho các bạn có những kiến thức nền tảng nhất, có định hướng cụ thể nhất. Từ đó người đọc có thể lựa chọn ra được phương pháp đầu tư phù hợp nhất với bản thân, và cùng với những kiến thức nền tảng trong seri này, người đọc có thể tìm hiểu sâu hơn về những phương pháp đó nếu muốn và tự đưa ra những quyết định đầu tư của riêng mình.
1. Đầu tư vào cổ tức (Dividend Investing)
Ở phần 2.1, chúng ta đã tìm hiểu về cổ tức (Dividend). Nói một cách ngắn gọn, cổ tức là khi công ty làm ra lợi nhuận, ngoài phần dành cho tái đầu tư thì phần lợi nhuận còn lại sẽ được chia cho các cổ đông sở hữu công ty. Lịch chia cổ tức thì sẽ tùy mỗi công ty, có thể là theo hàng quý, nửa năm hoặc một năm. Điều này đã dẫn đến chiến lược đầu tư đầu tiên, đó là đầu tư vào cổ tức (Dividend investing).
Những nhà đầu tư theo hình thức này sẽ tập trung vào những công ty trả cổ tức cao và ổn định, từ đó những khoản lợi nhuận từ cổ tức này sẽ như là một nguồn thu nhập thụ động dành cho họ. Chiến lược này tương tự như việc mình bỏ tiền ra để mua nhà và đem cho thuê, hàng tháng thì tiền thuê nhà sẽ được gởi về cho mình như là một hình thức thu nhập thụ động. Đó là lí do mà người ta còn gọi chiến lược này là đầu tư thu nhập (Income investing). Và thường thì sẽ có hai hình thức chính để chi trả cổ tức cho các cổ đông, đó là cổ tức bằng tiền mặt hoặc cổ tức bằng cổ phiếu. Các nhà đầu tư sẽ có xu hướng chọn nhận cổ tức bằng cổ phiếu thay vì tiền mặt, để gia tăng số lượng cổ phiếu mà họ nắm giữ, từ đó gia tăng giá trị của khoản đầu tư mà họ đã chi ra.
Tuy nhiên, cần lưu ý là các công ty có quyền ngưng trả cổ tức nếu họ muốn. Ví dụ như là tình hình kinh doanh không được như mong muốn nên họ không có lãi, hoặc là họ cần vốn để đầu tư vào lĩnh vực mới, họ hoàn toàn có quyền ngưng trả cổ tức hoặc giảm tỉ lệ trả cổ tức xuống. Trong thực tế thì cũng có những cổ phiếu của những công ty chuyên dùng để thu hút những nhà đầu tư kiểu này, và với những công ty này thì họ thu hút nhà đầu tư bằng chính sách trả cổ tức chứ không phải là bằng tiềm năng tăng trưởng của công ty. Vì yếu tố hấp dẫn nhất của những công ty này là cổ tức nên họ sẽ cố gắng tránh tối đa việc không trả cổ tức hoặc giảm tỉ lệ trả cổ tức xuống, nếu họ làm như vậy thì những nhà đầu tư sẽ bán cổ phiếu của công ty đó đi và chuyển qua công ty khác, và như chúng ta cũng đã biết, nếu nhiều người bán quá thì giá trị của công ty sẽ đi xuống.
“Khi công ty bắt đầu trả dividend là lúc công ty không còn biết đầu tư gì nữa” – Elon Musk
Một số ưu điểm của chiến lược này:
- Tạo ra nguồn thu nhập thụ động (passive income).
- Thường thì các khoản cổ tức này sẽ đến một cách đều đặn và trong đại đa số trường hợp là chúng ta có thể dự đoán trước được, từ đó sẽ giúp ta dễ lên kế hoạch hơn từ các khoản chi tiêu trong cuộc sống (thu nhập đình kỳ và ổn định).
- Nếu chúng ta rải đều ra và đầu tư vào nhiều công ty thì dù cho các cổ tức của một vài công ty có tăng giảm hoặc có công ty không trả cổ tức nữa thì chúng ta vẫn không phải lo vì khoản thu nhập này bị thay đổi quá nhiều (thoải mái về tinh thần).
- Các khoản đầu tư này sẽ ít bị ảnh hưởng bởi lạm phát hơn.
Ngoài ra, chiến lược này cũng có một số nhược điểm như sau:
- Vì nó tạo ra thêm thu nhập cho các bạn nên các bạn phải đóng thêm thuế, và thường thì các công ty sẽ tự động trừ đi khoản thuế này trước khi trả cổ tức cho các bạn, tức là các khoản cổ tức bạn được nhận là đã bao gồm thuế.
- Các công ty trong chiến lược đầu tư này thường sẽ tăng trưởng rất chậm, nhưng bù lại thì khoản đầu tư này sẽ an toàn hơn. Và nếu các công ty dành quá nhiều tiền để trả cổ tức thì họ sẽ không còn nhiều vốn để tái đầu tư hoặc đầu tư vào các lĩnh vực khác. Do đó các cổ đông thường có xu hướng mong muốn nhận cổ tức nhiều hơn để tạo điều kiện cho công ty có lượng tiền mặt đủ tốt để phát triển.
- Theo quan điểm cá nhân thì đối với mình, hình thức đầu tư này khá nhàm chán vì chúng ta chẳng phải làm gì hết, cứ thẩy tiền vào và chờ ăn cổ tức thôi.
- Tuy nhiên, do tỉ lệ chia cổ tức cũng tương đối nhỏ nên bạn cần phải có một lượng vốn nhất định thì mới có thể thấy rõ được sự tăng trưởng của khoản đầu tư này.
Nhìn chung, đây là một chiến lược tương đối an toàn và phù hợp với bạn nào không thích nhìn quá nhiều vào bảng điện tử và không muốn quan tâm quá nhiều vào thị trường. Để đảm bảo có thể nhận được khoản cổ tức cao và ổn định, lời khuyên của mình là các bạn nên chọn những công ty Blue chip, đó là những công ty lớn, đã phát triển ổn định và khó có thể phá sản trong tương lai gần. Với những công ty Blue chip như vậy thì tuy họ sẽ khó có sự đột phát trong tăng trưởng và chi phí mua cổ phiếu sẽ khá lớn (do giá trị cổ phiếu của họ cũng đã tăng khá cao theo sự phát triển của công ty), nhưng bù lại, lợi nhuận hàng năm của họ sẽ tương đối ổn định, do đó lịch chia cổ tức cũng sẽ ổn định hơn. Còn đối với những công ty nhỏ, chưa có sự ổn định thì tỉ lệ chia cổ tức sẽ cao hơn, chi phí mua vào có thể sẽ rẻ hơn nhưng lại không có sự ổn định, và vì đây là chiến lược đầu tư dài hạn nên những công ty nhỏ này sẽ có rủi ro cao hơn những công ty Blue chip.
Công ty Blue Chip được hiểu là một công ty có uy tín trên toàn quốc. Hiện nay, công ty Blue Chip thường sẽ được thành lập trong một thời gian dài và có nguồn tài chính lành mạnh. Blue chip thường sẽ bán các sản phẩm và dịch vụ chất lượng cao, được chấp nhận rộng rãi. – luatduonggia.vn
Hình 1: Ông Ronald Read, một trong những người rất thành công với hình thức đầu tư cổ tức này.
2. Đầu tư vào tăng trưởng (Growth Investing)
Chiến lược đầu tư vào tăng trưởng (Growth investing) sẽ trái ngược hoàn toàn với chiến lược đầu tư vào cổ tức. Những nhà đầu tư bằng chiến lược này sẽ đi săn tìm và đầu tư vào những công ty đang có tốc độ tăng trưởng nhanh hơn so với thị trường. Trung bình tỉ lệ tăng trưởng chung của thị trường thường sẽ rơi vào tầm từ 10% đến 15% / năm, trong khi với chiến lược Growth investing này thì những nhà đầu tư có thể nhận được tỉ lệ tăng trưởng là 20%, 30%, 50%, … hoặc có những trường hợp cá biệt có thể lên tới vài trăm %. Điển hình là cổ phiếu của Tesla đã tăng hơn 1000% trong vòng chưa tới 2 năm.
Nghe thì có vẻ hấp dẫn nhưng để có thể đầu tư theo dạng này, chúng ta phải trả lời cho được câu hỏi quan trọng “làm sao để biết được một công ty có tiềm năng tăng trưởng cao trong tương lai?”. Để trả lời câu hỏi này, người ta phải dùng rất nhiều yếu tố phân tích khác nhau, và các yếu tố đó cũng như các phương pháp để phân tích chúng thì lại cực kì phức tạp. Trong phạm vi của seri này, mình chỉ chia sẻ một vài chỉ số đơn giản mà người ta dùng để phân tích tiềm năng tăng trưởng của công ty chứ không đi quá sâu vào phương pháp này. Bạn nào quan tâm thì có thể tìm hiểu thêm ở trên internet nhé.
Chỉ số EPS (Earnings Per Share) là chỉ số đại diện cho lợi nhuận của công ty trên tổng số share mà công ty đó đã phát hành, cụ thể nó được tính bằng công thức:
EPS = (TỔNG LỢI NHUẬN − DIVIDEND) ÷ TỔNG SỐ LƯỢNG SHARE
Chỉ số P/E (Price – to – Earnings) là tỉ lệ mà nhà đầu tư sẵn sàng trả so với tỉ suất lợi nhuận của công ty (EPS), cụ thể nó được tính bằng công thức:
P/E = GIÁ SHARE HIỆN TẠI ÷ EPS
Ví dụ chúng ta đang có một công ty có tổng số share là 100.000 share, năm nay họ đạt được lợi nhuận là 1 triệu đô và họ quyết định lấy 200 ngàn đô để chia cổ tức cho cổ đông, lúc này thì EPS của công ty sẽ là
EPS = ($1.000.000 − $200.000) ÷ 100.000 = $8
Từ đây chúng ta có thể hiểu là nếu EPS càng cao thì chứng tỏ công ty đó đang hoạt động có hiệu quả. Giả sử bởi vì trên thị trường hiện tại có nhiều nhà đầu tư tin tưởng rằng công ty này sẽ còn phát triển nhiều ở trong tương lai cho nên họ sẵn sàng trả giá cao hơn, dẫn đến cầu càng lúc càng nhiều hơn cung, cuối cùng giá thị trường mà mọi người đang sẵn sàng trả cho cổ phiếu công ty là $80 / cổ phiếu.
Và với EPS = $8 như thế thì chúng ta sẽ có giá trị của P/E là:
P/E = $80 ÷ $8 = 10x
Nghĩa là lúc này chỉ số P/E của công ty đó đang là 10 lần. Nói một cách đơn giản, nhìn vào chỉ số P/E, chúng ta có thể thấy được là những nhà đầu tư sẵn sàng trả giá cao hơn gấp 10 lần so với chỉ số lợi nhuận mà công ty đó đang làm ra. Từ đó chúng ta hiểu rộng hơn, chỉ số P/E đại diện cho niềm tin của nhà đầu tư dựa trên tỉ suất lợi nhuận.
Khi nói về chiến lược Growth investing thì người ta hay nhìn vào chỉ số P/E. Các bạn thử tưởng tượng là một công ty đang có chỉ số EPS thấp, nghĩa là lợi nhuận của họ thấp nhưng mà xung quanh thì người ta vẫn trả nhiều tiền để được sở hữu công ty đó (chỉ số P/E cao). Tức là thị trường đang tin tưởng vào công ty đó ở trong tương lai có thể tăng trưởng lên nhiều lần.
Tuy nhiên, chỉ số EPS, P/E chỉ là một trong vô số những tín hiệu khác nhau trong chiến lược này. Để có thể có nhận định chính xác nhất về tiềm năng tăng trưởng của các công ty, chúng ta còn phải phân tích về thị trường tiềm năng, công nghệ mà công ty đang sở hữu, đội ngũ điều hành, lĩnh vực mà công ty đang hoạt động, đối thủ cạnh tranh, phân khúc mà công ty đang nhắm tới và rất nhiều yếu tố khác.
Chiến lược đầu tư này cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro, để giảm thiểu rủi ro thì cách duy nhất là phải xác định cho chính xác tiềm năng tăng trưởng của công ty. Mà để có thể xác định chính xác tiềm năng tăng trưởng của công ty, các nhà đầu tư phải trải qua hàng loạt các phân tích về rất nhiều các yếu tố như trên.
Đây là một chiến lược phân định đâu là những nhà đầu tư và đâu là những con bạc chạy theo số đông. Vì khi số đông đổ xô chạy theo nhau thì lúc đó đã quá trễ để đầu tư vào công ty theo chiến lược Growth investing. Lúc này thì giá trị của công ty đã lên quá cao và khó có thể tăng trưởng đột biến nữa, thậm chí nó còn có thể đi xuống nữa. Nếu muốn đầu tư theo chiến lược này thì phải đầu tư vào lúc công ty còn nhỏ và chưa có ai để ý tới. Và để có thể nhận định được công ty nào sẽ trở thành công ty tỉ đô, công ty nào sẽ trở thành bom xịt, phá sản và biến mất, tất cả sẽ phụ thuộc vào việc các nhà đầu tư đào sâu tìm hiểu công ty đó kĩ càng tới đâu.
Qua các phân tích ở trên thì các bạn cũng thấy được ưu và nhược điểm của chiến lược Growth investing rồi. Ưu điểm của nó là sẽ đem lại cho bạn khoản lợi nhuận khổng lồ, nhưng nhược điểm của nó là nó đòi hỏi bạn phải dành rất nhiều thời gian và phải sở hữu một khả năng phân tích nhạy bén cùng với những kiến thức vũng chắc về thị trường, để có thể đánh giá đúng tiềm năng tăng trưởng của công ty. Còn nếu như bạn phân tích sai, mức độ rủi ro của chiến lược này cũng sẽ là rất lớn, bạn có thể bị thổi bay tài sản vì một quyết định đầu tư sai lầm.
3. Đầu tư vào giá trị (Value Investing)
Chiến lược đầu tư vào giá trị (Value investing) là một trong những chiến lược được huyền thoại đầu tư chứng khoán Warren Buffett áp dụng rất nhiều, và đây có thể xem là một trong những chiến lược mang lại lợi nhuận và thành công lớn nhất cho ông.
Chiến lược này có nguyên lý tương tự với chiến lược đầu tư vào tăng trưởng, nhưng có một sự khác biệt căn bản nhất đó là chiến lược đầu tư vào giá trị sẽ tập trung vào giá trị thật sự của công ty chứ không phải là tiềm năng tăng trưởng của công ty. Ở phần 2.3, chúng ta đã được biết là khi một công ty IPO, giá trị của công ty sẽ được quyết định bởi thị trường, tức là dựa trên yếu tố cung – cầu của một mã cổ phiếu nào đó chứ nó không còn dựa trên giá thị thật của công ty đó nữa. Khi mọi người đổ xô nhau đi mua cổ phiếu của công ty, lúc đó sẽ có nhiều người mua hơn người bán, lúc đó giá trị của công ty sẽ ngày càng đi lên, và ngược lại, nếu có nhiều người bán ra thì giá cổ phiếu sẽ ngày càng đi xuống, kéo theo giá trị của công ty sẽ ngày càng đi xuống.
Việc giá cổ phiếu lên xuống như vậy sẽ làm cho giá trị công ty đi xa ra khỏi giá trị thật của công ty đó, và đây chính là mấu chốt làm nên chiến lược đầu tư vào giá trị, đó cũng là lí do mà tại sao tên của chiến lược này lại có chữ giá trị ở trong đó.
Đối với Growth investing, các nhà đầu tư sẽ tập trung phân tích vào các yếu tố tiềm năng tăng trưởng trong tương lai. Còn chiến lược Value investing, các nhà đầu tư sẽ không đặt nặng vào việc các công ty mà họ dự định đầu tư có còn tăng trưởng hay không, mà họ sẽ tập trung vào phân tích giá trị thật sự của các công ty đó, rồi đem so sánh nó với giá trị đang giao dịch của công ty đó trên thị trường. Từ đó họ sẽ có câu trả lời cho câu hỏi “liệu giá bán của công ty đó có đang được bán với giá thấp hơn giá trị thật hay là không?”.
Đấy là khác biệt căn bản nhất giữa Value investing và Growth investing, còn những vấn đề còn lại thì cũng tương đối giống nhau. Tức là bạn vẫn cần phải phân tích rất nhiều yếu tố xung quanh công ty thì mới có thể xác định được giá trị thật sự của công ty đó, từ đó mới có thể đưa ra những quyết định đầu tư đúng đắn.
Chiến lược đầu tư này sẽ tập trung tối đa vào giá trị của công ty, do đó các nhà đầu tư luôn rất tỉnh táo trước bất kì hình thức FOMO (Fear Of Missing Out – Hội chứng sợ bỏ lỡ) nào đang có trên thị trường, vì căn bản là họ tin vào giá trị thật sự của công ty chứ không phải là tin vào đám đông trên thị trường. Chẳng hạn như khi vừa có tin công ty bị thanh tra, lập tức những “con bạc” trên thị trường đều bị FOMO và theo hiệu ứng đám đông, các “con bạc” nhanh chóng bán tháo cổ phiếu để tránh bị lỗ.
Tuy nhiên, các nhà đầu tư giá trị thì tin chắc vào giá trị thật sự của công ty, và tin rằng công ty không làm sai gì cả, nên họ tranh thủ gom thêm cổ phiếu lúc cổ phiếu đang bị rớt giá vì hiệu ứng FOMO của đám đông. Kết quả là việc thanh tra chỉ là một hình thức kiểm tra bình thường định kì của chính phủ, công ty không làm gì sai và vì công ty làm ăn đàng hoàng nên sau đợt thanh tra, không những không phát hiện sai phạm của công ty mà ngược lại, công ty lại còn được tiếng tốt là “tuân thủ các quy định của Nhà nước”. Lúc này thì các “con bạc” lại bị FOMO và tranh thủ mua vào để tránh phải mua cổ phiếu lúc giá cao, đồng thời đẩy giá cổ phiếu và giá trị của công ty trên thị trường đi lên, và đây là lúc các nhà đầu tư giá trị hưởng trái ngọt.
“Hãy sợ hãi khi người khác tham lam và tham lam khi người khác sợ hãi” – Warren Buffett
Chiến lược Value investing cũng có những nét tương đồng với chiến lược Dividend investing. Kể cả những công ty Blue chip cũng sẽ có lúc lên và lúc xuống theo thị trường, và những nhà đầu tư theo chiến lược Dividend investing cũng vì tin tưởng vào giá trị thật sự của công ty nên cũng nhân cơ hội cổ phiếu công ty bị đi xuống vì FOMO mà gom vào để gia tăng khối lượng tài sản của họ.
Vì sự tương đồng giữa Growth investing và Value investing nên ưu và nhược điểm của hai chiến lược này cũng không khác biệt lắm. Chỉ có một khác biệt nhỏ là lợi nhuận của chiến lược Value investing thường sẽ không được nhiều như Growth investing, cho nên mức độ rủi ro cũng sẽ thấp hơn.