Xin chào quý anh chị và các bạn, đây là seri bài viết về đầu tư chứng khoán (ĐTCK) dành cho người chưa biết gì. Mục tiêu của seri này là giúp trang bị cho người đọc, từ những người hoàn toàn chưa biết gì về thị trường chứng khoán (TTCK), cho đến khi kết thúc seri này, người đọc sẽ có một nền tảng đủ vững chắc để có thể đủ tự tin bắt đầu những hoạt động đầu tư đầu tiên của mình.
Seri này sẽ được chia ra 5 phần chính là
- WHY: vì sao chúng ta phải đầu tư?
- WHAT (FOUNDATIONS): cách hoạt động và các khái niệm.
- HOW: các chiến lược đầu tư.
- PASSIVE INVESTING: chiến lược đầu tư thụ động.
- ACTION: cùng triển khai các hoạt động đầu tư đầu tiên.
Chúng ta cùng đến với phần thứ 3, phần 3: HOW – Các chiến lược đầu tư. Trong phần này chúng ta sẽ cùng tìm hiểu phần 3.2 – Các chiến lược nhờ người khác đầu tư.
Ở phần 3.1, chúng ta đã tìm hiểu về các hình thức đầu tư mà cá nhân mỗi người có thể tự thực hiện các chiến lược đầu tư đó cho bản thân. Tuy nhiên, các chiến lược đầu tư mà mình đã đề cập đều rất là phức tạp, kể cả chiến lược nghe có vẻ đơn giản nhất là Dividend investing. Nghe qua thì có vẻ như là chỉ cần ngồi phân tích các chỉ số về cổ tức rồi cứ vậy mà chọn ra những công ty có tỷ lệ cổ tức cao mà đầu tư. Nhưng ở trong thực tế thì nó lại phức tạp hơn rất nhiều. Chúng ta vẫn phải phân tích về tương lai của công ty, biên độ lợi nhuận và nhiều yếu tố khác, từ đó mới đảm bảo được mức cổ tức sẽ ổn định trong dài hạn. Nếu chúng ta tính toán sai, chọn những công ty tuy là đang có mức cổ tức cao nhưng lại đang trên đà đi xuống thì không khéo là lợi nhuận của chúng ta cũng sẽ bị âm.
Do đó, hầu hết tất cả các chiến lược đã được liệt kê đều rất phức tạp, đòi hỏi chúng ta phải có rất nhiều kiến thức phân tích ở nhiều yếu tố khác nhau. Kể cả những người chuyên nghiệp, họ tốt nghiệp ở những trường kinh doanh hàng đầu trên thế giới, họ làm việc hàng ngày trong lĩnh vực tài chính, thì họ vẫn có thể ra những quyết định sai như thường, chứ nói gì đến những tay mơ như chúng ta. Vậy thì câu hỏi đặt ra ở đây là với những người mới bắt đầu tìm hiểu như chúng ta, khi chúng ta còn chưa rõ những kĩ thuật phân tích, chưa có nhiều thông tin và kinh nghiệm trong những lĩnh vực đang có trên thị trường, thì làm sao chúng ta có thể tự mình đưa ra quyết định đầu tư?
Từ câu hỏi này đã dẫn chúng ta qua một hướng đầu tư hoàn toàn khác, tạm gọi là chiến lược nhờ người khác đầu tư giúp. Nghe qua thì có vẻ buồn cười, vì tiền của mình mà lại đi nhờ người khác đầu tư. Nhưng cả trên lí thuyết và trong thực tế đã chứng minh, đây là một trong những chiến lược hiệu quả nhất trong các chiến lược đầu tư hiện có trên thị trường. Bài viết dưới đây mình sẽ chỉ ra cho các bạn thấy nó hiệu quả như thế nào, vì sao nó lại là chiến lược phù hợp nhất với đại đa số những người không chuyên, và vì sao mà tất cả những nhà đầu tư kì cựu nhất trên thế giới đều khuyên chúng ta đầu tư theo chiến lược như vầy.
4. Đầu tư chủ động (Active Investing)
4.1. Đầu tư vào Quỹ tương hỗ (Mutual Fund)
Đầu tư vào quỹ tương hỗ (Mutual Fund) là một trong những hình thức đầu tư chủ động (Active Investing) phổ biến nhất.
Giả sử các bạn đang có một số vốn, nhưng các bạn lại không có kiến thức cũng như không có thời gian để đầu tư. Còn mình là một nhà đầu tư chuyên nghiệp, đánh đâu thắng đó. Vì thấy được các kết quả đầu tư thắng lợi của mình và ngoài ra, các bạn còn thấy mình cũng dành nhiều thời gian để tìm hiểu thông tin đầu này đầu kia, phân tích công ty và thị trường các kiểu, nên các bạn thấy các khoản đầu tư của mình khá là chắc chắn. Và các bạn suy nghĩ rằng các bạn chỉ cần gởi tiền cho mình, đầu tư ké với mình thì các bạn khỏi phải làm gì hết, mà nó lại còn an toàn hơn là tự các bạn đầu tư. Cứ thấy mình mua cổ phiếu của công ty nào thì các bạn cũng gởi tiền nhờ mua một ít, tới cuối năm thì mình lời bao nhiêu % thì các bạn lời bấy nhiêu %.
Tính ra là các bạn không phải làm gì hết, cứ đưa tiền cho mình đầu tư là xong. Ở góc độ của mình, mình thấy được nhu cầu của khá nhiều bạn như vậy nên mình quyết định lập ra một cái quỹ để mà các bạn gởi tiền vào cho mình đầu tư, sau đó mình sẽ cầm tiền này đi đầu tư (tất nhiên là mình sẽ cam kết chỉ dùng để đầu tư chứ không có ăn uống gì trong đó). Và cái quỹ đó được gọi là quỹ tương hỗ. Mình sẽ dùng cái quỹ tương hỗ này, kết hợp với kiến thức và kinh nghiệm của mình để phân bổ quỹ này vào các khoản đầu tư sao cho hợp lí, quyết định xem nên mua cổ phiếu nào, nên bán cổ phiếu nào. Mình phải tính toán là mình sẽ chia bao nhiêu % cho Growth investing, bao nhiêu % cho Value investing và bao nhiêu % cho Dividend investing. Mục tiêu cuối cùng là mình sẽ làm mọi cách để mang về cho các bạn khoản lợi nhuận cao hơn thị trường. Đó cũng là mục tiêu cuối cùng của các Mutual Fund, đó là cố gắng đánh bại thị trường và đạt được lợi nhuận như quỹ kì vọng.
Tất nhiên là khi mình dành thời gian, tâm huyết, kiến thức của mình để đem tiền của các bạn đi đầu tư cho các bạn, mình sẽ không thể đi làm các việc khác được, vì thế mình sẽ không có thu nhập, cho nên các bạn phải trả một khoản phí cho mình, tạm gọi là lương. Và khi mình đầu tư thắng lợi, các bạn cũng phải trích một phần từ lợi nhuận ra để tưởng thưởng cho mình để mình có động lực làm việc cho các bạn, khoản này mình tạm gọi là thưởng.
Đối với Mutual Fund thì khoản lương đó được gọi là phí quản lý (Management fee), và khoản thưởng mà các bạn phải trả cho quỹ được gọi là phí hiệu quả (Performance fee). Hai mức phí này sẽ tùy thuộc vào từng quốc gia và thị trường chứng khoán tại quốc gia đó. Ở Việt Nam thì Management free thường rơi vào khoảng từ 1% đến 2% trên giá trị của số tiền mà bạn bỏ vào quỹ, còn Perfomance thường sẽ rơi vào khoảng 20% trên lợi nhuận mà bạn đạt được.
Hình 2: Thông tin về một Mutual Fund được công khai trên website của công ty quản lý Mutual Fund đó, trong trường hợp này là công ty VinaCapital
Ví dụ bạn gởi cho quỹ 1 tỷ để quỹ đầu tư, thì Management fee mà bạn phải trả sẽ là khoảng từ 1% đến 2% của 1 tỷ, tức là khoản từ 10 triệu đến 20 triệu, và sau khi đầu tư thì lợi nhuận của bạn thu được sẽ là 500 triệu, tổng cộng là bạn có 1,5 tỷ, tức là Perfomance fee mà bạn phải trả cho quỹ sẽ là 20% của 500 triệu, tính ra là 100 triệu. Tổng chi phí mà bạn phải trả cho quỹ sẽ là khoảng từ 110 triệu đến 120 triệu. Và kể cả khi quỹ có đầu tư thất bại, không cần biết là bạn bị lỗ bao nhiêu, bạn vẫn phải trả Management fee trong khoảng từ 1% đến 2% của 1 tỷ, tức là cho dù quỹ có đầu tư thua lỗ 10%, bạn chỉ còn 900 triệu thôi, nhưng bạn vẫn phải trả Management fee là 10 triệu đến 20 triệu.
Một số ưu điểm của chiến lược này như sau:
- Sẽ có “chuyên gia” đầu tư thay cho chúng ta: những Mutual Fund đều được quản lý và vận hành bởi các chuyên gia trên TTCK, hoặc ít nhất là những nhà đầu tư chuyên nghiệp, có chuyên môn. Chúng ta không cần phải làm gì hết, những “chuyên gia” đó sẽ thay chúng ta đầu tư.
- Đảm bảo được yếu tố “không để trứng vào một rổ” (Diversify): với tiềm lực tài chính của quỹ thì một Mutual Fund sẽ mua rất nhiều cổ phiếu ở nhiều danh mục thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau. Chẳng hạn như nếu các bạn tự đầu tư, các bạn sẽ cần một lượng tiền tương đối lớn để có thể mua nhiều cổ phiếu của nhiều công ty khác nhau. Tuy nhiên nếu đầu tư vào quỹ, bạn chỉ cần gởi vào một số tiền nhất định, quỹ sẽ gom tiền của nhiều người như bạn lại và bắt đầu mua cổ phiếu của nhiều công ty khác nhau, và khi bạn sở hữu một phần của quỹ này thì cũng tương đương với việc là bạn đang sở hữu (một phần) cổ phiếu của nhiều công ty khác nhau vậy. Do đó nếu lỡ có một công ty nào đó có kết quả kinh doanh không tốt thì cũng còn có nhiều công ty khác trong danh mục sẽ bù lại khoản lỗ của công ty đó.
Một số nhược điểm của chiến lược này như sau:
- Tính linh động không cao như cổ phiếu: khi bạn sở hữu cổ phiếu, bạn có thể mua và bán bất cứ lúc nào bạn muốn, và thao tác mua bán sẽ rất đơn giản, chỉ cần thông qua một số thao tác đặt lệnh, bạn đã có thể mua bán cổ phiếu. Nhưng khi đầu tư vào quỹ, họ sẽ có những yêu cầu về thời gian để tiền trong quỹ, hoặc nếu bạn muốn mua hoặc bán thì phải thông qua các văn bản, thủ tục khá rườm rà.
- Có giới hạn tối thiểu: tức là các quỹ sẽ có những yêu cầu về mức đầu tư tối thiểu mà bạn phải có thì mới được tham gia vào quỹ. Chẳng hạn như quỹ của mình thì chuyên đánh lớn, nên bạn muốn vào thì phải đầu tư ít nhất 10 triệu, dưới 10 triệu thì bên mình không nhận.
- Các khoản phí khá cao: các khoản phí của Mutual Fund thì mình đã đề cập đến ở trên, họ tính theo % khá là cao.
- Số liệu thống kê cho thấy về lâu dài, chiến lược này mang lại tỷ lệ tăng trưởng thấp hơn tỷ lệ tăng trưởng của thị trường.
4.1. Đầu tư vào Quỹ phòng hộ / Quỹ thành viên (Hedge Fund)
Về bản chất và cách vận hành thì quỹ phòng hộ / quỹ thành viên (Hedge Fund) cũng giống như quỹ tương hỗ (Mutual Fund), nhưng có một số khác biệt nho nhỏ sau đây:
Hedge Fund | Mutual Fund |
Hội kín, chọn lọc nhà đầu tư Yêu cầu lượng vốn vào rất nhiều Chiến lược đầu tư cực kì mạnh bạo Danh mục đầu tư rất đa dạng Sẵn sàng đầu tư với những chiến lược cực kì rủi ro Lợi nhuận cao hơn, rủi ro lớn hơn | Hội mở, ai vào cũng được Yêu cầu lượng vốn vào ít hơn Chiến lược đầu tư không bạo lắm Danh mục đầu tư không nhiều bằng Mức độ rủi ro không cao bằng Lợi nhuận thấp hơn, rủi ro thấp hơn |
5. Đầu tư bị động (Passive Investing)
5.1. Đầu tư vào quỹ chỉ số (Index Fund)
Tương tự như Mutual Fund, cũng gom tiền của nhiều người rồi đem đi đầu tư, nhưng quỹ chỉ số (Index Fund) thì đi theo chiến lược đầu tư bị động (Passive investing).
Ở phần 2.2, chúng ta đã tìm hiểu về cách thức phân nhóm các công ty và khái niệm về chỉ số (Index). Ở Việt Nam thì chúng ta có các chỉ số phổ biến như VN 30, VN 50, VN 100. Ở Mỹ thì có S&P 500 và ở Úc thì có ASX 200. Đối với Mutual Fund, người ta sẽ cố gắng chọn lọc, mua bán vào nhiều thời điểm khác nhau với nhiều loại cổ phiếu khác nhau để tìm kiếm lợi nhuận, mục đích là làm sao đạt được tỷ lệ tăng trưởng cao hơn tỷ lệ tăng trưởng của thị trường (chiến lược Active Investing). Còn với Index Fund, họ sẽ cố gắng làm sao mà bám sát theo tỷ lệ tăng trưởng của một chỉ số index nào đó, càng gần càng tốt. Họ sẽ dùng chiến lược ngược lại với Mutual Fund, đó là chiến lược Passive Investing, với mục tiêu cuối cùng là làm sao có tỷ lệ tăng trưởng sát nhất so với tỷ lệ tăng trưởng của thị trường (tức là thay vì cố gắng đánh bại thị trường như Mutual Fund, họ sẽ cố gắng bám sát thị trường nhất có thể).
Vậy bằng cách đầu tư nào mà họ có thể bám sát được chỉ số Index? Đó là họ sẽ mua hết tất cả các công ty nằm trong chỉ số đó, và nếu có công ty nào rớt ra khỏi chỉ số đó thì họ sẽ bán hết cổ phiếu của công ty đó và mua cổ phiếu của công ty mới lọt vào chỉ số đó. Chẳng hạn như với chỉ số VN 30, Index Fund sẽ mua cổ phiếu của cả 30 công ty này, và nếu công ty thứ 30 bị rớt ra khỏi danh sách VN 30 vì một lí do nào đó, họ sẽ bán hết cổ phiếu của công ty này, đồng thời mua cổ phiếu của công ty mới vừa lọt vào VN 30 thế chỗ cho công ty vừa bị rớt ra.
Và cũng như đã đề cập ở phần 2.2, mặc dù chỉ chiếm một số lượng rất nhỏ so với tổng số lượng công ty có trên thị trường chứng khoán, nhưng VN 30, S&P 500 hay ASX 200, hay nói cách khác là các Indices này tuy chỉ đại diện cho top những công ty lớn nhất trên thị trường, nhưng trong thực tế nó gần như phản ánh luôn sự tăng giảm của toàn bộ thị trường. Vì thế nên việc các Index Fund đầu tư vào các chỉ số như thế này cũng tương tự như việc họ đang đầu tư vào gần như toàn bộ thị trường. Và số liệu lí thuyết cũng như là các bằng chứng thực tế cũng đã chứng minh rằng về dài hạn, thị trường sẽ luôn tăng trưởng (sẽ dẫn chứng ở phần sau), hay như cách phân tích ở trên là về dài hạn, các indices luôn tăng trưởng. Với việc Index Fund đầu tư vào các indices này thì chúng ta có thể khẳng định chắc chắn rằng về dài hạn, tỷ lệ tăng trưởng của Index Fund sẽ luôn tăng, kéo theo tỷ suất lợi nhuận cũng sẽ luôn tăng.
Hình 3: Thông tin về một Index Fund được công khai trên website của công ty quản lý Index Fund đó, trong trường hợp này là công ty Vanguard và Index Fund này đang bám vào indices S&P 500
Một số đặc điểm của chiến lược này như sau:
- Đầu tư theo chiến lược Passive Investing: chiến lược này đã được chứng minh là sẽ đem lại lợi nhuận ổn định nhất cho các nhà đầu tư dài hạn.
- Phí quản lý rất thấp: vì cốt lõi của chiến lược này là mua theo chỉ số, ví dụ như với chỉ số VN 30 thì họ sẽ mua cả rổ VN 30 là xong. Tức là các Index Fund sẽ không tốn quá nhiều công sức hay cần quá nhiều chuyên gia để phân tích thị trường, cứ công ty nào rớt khỏi VN 30 là bán, công ty nào vào VN 30 là mua. Vì các việc cần phải làm khá là ít và khá là đơn giản như thế nên họ sẽ không tốn quá nhiều chi phí để quản lý và vận hành các quỹ này, cho nên phí quản lý của các Index Fund sẽ khá thấp (như hình trên thì phí quản lý của Index Fund theo dõi chỉ số S&P 500 thuộc công ty Vanguard chỉ có 0,04%).
- Tính linh động không cao như cổ phiếu: đây vừa là ưu điểm, vừa là nhược điểm. Với nhà đầu tư ngắn hạn thì nó là nhược điểm, nhưng thường thì những người đầu tư vào Index Fund đa phần đều là những nhà đầu tư dài hạn. Vì thế nên đặc điểm này được xem như là ưu điểm, do sự khó khăn trong việc mua bán nên sẽ giúp các nhà đầu tư dài hạn hạn chế được việc bán các khoản đầu tư trong ngắn hạn.
- Có giới hạn tối thiểu: tức là các quỹ sẽ có những yêu cầu về mức đầu tư tối thiểu mà bạn phải có thì mới được tham gia vào quỹ.
- Số liệu tổng kết cho thấy trong dài hạn, các quỹ đầu tư theo phương pháp Passive Investing này sẽ có tỷ lệ tăng trưởng cao hơn so với các quỹ đầu tư theo chiến lược Active Investing
5.2. Đầu tư vào quỹ hoán đổi danh mục (ETF – Exchange Traded Fund)
Từ những đặc điểm của quỹ chỉ số (Index Fund), người ta đã cho ra đời một loại quỹ khác, đó là quỹ hoán đổi danh mục (ETF – Exchange Traded Fund).
Về bản chất thì ETF gần như là giống y chang với Index Fund, chỉ có khác biệt cơ bản nhất đó là ETF thì như là một mã cổ phiếu. Tức là với Index Fund thì bạn phải đăng kí tài khoản với công ty quản lý các Index Fund đó và chuyển khoản cho công ty để công ty chuyển nó vào Index Fund cho bạn. Còn với ETF thì nó được niêm yết trực tiếp trên thị trường chứng khoán, bạn chỉ cần mở tài khoản chứng khoán và tham gia giao dịch mua bán các mã ETF này trên TTCK. Chúng ta có thể hình dung cho dễ hiểu là khi ta đem Index Fund đi IPO thì Index Fund sẽ được niêm yết trên TTCK với mã chứng khoán là ETF.
Sự khác biệt giữa Index Fund và ETF được mô tả ngắn gọn như sau:
Index Fund | ETF |
Như là một công ty tư nhân Giao dịch phức tạp hơn Phí quản lý cao hơn Trả phí để thoát ra Có giới hạn đầu tư tối thiểu Mở tài khoản ở công ty quản lý quỹ | Công ty đại chúng Giao dịch đơn giản hơn Phí quản lí thấp hơn Trả phí giao dịch Không có giới hạn đầu tư tối thiểu Mở tài khoản ở công ty chứng khoán |
Hình 4: So sánh Index Fund và ETF của công ty Vanguard đang theo dõi indices S&P 500
Cũng như Index Fund, khi bạn mua mã ETF đang theo dõi chỉ số VN 30 trên TTCK, điều đó cũng có nghĩa là bạn đang sở hữu cổ phiếu của cả 30 công ty có giá trị vốn hóa lớn nhất TTCK. Và bản chất của ETF cũng như Index Fund, nó đã được chứng minh là về dài hạn, tỷ lệ tăng trưởng của ETF sẽ luôn tăng, kéo theo tỷ suất lợi nhuận cũng sẽ luôn tăng.
5.3. Ví dụ thực tiễn về lời khẳng định “về dài hạn, tỷ suất lợi nhuận của Index Fund / ETF sẽ tăng cao hơn Mutual Fund / Hedge Fund”
Năm 2008, Warren Buffett (tỷ phú hiện sở hữu khối tài sản ước tính 80,1 tỷ USD – theo Forbes) đã đưa ra một lời thách thức cho các quỹ phòng hộ (Hedge funds), khi cho rằng việc đầu tư vào một quỹ đầu tư theo chỉ số về lâu dài sẽ giúp nhà đầu tư thu về những khoản lợi nhuận lớn hơn so với đầu tư theo kế hoạch của các quỹ phòng hộ. Protégé Partners LLC là công ty duy nhất chấp nhận lời thách đấu này của Warren Buffett, thông qua một hợp đồng trị giá 1 triệu USD, để chứng tỏ luận điểm của huyền thoại đầu tư này là sai.
Và trong kèo đặt cược này thì ông Buffett đã chọn chỉ số S&P 500 (một chỉ số dựa trên cổ phiếu phổ thông của 500 công ty có vốn hóa thị trường lớn nhất niêm yết trên sàn chứng khoán NYSE hoặc NASDAQ của Mỹ). Trong khi đó, hãng Protégé Partners cược điều ngược lại với ông thì chọn 5 quỹ phòng hộ giấu tên.
Trong khi Protégé Partners LLC sử dụng phương pháp đầu tư chính là đầu tư chủ động (mua bán cổ phiếu liên tục để thu về lợi nhuận ngắn hạn), còn Warren Buffett sẽ sử dụng phương pháp cổ điển của mình: áp dụng phương pháp đầu tư thụ động (mua và nắm giữ trong thời gian dài).
Dù thời hạn cuộc đấu này đến ngày 31-12-2017 mới kết thúc, nhưng vào khoảng tháng 10 cùng năm, Ted Seides, đồng sáng lập của Protégé Partners LLC, đã chấp nhận thất bại công khai trên trang Bloomberg: “Buffett đã thắng. Dù xét trên khía cạnh con số hay mục tiêu của cuộc thách đấu, chúng tôi cũng đã thua” – Ted Seides chia sẻ. Kết quả là trong 10 năm, khoản đầu tư vào S&P 500 của Warren Buffett đã tăng 125,8% trong khi khoản đầu tư vào năm quỹ phòng hộ của Protégé Partners LLC chỉ tăng trung bình khoảng 36,3%.
Hình 5: Chi tiết về vụ cá cược giữa Warren Buffett và Protégé Partners LLC
Cuộc đối đầu giữa Warren Buffett với Protégé Partners LLC không bình lặng và chiến thắng của Warren Buffett chỉ là một chiến thắng chung cuộc, chứ không hề áp đảo. Cụ thể, không lâu sau khi cuộc thách đấu bắt đầu (ngày 1-1-2008), thị trường tài chính sụt giảm nghiêm trọng (đây cũng chính là năm mà đã xảy ra cuộc khủng khoảng tài chính lớn nhất thế giới), các quỹ phòng hộ đã thể hiện ưu thế của mình: phòng ngừa rủi ro một cách hữu hiệu. Trong khi quỹ chỉ số của Buffett mất 37% giá trị, thì thời điểm ấy Protégé Partners LLC chỉ mất 23,9% giá trị.
Thế nhưng Warren Buffett sau đó đánh bại Protégé Partners LLC liên tiếp từ năm 2009 đến năm 2014, thời điểm thị trường phục hồi và có dấu hiệu ấm lên. Bước vào năm 2015, Buffett lại một lần nữa tụt hậu so với đối thủ của mình, lần thứ hai kể từ năm 2008, khi ông chỉ đạt tỷ lệ tăng trưởng là 1,4% so với 1,7% của Protégé Partners LLC. Tuy nhiên, năm 2016, Buffett đã đạt tỷ lệ tăng trưởng lên tới 11,9%, cao hơn 0,9% so với Protégé Partners LLC (theo Investopedia.com).
“Vào cuối năm 2016, giá trị các khoản đầu tư của quỹ chỉ số mà Warren Buffett theo đuổi đã tăng trung bình 7,1% mỗi năm, hoàn toàn áp đảo so với tỷ lệ 2,2% mỗi năm của Protégé Partners LLC. Và cho đến thời điểm này của năm 2017, sẽ rất khó có một cuộc đại suy thoái nữa xảy ra để Protégé Partners LLC có thể hy vọng lật ngược tình hình” – David Floyd, chuyên gia tài chính, bình luận trên trang Investopedia.com.
Nhìn chung, chiến lược Passive Investing là chiến lược an toàn và hiệu quất, mang lại tỉ suất đầu tư tốt nhất cho chúng ta. Điểm mấu chốt của chiến lược này là từ khóa dài hạn, mà dài hạn ở đây phải là từ 15 năm, 20 năm, 30 năm hoặc hơn. Điều này không chỉ là niềm tin của cá nhân người viết mà nó còn là lời khuyên của hầu hết các bậc thầy, các huyền thoại đầu tư trên thế giới. Điển hình là ông Warren Buffett, ông là bậc thầy trong trường phái lựa chọn cổ phiếu (Stock Picking), nghĩa là chọn ra cổ phiếu tiềm năng để đầu tư, một hình thức Active Investing, mà số người có được khả năng này trên thế giới lại vô cùng hiếm. Tuy là người được gọi là huyền thoại trong trường phái Active Investing như vậy nhưng mà chính ông vẫn luôn nhắc đi nhắc lại là đối với đại đa số những nhà đầu tư không chuyên thì chiến lược Passive Investing vẫn là chiến lược hiệu quả nhất.
Một người nữa là ông Ray Dalio, ông là người sáng lập của Hedge Fund lớn nhất trên thế giới, chính ông cũng khuyên các nhà đầu tư, dù là chuyên nghiệp hay không chuyên, cũng nên phân bổ các danh mục đầu tư của mình vào các ETF để đảm bảo lợi nhuận cho mình. Một người lập ra và điều hành một quỹ Active Investing lớn nhất và thành công nhất trên thế giới mà còn khuyên chúng ta nên đầu tư vào ETF thì không có lí do gì mà chúng ta không đặt niềm tin vào chiến lược Passive Investing này.
6. Tổng kết
Ở cả hai phần, chúng ta đã tìm hiểu sơ lược về các phương pháp đầu tư trên thị trường chứng khoán. Trong đó chủ yếu chia làm 2 phương pháp chính là tự đầu tư và nhờ người khác đầu tư.
Trong phương pháp tự đầu tư, ta có các chiến lược cụ thể như sau: chiến lược đầu tư vào cổ tức (Dividend Investing), chiến lược đầu tư vào tăng trưởng (Growth Investing) và chiến lược đầu tư vào giá trị (Value Investing).
Trong phương pháp nhờ người khác đầu tư, ta có hai chiến lược chính, đó là chiến lược đầu tư chủ động (Active Investing) và chiến lược đầu tư bị động (Passive Investing). Chiến lược đầu tư chủ động thì chủ yếu là tập trung vào các quỹ tương hỗ (Mutual Fund) và quỹ phòng hộ (Hedge Fund), còn chiến lược đầu tư bị động thì chủ yếu tập trung vào các quỹ chỉ số (Index Fund) và các quỹ hoán đổi danh mục (ETF – Exchange Traded Fund).
Ngoài ra, nếu không phân chia theo phương pháp tự đầu tư và nhờ người khác đầu tư, ta cũng có thể phân chia theo hai loại hình chính, đó là đầu tư chủ động và đầu tư bị động. Đầu tư chủ động thì sẽ bao gồm các chiến lược tự đầu tư và các chiến lược đầu tư vào quỹ tương hỗ hay quỹ phòng hộ. Còn đầu tư bị động thì sẽ bao gồm các chiến lược đầu tư vào quỹ chỉ số và quỹ hoán đổi danh mục.
Hình 6: Sơ đồ tóm tắt các loại hình đầu tư và cách phân loại.
Ngoài ra, chúng ta còn có 2 khái niệm nữa, đó là đầu tư ngắn hạn (Short term investing) và đầu tư về dài hạn (Long term investing). Thực sự thì với cá nhân mình, mình không gọi các hoạt động ngắn hạn là đầu tư, mà chính xác hơn thì nên gọi là hoạt động mua bán cổ phiếu (Stock trading). Với những người tham gia hoạt động mua bán cổ phiếu (gọi là Trader), họ sẽ không nhìn vào dài hạn, cũng như không nhìn vào giá trị thật sự của công ty (mà nếu có nhìn thì cũng chỉ là một yếu tố phụ). Các Trader chủ yếu tập trung vào phân tích cung và cầu của thị trường, dự đoán sự tăng giảm của giá cổ phiếu và chọn thời điểm mua vào – bán ra sao cho phù hợp, từ đó họ kiếm lời dựa trên sự chênh lệch về giá cổ phiếu lúc mua vào và lúc bán ra.
Các hoạt động trading này thật sự rất nguy hiểm vì nó không dựa trên giá trị thật của công ty, hoặc ít nhất là tiềm năng giá trị của một công ty, họ chỉ dựa trên các phân tích về mặt kĩ thuật và đưa ra các dự đoán về cung và cầu của thị trường. Nói một cách dễ hiểu, họ sẽ cố gắng mua vào ở một mức thấp nhất có thể (dân trader gọi đây là hành động bắt đáy) và chờ để bán cho người mua với mức giá cao hơn, người mua với mức giá cao hơn đấy sẽ lại chờ bán cho người mua với mức giá cao hơn mức giá mà họ đã mua. Cứ như thế, cho đến người cuối cùng của chuỗi mua bán này, họ không tìm được ai mua với mức giá cao hơn nữa, và thế là họ phải chấp nhận bán với giá thấp hơn và chịu lỗ (dân trader gọi đây là hành động đu đỉnh).
Về bản chất, các hoạt động trading này không thật sự là đầu tư, các trader chỉ mong muốn thắng được các trader khác để kiếm lời dựa trên sự chênh lệch. Trên TTCK có rất nhiều trader chuyên nghiệp với những kinh nghiệm và kĩ năng rất tốt, ngoài ra còn có những máy móc, trí tuệ nhân tạo cũng tham gia vào cuộc chiến phân tích này. Vậy liệu một người như bạn có đủ khả năng để đánh bại họ không?
“Trò chơi mua bán đầu cơ là một trò chơi hấp dẫn nhất trên thế giới. Nhưng nó không phải là cuộc chơi dành cho những người ngu ngốc, lười suy nghĩ, khống chế cảm xúc kém và những người muốn làm giàu nhanh chóng. Họ sẽ chết trong nghèo khổ” – Jessive Livermore.
Tóm lại thì trên TTCK hiện tại đang có 4 kiểu người:
- Kiểu thứ 1: đầu tư theo chiến lược Passive Investing và đầu tư dài hạn. Những người này sẽ đầu tư vào ETF và Index Fund rồi giữ dài hạn. Đây là những người có thể là họ không có thời gian dành cho TTCK, hoặc thậm chí là họ không có quá nhiều kiến thức về TTCK nên họ chọn phương pháp đầu tư này, và đây đã được chứng minh là một trong những phương thức hiệu quả nhất dành cho các nhà đầu tư không chuyên.
- Kiểu thứ 2: đầu tư theo chiến lược Active Investing và đầu tư dài hạn. Những người này sẽ đầu tư vào các công ty theo các chiến lược Dividend Investing, Growth Investing, Value Investing và giữ dài hạn. Những người này có kiến thức, có khả năng phân tích tuyệt vời để đưa ra những quyết định đầu tư chính xác.
- Kiểu thứ 3: đầu tư theo chiến lược Active Investing và đầu tư ngắn hạn. Những người ngày sẽ tham gia vào các hoạt động Stock Trading, hoặc tham gia vào các Mutual Fund và Hedge Fund, sau đó mua vào – bán ra liên tục. Những người này sẽ chịu rủi ro khá lớn vì gần như là phải tranh đấu lẫn nhau để ăn chênh lệch về giá cổ phiếu trên TTCK.
- Kiểu thứ 4: đầu tư theo chiến lược Passive Investing và đầu tư ngắn hạn. Những người này sẽ mua vào – bán ra liên tục các ETF và Index Fund. Những người này thật sự rất khó hiểu, hoặc là họ chưa có kiến thức cụ thể về các quỹ này, hoặc là họ chỉ muốn lời một phần nho nhỏ thôi, vì các ETF hay Index Fund phải nắm giữ về dài hạn thì mới thật sự có lợi nhuận, chứ còn ngắn hạn thì lợi nhuận rất thấp, thậm chí có thể là số âm.
Hình 7: Sơ đồ mô tả 4 kiểu người trên TTCK