Vấn đề: Tôi có cần quan tâm đến các chỉ số của thị trường hay chỉ nên theo dõi sự biến động giá của cổ phiếu mà tôi nắm giữ là đủ? Thị giá cổ phiếu của tôi có chịu ảnh hưởng bởi các chỉ số?
Bài viết dưới đây sẽ giới thiệu về các chỉ số ở Thị trường Chứng khoán Việt Nam (TTCKVN), và qua đó cũng giúp giải đáp các câu hỏi được đặt ra ở đầu bài.
1. Chỉ số thị trường: người dẫn dắt
Trong đầu tư, khi nói đến một thị trường nào đó người ta thường hay dùng khái niệm chỉ số (index) để đại diện cho thị trường đó. Ví dụ, khi nói đến thị trường chứng khoán Việt Nam người ta sẽ dùng chỉ số VN-Index để nói đến mức độ tăng trưởng của nó. Sự tăng hay giảm của VN-Index phản ánh các giai đoạn thăng trầm của toàn bộ thị trường.
Để cấu thành Index người ta sử dụng giá trị vốn hóa thị trường (marketcap) của các công ty để thiết lập, làm như vậy để các công ty lớn hơn sẽ ảnh hưởng nhiều hơn đến Index. Điều này là hoàn toàn hợp lý khi bất kỳ nền kinh tế nào cũng đều phụ thuộc vào nhóm các công ty lớn cung cấp các sản phẩm và dịch vụ thiết yếu đặc thù của nền kinh tế đó. Ở Việt Nam đó là nhóm ngành tài chính mà dẫn đầu là ngân hàng. Theo sau là các nhóm ngành bất động sản, hàng tiêu dùng thiết yếu.
Hãy lấy giá trị giao dịch vào ngày 19-11-2021, ngày thanh khoản của VN-Index lập kỷ lục thời đại (buồn thay, những ngày lập kỷ lục lại là những ngày thị trường bán tháo) để thấy mức độ ảnh hưởng đến chỉ số của các cổ phiếu và các nhóm ngành như thế nào. Ta có thể thấy, các cổ phiếu có vốn hóa lớn tác động mạnh đến chỉ số nhiều hơn các cổ phiếu có vốn hóa nhỏ.
Một trong những ứng dụng của Index đó là tạo ra các ETF. Các ETF này có thể đại diện cho các công ty có vốn hóa lớn nhất thị trường (mô phỏng VN30-Index), hay đại diện cho một nhóm ngành nào đó (mô phỏng VNFINLEAD-Index), hoặc một nhóm cổ phiếu có đặc điểm riêng (mô phỏng VNDIAMOND-Index).
Mức độ đặc thù của ETF càng thấp, tức ETF mô phỏng càng nhiều cổ phiếu (vốn hóa lớn) thuộc các nhóm ngành khác nhau thì ETF đó càng gần với thị trường.
Dưới đây là biểu đồ của chỉ số VN-Index một năm qua (từ 19-1-2021 đến 19-1-2022), VN-Index đã đi từ 1131.00 điểm lên 1442.79 điểm (tăng 27.57%) – một con số thật ấn tượng.
Khi nhìn lại lịch sử của VN-Index và so sánh nó với các cổ phiếu mà mình đã nắm giữ trong năm qua hẳn chúng ta sẽ thấy có một sự trùng hợp không thể phủ nhận ở những giai đoạn tăng giảm của Index với sự sồi sụt giá cổ phiếu của mình. Vậy hẳn thị trường đã tác động một cái gì đó lên giá cổ phiếu và dẫn dắt các cổ phiếu đi theo hướng của nó?!
Đây là một trong những manh mối trả lời cho câu hỏi tại sao phải quan tâm đến chỉ số dù bạn là ai trong thị trường: bạn đầu tư cổ phiếu riêng lẻ hay đầu tư theo chỉ số; bạn đầu tư dài hạn hay mua bán hàng ngày; bạn hoạt động ở thị trường cơ sở hay sử dụng các sản phẩm phái sinh.
Có thể liệt kê ra một vài yếu tố ảnh hưởng lên giá của cổ phiếu, nhưng yếu tố thị trường mà đại diện ở đây là chỉ số sẽ luôn đứng ở vị trí đầu tiên. Hãy nhớ đến hệ số beta (β) của một cổ phiếu – phản ảnh mức độ tác động của thị trường lên cổ phiếu đó. Cổ phiếu có β càng lớn thì khi thị trường biến động, mức độ biến động giá của cổ phiếu càng bị khuếch đại. Một mặt khác, lực cung cầu trên thị trường cái trực tiếp quyết định giá của các cổ phiếu cũng đã được tổng hợp và thể hiện đầy đủ lên hành động của chỉ số.
2. Các chỉ số của Thị trường Chứng khoán Việt Nam
(Các số liệu về số lượng cổ phiếu, vốn hóa đều được lấy ở thời điểm 19-1-2022)
Bài viết này chỉ giới thiệu các chỉ số do HOSE xây dựng, các cổ phiếu được niêm yết trên HOSE đều là những cổ phiếu đủ khả năng đại diện cho TTCKVN.
Để xây dựng các chỉ số, người ta sẽ lựa ra một rổ cổ phiếu đại diện từ một rổ cổ phiếu mẹ nào đó (VN-Index là rổ cổ phiếu mẹ to nhất chứa toàn bộ các cổ phiếu niêm yết trên HOSE). Các tiêu chí để lựa cổ phiếu (bộ lọc cổ phiếu) thường đáp ứng đủ bốn điều kiện: tư cách cổ phiếu, vốn hóa, tỉ lệ tự do chuyển nhượng, và tính thanh khoản. Các bộ chỉ số khác nhau có thể có mức độ yêu cầu về các tiêu chí trên khác nhau. Ngoài ra còn có những tiêu chí đặc biệt khác nhằm xây dựng các bộ chỉ số có đặc điểm riêng nào đó.
Có thể phân loại các bộ chỉ số thành ba nhóm chính:
- Nhóm chỉ số đại diện cho vốn hóa thị trường
- Nhóm chỉ số đại diện cho ngành
- Nhóm chỉ số đại diện cho cái gì đó đặc biệt
2.1. Nhóm chỉ số đại diện cho vốn hóa thị trường
Đây là nhóm chỉ số cố gắng mô phỏng toàn bộ thị trường hay mô phỏng các nhóm vốn hóa khác nhau từ lớn đến nhỏ.
Bộ chỉ số HOSE
VN-Index là chỉ số đại diện cho tất cả các cổ phiếu đủ điều kiện niêm yết trên HOSE. Tuy nhiên, có một số cổ phiếu có tỉ lệ chuyển nhượng tự do quá thấp và hầu như không có giao dịch. Điều này tác động không nhỏ đến tỉ trọng phân bổ mức ảnh hưởng của các cổ phiếu lên chỉ số. Do đó, để giảm thiểu tác động này, HOSE đã xây dựng thêm rổ chứng khoán VNAllShare từ VN-Index để cấu thành bộ chỉ số VNALL (VNAllShare-Index) nhằm loại bỏ tình trạng chỉ số bị bóp méo không phản ánh đúng diễn biến của thị trường.
VNALL được tạo ra như một rổ cổ phiếu cơ sở để làm nền tảng từ đó phát triển thành các bộ chỉ số khác như chỉ số về vốn hóa, chỉ số ngành.
- VNALL: bộ chỉ số cơ sở, bao gồm các cổ phiếu được sàn lọc ra từ VN-Index thỏa các tiêu chí về tư cách cổ phiếu, tỉ lệ tự do chuyển nhượng, và tính thanh khoản.
- VN30: đây là nhóm cổ phiếu có vốn hóa lớn nhất thị trường (bigcap hay bluechip), bao gồm 30 cổ phiếu hàng đầu trong VNALL.
- VNMID: là nhóm cổ phiếu có vốn hóa vừa (midcap), bao gồm 70 cổ phiếu xếp sau VN30.
- VN100: đại diện cho 100 cổ phiếu hàng đầu, bao gồm cả VN30 và VNMID.
- VNSML: nhóm cổ phiếu có vốn hóa nhỏ (smallcap hay penny), là phần còn lại của VNALL sau khi loại đi VN100.
Tỉ trọng vốn hóa trong rổ cổ phiếu VNAllShare:
Từ 508 cổ phiếu của VN-Index lựa ra được 292 cổ phiếu vào rổ VNAllshare. Số lượng cổ phiếu chỉ hơn một nửa (57%) VN-Index nhưng lại chiếm tỉ trọng vốn hóa hơn 90% toàn thị trường.
Bộ chỉ số chung VNX
Đây là các bộ chỉ số “lưỡng long nhất thể” bao gồm cả cổ phiếu niêm yết trên HOSE và HNX tạo thành rổ chứng khoán VNXAllShare. Các chứng khoán trong rổ này được xây dựng để làm chỉ số chung cho cả hai sàn Hồ Chí Minh và Hà Nội với mong muốn đại diện cho toàn bộ TTCKVN. Các chỉ số này được giới thiệu vào ngày 24-10-2016.
- VNXALL: Chỉ số này được xây dựng từ rổ VNXAllShare, bao gồm tất cả các cổ phiếu niêm yết trên cả hai sàn HOSE và HNX đáp ứng các điều kiện cụ thể về tư cách cổ phiếu, tỷ lệ tự do chuyển nhượng, và tính thanh khoản. Nhóm cổ phiếu trên sàn HOSE chiếm tỉ lệ lớn hơn nhiều so với nhóm HNX trong rổ.
- VNX50: là chỉ số được xây dựng từ VNXALL, đại diện cho 50 chứng khoán hàng đầu trong VNXALL. Đây là bộ chỉ số hứa hẹn cạnh tranh sòng phẳng với S&P 500.
Nhóm chỉ số đại diện cho từng ngành
Hiện tại HOSE đã xây dựng được 10 chỉ số đại diện ngành, các chỉ số này được công bố vào ngày 25-2-2015. Các cổ phiếu đại diện ngành được lấy từ rổ VNAllShare theo tiêu chuẩn phân ngành của Global Industry Classification Standard (GICS).
- VNCOND: Chỉ số ngành hàng tiêu dùng không thiết yếu. Bao gồm các công ty hoạt động trong lĩnh vực buôn bán, sản xuất các sản phẩm dệt may, ô tô, hàng gia dụng, hàng tiêu khiển, giải trí, …
- VNCONS: Chỉ số ngành hàng tiêu dùng thiết yếu. Bao gồm các công ty hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản, lương thực thực phẩm, bánh kẹo, rượu bia nước giải khát, đường sữa, dầu ăn, bột giặt, …
- VNENE: Chỉ số ngành năng lượng. Chủ yếu bao gồm các công ty hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ khoan khai thác dầu khí, kinh doanh xăng dầu khí đốt.
- VNFIN: Chỉ số ngành tài chính. Bao gồm các ngân hàng, công ty chứng khoán, công ty bảo hiểm, và các công ty hoạt động trong lĩnh vực đầu tư tài chính.
- VNHEAL: Chỉ số ngành chăm sóc sức khỏe. Chủ yếu bao gồm các công ty sản xuất và kinh doanh dược phẩm, thiết bị y tế.
- VNIND: Chỉ số ngành công nghiệp. Bao gồm các công ty hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, khai thác và sản xuất vật liệu xây dựng thô; vận hành các khu công nghiệp; hoạt động liên quan đến vận tải hàng hóa và hành khách; sản xuất các mặt hàng công nghiệp từ cao su; sản xuất và kinh doanh thiết bị cơ khí, điện điện tử, ….
- VNIT: Chỉ số ngành công nghệ thông tin. Chủ yếu bao gồm các công ty liên quan đến công nghệ phần cứng và phần mềm, dịch vụ công nghệ thông tin, và buôn bán thiết bị tin học.
- VNMAT: Chỉ số ngành vật liệu cơ bản. Bao gồm các công ty hoạt động trong lĩnh vực sản xuất và kinh doanh hóa phẩm như phân bón, cao su, nhựa; khai thác quặng; sản xuất và kinh doanh các sản phẩm kim loại như sắt thép, nhôm, tole, inox; sản xuất đồ gỗ; …
- VNREAL: Chỉ số ngành bất động sản. Bao gồm các công ty hoạt động trong lĩnh vực môi giới bất động sản, đầu tư bất động sản, kinh doanh và phát triển bất động sản.
- VNUTI: Chỉ số ngành tiện ích công cộng. Chủ yếu các công ty hoạt động trong lĩnh vực sản xuất và cung cấp các tiện ích thiết yếu như điện, nước, khí đốt.
Biểu đồ bên dưới trình bày tỉ trọng vốn hóa của các nhóm ngành, có thể thấy nhóm ngành tài chính và bất động sản chiếm hơn 50% tỉ trọng của toàn thị trường, điều này cũng phản ánh đặc trưng cơ cấu của nền kinh tế Việt Nam.
Trở lại với câu hỏi ban đầu, ngoài chịu ảnh hưởng của thị trường thì thị giá của cổ phiếu còn chịu tác động bởi các giai đoạn thịnh suy của ngành. Một ngành đang được quan tâm và hưởng các chính sách vĩ mô về kinh tế thì sẽ có điều kiện thuận lợi bước vào giai đoạn tăng trưởng và kéo theo các cổ phiếu liên quan vào quỹ đạo chung của nó. Ta có thể rõ thấy điều này thông qua xu hướng tăng mạnh của nhóm ngành công nghệ trên thế giới trong những năm gần đây. Hay ở Việt Nam là các nhóm ngành trọng yếu trong cơ cấu nền kinh tế (chiếm vốn hóa lớn); các nhóm ngành được đẩy mạnh đầu tư ở thời điểm hiện tại; hoặc các nhóm ngành sản xuất, xuất khẩu chủ lực (ngoài ra còn một nhóm ngành khác chưa được xây dựng bộ chỉ số: nhóm ngành đầu cơ).
Một yếu tố khác có thể là cuối cùng tác động đến thị giá của cổ phiếu là chính bản thân doanh nghiệp phát hành cổ phiếu đó. Trong cùng một thị trường, cùng một ngành nhưng các công ty có các mức độ tăng trưởng rất khác nhau. Đây có lẽ là điều phức tạp nhất cuối cùng mà nhà đầu tư phải phân tích, so sánh và lựa chọn.
Nhóm chỉ số có đặc điểm riêng
Hiện tại HOSE đã xây dựng được ba chỉ số có các đặc điểm riêng dành cho mục đích đầu tư và mô phỏng của các quỹ. Các chỉ số này được công bố vào ngày 18-11-2019:
- VNDIAMOND – Bộ chỉ số cổ phiếu kim cương Việt Nam: rổ cổ phiếu này được xây dựng nhằm hướng đến đối tượng nhà đầu tư nước ngoài. Bên cạnh các điều kiện về vốn hóa và giá trị giao dịch hàng ngày, các cổ phiếu này còn phải thỏa mãn điều kiện về tỷ lệ sở hữu thực tế nhà đầu tư nước ngoài trên giới hạn sở hữu nước ngoài (FOL) tối thiểu 95%.
- VNFINLEAD – Bộ chỉ số cổ phiếu đầu ngành tài chính Việt Nam: bao gồm các cổ phiếu hàng đầu ngành tài chính (được lựa ra từ VNFIN) có tỷ suất quay vòng tối thiểu 0,1% và giá trị giao dịch tối thiểu 10 tỷ đồng.
- VNFINSELCT – Bộ chỉ số cổ phiếu ngành tài chính chọn lọc: cũng bao gồm các cổ phiếu thuộc ngành tài chính nhưng yêu cầu các cổ phiếu thành phần phải có giá trị vốn hóa tối thiểu 500 tỷ đồng và có giá trị giao dịch tối thiểu 1 tỷ đồng/phiên.
Ngoài ra còn có Bộ chỉ số phát triển bền vững Việt Nam VNSI (VN Sustainability Index). Bộ chỉ số này được xây dựng nhằm hướng đến các mục tiêu: xác định chuẩn phát triển bền vững cho các công ty niêm yết; giúp nhà đầu tư xác định những doanh nghiệp có đặc tính “xanh” để đầu tư.
- VNSI: là Bộ chỉ số phát triển bền vững do HOSE giới thiệu vào tháng 7 năm 2017. VNSI thể hiện tầm quan trọng của tính bền vững trong hoạt động của doanh nghiệp khi xem xét đến các yếu tố về môi trường, xã hội vào công tác quản trị của doanh nghiệp. Các cổ phiếu thành phần của VNSI là các công ty có điểm phát triển bền vững tốt nhất thuộc VN100.
Về thông tin của các bộ chỉ số trên các anh chị em có thể vào trang web của HOSE để xem chi tiết, có dữ liệu cập nhật hàng ngày. Ngoài ra, các bộ chỉ số này đều được các công ty chứng khoán cung cấp miễn phí trên biểu đồ của mình.
Tóm tắt sơ đồ xây dựng các chỉ số
3. Tăng trưởng của các chỉ số trong năm qua 2021
3.1. Tăng trưởng của chỉ số các nhóm vốn hóa
3.2. Tăng trưởng của chỉ số các nhóm ngành
4. Tài liệu tham khảo
Ảnh hưởng của các cổ phiếu lên VN-Index ngày 19-11-2021
Báo cáo các bộ chỉ số của HOSE
Quy tắc xây dựng các bộ chỉ số của HOSE