Biểu phí môi giới của các công ty chứng khoán Việt Nam là gì?
Ở trong bài so sánh Sự khác biệt giữa Sàn giao dịch chứng khoán và Công ty chứng khoán, mình có nhắc đến một trong những yếu tố để lựa chọn công ty môi giới, đó chính là phí giao dịch, hay còn gọi là phí môi giới. Hôm nay mình sẽ nói cụ thể hơn về biểu phí môi giới của các công ty chứng khoán ở Việt Nam để các bạn tham khảo nhé.
Trước khi đi vào phí môi giới của các công ty Chứng khoán tại thị trường Việt Nam, mình có liệt kê 1 vài khoản thuế phí nhà đầu tư Chứng khoán có trách nhiêm phải nộp.
1. Các khoản thuế phí giao dịch chứng khoán
1.1. Các loại thuế thu nhập cá nhân.
- Thuế khi bán / chuyển nhượng cổ phiếu: 0.1% (chỉ áp dụng cho người bán, người mua sẽ được miễn).
- Thuế cổ tức tiền mặt: 5% giá trị cổ tức (công ty sẽ trích 5% đóng thuế, trả lại cho các cổ đông 95%).
1.2. Các loại phí.
- Phí giao dịch (hay phí môi giới): tùy theo dịch vụ của từng công ty chứng khoán. Theo quy định nhà nước, mức phí này không vượt quá 0.5%, không có quy định mức sàn. Phần phí này của mỗi công ty mình sẽ đề cập chi tiết phía dưới.
- Phí lưu ký chứng khoán: ~ 0.3đ / cổ phiếu / tháng.
- Một số khoản phí khác: phí sms (8800đ / tháng), phí giao dịch ngoài sàn, phí chào mua công khai, phí cho nhận thừa kế,…
Tổng kết lại các khoản thuế phí khi bạn giao dịch chứng khoán sẽ bằng: Phí giao dịch + Phí lưu ký + Thuế Thu nhập cá nhân
2. Các tiêu chí lựa chọn công ty môi giới
Để lựa chọn công ty môi giới chứng khoán, mình sẽ phải so sánh Phí giao dịch của các công ty. Ngoài ra mình có để thêm 1 số tiêu chí khác:
1. Mức độ uy tín: mình lấy tạm dựa trên Top thị phần của các công ty trên Sở Giao Dịch Chứng Khoán Hồ Chí Minh (HoSE – Ho Chi Minh Stock Exchange).
2. Phí giao dịch (phần phí này là lớn nhất): các công ty môi giới đưa ra mức phía sẽ dựa trên một số tiêu chí như:
- Tự giao dịch hay có nhân viên môi giới (brokers) tư vấn.
- Giá trị giao dịch trong ngày.
3. Đơn vị giao dịch (block): tạo ra sự thuận tiện cho các nhà đầu tư nhỏ lẻ.
- Theo mình tìm hiểu thì đơn vị giao dịch này được Sở Giao Dịch Chứng Khoán Hồ Chí Minh (HoSE – Ho Chi Minh Stock Exchange) và Sở Giao Dịch Chứng Khoán Hà Nội (HNX – Hanoi Stock Exchange) đưa ra nhằm hạn chế khối lượng giao dịch nhỏ lẻ, làm hệ thống quá tải.
- Trước kia, block quy định là 10, hiện nay theo quy định mới là 100. Tuy nhiên, có VPS là đơn vị vẫn cho phép giao dịch được với bội số 10, các bên công ty khác đa phần là 100.
4. Ứng dụng trading: Mình tạm lấy theo dữ liệu đánh giá app trên ios.
5. Phân tích hỗ trợ: Là danh sách thông tin bài viết phân tích, đánh giá thị trường, xu hướng hàng ngày… Hiện nay mình thấy SSI và FPTs có đầu tư phần nội dung này. Nhiều công ty không làm, hoặc làm xong bỏ đấy không cập nhật. Đây là bảng biểu phí của các công ty môi giới (công ty Chứng khoán) tại thị trường Việt Nam. Để tăng độ uy tín, mình chỉ lấy top 10 công ty có thị phần lớn nhất HOSE quý 3/2021.
6. Miễn phí dịch vụ: (chỉ thu phí giao dịch 0.03% do sở giao dịch chứng khoán thu). Khi quy định về mức sàn của phí dịch vụ được dỡ bỏ thì các công ty chứng khoán mới sẽ có thêm cơ hội thu hút nhà đầu tư, cạnh tranh bằng cách đưa ra các biểu phí hấp dẫn. Một số các công ty miễn phí dịch vụ mình có tham khảo được ở thị trường Việt Nam, đó là:
- CTCP Chứng khoán Châu Á – Thái Bình Dương (APS) – APEC: xem tại đây.
- CTCP Chứng khoán Pinetree (thành viên của Hanwha Group): xem tại đây.
- CTCP Chứng khoán DNSE (DNSE): xem tại đây.
- Công ty Cổ phần Chứng khoán AIS (Miễn phí 3 tháng đầu): xem tại đây.
3. Khuyến nghị
- SSI: công ty chứng khoán lâu năm, uy tín. Hiện tại mình đang dùng tài khoản bên công ty này, app ổn, đơn giản tiện dụng, chỉ đủ các tính năng cần thiết. Phí mua bán 0.15% cao hơn so với 1 vài bên nhưng mình giao dịch ít và đầu tư dài hạn nên bỏ qua phần phí.
- TCBS: nếu tính toán chi ly thì bên này ok nhất khoản phí, mình quan sát thấy nhiều anh chị đang sử dụng tài khoản bên này. TCBS vì liên quan đến Techcombank nên còn tích hợp thêm tính năng gửi tiền tiết kiệm với lãi suất khá tốt (trong trường hợp khoản tiền trong tài khoản chưa đầu tư). Đặc điểm của TCBS là rất nhiều tính năng, trên trời dưới biển gì cũng bê về hết, nó có thể là điểm cộng hoặc điểm trừ tùy theo tính cách từng người.
Hình: So sánh dịch vụ của các công ty chứng khoán Việt Nam. @Quách Duy Long
Link Google Sheet để bạn tải file và tự chỉnh sửa theo ý mình: tải file tại đây.
Trên đây là phần thống kê dữ liệu của mình mong là sẽ giúp được chút gì đó cho các anh chị đồng môn. Thêm ý nữa, vì là người mới (F0) nên góc nhìn của mình cũng chưa được đầy đủ, rất mong nhận được sự đóng góp, ý kiến giúp đỡ của mọi người.
4. Nguồn bài viết
Bài viết được tác giả Quách Duy Long đăng trên cộng đồng đầu tư chứng khoán vào khoảng 7 tháng trước.
Cám ơn bạn đã chia sẻ
Cám ơn Sharkism đã chia sẻ 🙂
Thông tin rất hữu ích, cám ơn bạn
Mình có 1 thắc mắc là tại sao lại cần có môi giới mà người dùng lại ko tự giao dịch trên sàn được bạn nhỉ
Tất cả các công ty chứng khoán đều có 2 lựa chọn đó bạn: bạn có thể tự giao dịch hoặc là có chuyên viên môi giới tư vấn.
Nếu bạn cần chuyên viên môi giới thì bạn sẽ mất thêm phí cho nhân viên môi giới, thường là sẽ dựa trên % tổng giá trị giao dịch của bạn.
Bạn xem thêm về Sự khác biệt giữa Sàn giao dịch chứng khoán và Công ty chứng khoán, ở phần số 3, mình có giải thích về vấn đề này ấy.
Vai trò của nhân viên môi giới tư vấn sẽ là phân tích xu hướng thị trường, đưa thêm thông tin, lời khuyên ra vào lệnh…bạn đăng ký tài khoản sẽ có nhân viên liên hệ với bạn, mời bạn vào group zalo, đưa thông tin, ra vào lệnh trong đó sôi động lắm.
Nhưng với phương pháp đầu tư chứng khoán dành cho người chưa biết gì, mà cụ thể là phương pháp đầu tư thụ động (passive investing) thì bạn không cần phải có tư vấn viên đâu, bạn vẫn có thể tự mình giao dịch được ấy, tiết kiệm được một khoản rất lớn luôn ý.
Vâng bạn, chắc mình trải nghiệm trên crypto chỉ mất phí cho sàn thôi còn chưa trải nghiệm trên chứng khoán nên thấy lạ khoản phí môi giới, mình cảm ơn Sharkism tư vấn nha.
Không biết mức phí bạn cập nhật lâu chưa. Mình đang sử dụng dịch vụ của VND và MBS. Phí tự giao dịch ck cơ sở bên VND chỉ là 0.15%, còn bên MBS là 0.3%.
Cám ơn Hoang Tran, mình lấy chỉ số trên web của từng công ty, mình có để link trên đó. Mình sẽ check lại phần đó và update nếu dữ liệu đã cũ.
Một lần nữa cảm ơn bạn!
Mình có check lại, link trên web vndirect là link cũ/họ chưa update. Còn link mới thì đúng là phí 0.15% – 0.35%.
Còn bên MBS mình có xem tại đây Hiền ạ.
Biểu phí giao dịch chứng khoán tại MBS – KHCN
Chi tiết biểu phí giao dịch chứng khoán tại MBS bao gồm phí giao dịch chứng khoán cơ sở, phái sinh, phí lưu ký, phí đóng mở dịch vụ… tại Chứng khoán MB.
Bên MBS: 0.3% là dành cho dịch vụ có Borker và giao dịch dưới 100 triệu. 0.1% cho dịch vụ khách hàng chủ động giao dịch online.
Cảm ơn góp ý của bạn. Thực tế để so sánh chính xác cần ý kiến comment của mọi người mới biết rõ hay dở của từng bên, trên web chỉ tham khảo được 1 vài phần thôi ấy.
Cảm ơn chia sẻ của bạn, mình cũng đang dùng VPS mà không biết là giao dịch được lệnh 10cp, từ lúc nghe thông tin bock 100cp là chỉ đặt lệnh chẵn 100.
Cám ơn Sharkism đã tổng hợp và chia sẻ. Mình có tìm hiểu về các phí mà 1 NĐT phải trả cho 1 giao dịch ở hình dưới.
Có thể nói là các mức phí này sẽ khá lớn nếu NĐT thực hiện giao dịch khối lượng cao.
Giả sử NĐT H mua 30,000 cổ phiếu XXX giá 14,800đ (GTGD = 444 triệu đồng) tại sàn VPS. Và NĐT cũng nhận cổ tức 500đ/CP -> tổng cổ tức nhận 15,000,000VNĐ. Các loại phí mà NĐT sẽ phải trả bao gồm:
Tổng chi phí tối thiểu giao động từ 2.5 – 3 triệu, chưa tính khoản lỗ mà NĐT phải chịu nếu giá CP giảm so với giá mua của NĐT.
Vì vậy, khi vào lệnh đầu tư nên tính toán kĩ lưỡng để đảm bảo có lời và lường trước các loại phí có thể trả để tính khoản lời đúng đắn. Vào vô tội vạ mà lỗ là bể đầu nhé =)).
Ôi cám ơn chia sẻ của Jimmy nhiều lắm ạ.
Những thông tin này rất cần thiết cho những bạn mới bắt đầu tìm hiểu về chứng khoán luôn ý.
Một lần nữa, cám ơn Jimmy rất nhiều!
Cảm ơn anh đã chia sẻ, như trong khảo sát trên thì có vẻ như SSI là công ty môi giới hợp lý nhất để lựa chọn?
Xin chào Selena.
Mỗi công ty có 1 tiêu chí khác nhau, phù hợp với từng nhóm khách hàng bạn ạ. SSI tính năng đơn giản, tiện dùng, TCBS tính năng nhiều, kết hợp với các gói tiết kiệm ngân hàng trường hợp tiền trong tài khoản để không….
Tuỳ theo nhu cầu để lựa chọn công ty phù hợp bạn ạ.
Chúc bạn tìm được công ty phù hợp và có những khoản đầu tư thành công!
Cám ơn Sharkism nhiều nè, chúc ad cũng có những khoản đầu tư thành công nhé.
Em cảm ơn Sharkism nhiều ạ, em đã có nhiều thông tin tổng hợp cực bổ ích khi tham khảo các bài của ad.
Ngoài ra hiện em đang dùng VND nên em bổ sung thêm 1 điểm là ở VND thì khách hàng độc lập tự đầu tư hay khách hàng có sử dụng dịch vụ DAC- giao dịch chủ động có tư vấn, thì đều phí là 0.15%/1 giao dịch. DAC thì hàng ngày nhận được thông tin trên group zalo và báo cáo thị trường của môi giới ạ.
Do em cũng mới đầu tư và ban đầu cũng băn khoăn nên chọn công ty môi giới nên cũng đang tìm thêm 1 công ty khác tối ưu chi phí hơn để thực hiện giao dịch chứng chỉ quỹ ETFs.
Xin chào Van Van.
Về CCQ ETF thì không cần đến DAC bạn ạ, nếu bạn ưu tiên về phí thì mình thấy có TCBS được nhiều nhà đầu tư lựa chọn đó, bạn tham khảo nhé!
Cho mình hỏi “đơn vị giao dịch” của VPS chỉ là 10 trong khi các cty còn lại đều là 100, vì sao lạ vậy ạ? Tức là nếu mình có 110 mã MWG thì mình hoàn toàn bán được hết nếu mình dùng VPS ạ?
Đúng rồi đó Tony ơi, sorry vì đoạn trên mình viết hơi khó hiểu.
Mình giải thích lại đoạn này như sau:
Giống như bạn đi rút ATM, bạn phải rút số tiền với bội số là 50,000 VND. Với chứng khoán ở tại thị trường Việt Nam , theo quy định bạn phải mua/bán theo số lượng với bội số là 100 (gọi là block, hay “lô”).
Như trên mình có đề cập, đây là quy định của 3 sàn HOSE, HNX và cả UPCoM – để giảm tải số lượng lệnh cho hệ thống (không biết còn lý do khác không?).
Còn VPS (mình không chắc nhưng VPS giới thiệu công nghệ này trên thị trường chỉ có duy nhất VPS cung cấp, nhưng hôm trước có anh comment có cả TCBS nữa hay sao đó), họ vẫn tuân theo quy định như vậy, nhưng họ dùng công nghệ để gom các lô lẻ lại, gọi là Lệnh FS, sau khi đủ lô thì họ đẩy lên Sở thôi.
Ví dụ: Bạn đặt lệnh mua cổ phiếu công ty X của anh Sharkism đầu tư là 110 cổ phiếu với giá 85,000/cp.
Hệ thống VPS sẽ tự động phân tách ra là 2 loại:
100 cp cho lệnh thường – phần này đủ lô, tự động hệ thống đẩy lên Sở.
10 cp cho lệnh FS – phần này được xếp hàng, khi đủ chẵn lô sẽ được đẩy lên Sở.
Ồ hay quá. Mình cảm ơn ad. Mình cũng dự định chuyển từ VNDIRECT sang VPS vì phí giao dịch, nay có cái này nữa thì chắc rút chuyển sang dần.