Review sách Tiền Đẻ Ra Tiền (How To Be Smart With Your Money – Duncan Bannatyne)

Review sách Tiền Đẻ Ra Tiền (How To Be Smart With Your Money – Duncan Bannatyne) – Rất hay, nên đọc để xây dựng tài chính cá nhân – Góc nhìn của Clever Girls.

review-sach-tien-de-ra-tien

Chào mọi người, hôm nay mình sẽ giới thiệu cho mọi người cuốn sách khá hay về tài chính cá nhân, cuốn Tiền Đẻ Ra Tiền.

Khi mình đăng video review sách Tiền Đẻ Ra Tiền này trên Youtube có một bạn vào comment là cuốn sách khá chung chung. Bản thân mình muốn chia sẻ một tí, vì lúc đầu mình cũng không đánh giá cao cuốn này. Cho đến khi đụng một số việc trong công việc và phát hiện ra cuốn sách Tiền Đẻ Ra Tiền này nói chuẩn quá nên phải lôi ra đọc lại.

Và khi đọc lần hai thì hiểu hơn được về tinh thần và giá trị của cuốn sách. Vậy nên mình muốn giới thiệu cuốn sách Tiền Đẻ Ra Tiền này đến cho mọi người. Và hy vọng nếu ai đã đọc cuốn sách này và thấy bình thường, sau khi đọc review của mình sẽ có động lực đọc lại hoặc nhìn lại cuốn sách Tiền Đẻ Ra Tiền này ở những góc nhìn khác.

Review sách Tiền Đẻ Ra Tiền (How To Be Smart With Your Money – Duncan Bannatyne): Rất hay, đọc để biết cách quản lý tài chính cá nhân và tìm ra hành trình tự do tài chính

Trước khi review sách Tiền Đẻ Ra Tiền mình sẽ nói sơ qua về tác giả. Tác giả của cuốn sách Tiền Đẻ Ra Tiền là Duncan Bannatyne, sinh ra trong một gia đình khốn khó, mãi tới năm 30 tuổi tác giả cũng chưa có nổi tài khoản tiết kiệm ngân hàng. Tới lúc đó, khi đã có vợ và con, tác giả muốn vợ và con mình có một mái nhà để ở và muốn có cuộc sống tốt hơn.

Từ đó tác giả quyết tâm kiếm tiền. Tác giả bắt đầu bằng việc mua một xe kem cũ sửa lại đi bán, sau đó tiếp tục mua nhiều xe kem và mở rộng kinh doanh. Khi đã có vốn liếng, tác giả bắt đầu kinh doanh nhà dưỡng lão và tới nay thì trở thành triệu phú ở Anh.

Tại sao phải nói về câu chuyện tác giả ở đây? Vì muốn chia sẻ với mọi người hai điều. Thứ nhất, vì là một người từng trải qua cảnh khốn khổ, có xuất thân bình thường, nên tác giả của cuốn sách Tiền Đẻ Ra Tiền sẽ thấu hiểu và đưa ra lời khuyên chính xác hơn cho người đọc.

Thứ hai, là muốn mọi người lạc quan, dẫu bây giờ tình huống có đang khó khăn bộn bề thì chúng ta có thể lấy tác giả làm gương, 30 tuổi vẫn chưa muộn để xây dựng cuộc đời.

Về cách viết, sách Tiền Đẻ Ra Tiền viết gãy gọn, đi thẳng vào vấn đề. Mỗi lập luận mở cho từng chương đều được giải quyết ngắn gọn, cụ thể và rõ ràng. Về hình thức, giống như cuốn 7 phương pháp đầu tư của Warren Buffett, cuốn sách này cuối mỗi chương đều có phần tóm lại nội dung chính trong chương. Và kế tiếp đó còn có action plan để kiểm tra xem người đọc có thực sự nắm và hiểu được nội dung của chương hay không. Đa số các Action Plan là các câu hỏi để người đọc tự kiểm tra lại kiến thức.Ví dụ như, bạn hiểu tiền với bạn là gì? Theo bạn như thế nào là nợ xấu, như thế nào là nợ tốt? Bạn đang có những khoản nợ nào?

1. Tóm lược phần mục lục của sách Tiền Đẻ Ra Tiền

Về phần nội dung, sách có 5 phần chính, trong đó, mỗi phần gồm nhiều chương nhỏ. 5 nội dung chính của sách gồm:

  • Phần 1: Lý thuyết tiền tệ
  • Phần 2: Kiếm tiền nhiều hơn
  • Phần 3: Chi tiêu
  • Phần 4: Vay mượn
  • Phần 5: Tiết kiệm
  • Phần 6: Kế hoạch

Với mình cả 6 phần này là nền tảng mà nếu bạn bắt đầu xây dựng tài chính cá nhân cần nắm rõ. Ở đây trong bài review về sách Tiền Đẻ Ra Tiền, mình sẽ đi qua từng phần với những điểm mình tâm đắc nhất.

2. Chương 1: Lý thuyết tiền tệ

Mình hiểu được đây là chương thiết lập cho bạn tư duy đúng đắn về tiền bạc. Ở đây mình muốn chia sẻ một thái độ rất hay mà tác giả đưa ra: Hãy thôi lo lắng hay mơ mộng về tiền, mà hãy nghĩ về nó. Vì căn bản mơ mộng hay lo lắng sẽ chẳng dẫn đến kết quả nào cả, chỉ có việc nghĩ đến tiền và hành động thì mới cho ra kết quả.

Kế đến phải kể tới môt câu nói khá hay khác, chúng ta đã quá quen với câu: Quan trọng không phải bạn làm ra bao nhiêu, mà bạn giữ lại bao nhiêu, thì đọc xong cuốn sách Tiền Đẻ Ra Tiền này bạn sẽ có thêm được một câu nói mới: Quan trọng không phải kiếm nhiều hơn, mà là sử dụng chúng như thế nào.

Ở chương 1 tác giả cũng đi sâu sát vào những câu hỏi mà mỗi người phải hỏi bản thân như:

  • Bạn có bao nhiêu tiền.
  • Bạn cần bao nhiêu tiền.
  • Bạn có thể kiếm thêm từ đâu?
  • Bạn quản lý tiền kiếm được tốt hơn bằng cách nào?

Sau khi trả lời các câu hỏi đó, tác giả đi sâu sát vào nhóm câu hỏi cụ thể hơn:

  • Bạn có kiếm đủ tiền không?
  • Bạn đang vay tiền với lãi suất thấp nhất chưa?
  • Trong tuần/tháng/năm bạn ưu tiên cho việc gì?
  • Những khoản nào có thể phát sinh trong tương lai gần?

Kế đó sẽ đi chi tiết hơn:

  • Năm sau cuộc sống của bạn như thế nào?
  • Cuộc sống của bạn như thế nào trong 5 năm nữa?
  • Bạn khao khát sống theo phong cách sống nào?
  • Bạn muốn nghỉ hưu như thế nào?

Sau khi trả lời những câu hỏi đó, bạn sẽ tiến đến bước tiếp theo là lập ngân sách. Ở đây ngân sách phải được lập theo kế hoạch ngắn hạn và dài hạn. Đây là điểm mà mình chưa tìm thấy ở các cuốn sách khác là đưa việc lập kế hoạch tài chính cá nhân như việc làm của một doanh nghiệp, có ngắn hạn dài hạn, có ưu tiên mục tiêu. Ở đây một khi xác định rõ kế hoạch ngắn hạn và dài hạn thì bạn sẽ dễ theo và kiểm soát được tình hình tài chính của mình hơn. Và điều quan trọng là một khi đã lập kế hoạch, cần phải có kỷ luật và thường xuyên xem xét để đảm bảo mình luôn đi đúng kế hoạch.

Một điểm khi bàn về tiền bạc phải nhắc đến là đồng tiền sử dụng đúng cách sẽ có giá trị hơn chính đồng tiền đó nhưng sử dụng sai cách. Nghĩa là như thế nào? Tức cùng một mệnh giá, nếu bạn bỏ 1 triệu để đi học và rất có thể khóa học giúp bạn thăng tiến thì 1 triệu đó có giá trị hơn 1 triệu để mua sắm hay ăn uống. Hoặc nếu bạn quyết định dùng 500K để tham gia vào một buổi networking event, mà tại đó bạn gặp được những người tiềm năng có khả năng mang deal làm ăn về hoặc gặp gỡ những người mở ra cơ hội làm việc tốt hơn, thì 500K đó sẽ rất rẻ.

Ở chương 1 tác giả cũng bàn về một chủ đề rất mới đó là chu kỳ. Mình phải nói thêm là trong cuốn sách này có 3 biểu đồ chu kỳ mà mình rất tâm đắc, và khuyến khích mỗi bạn tìm hiểu và tự ngẫm, tự áp dụng cho cuộc đời mình. Ở chương 1 tác giả bàn về chu kỳ kinh tế và chu kỳ cá nhân.

Mọi nền kinh tế đều có chu kỳ của nó, và từng thị trường sẽ có những chu kỳ riêng như chu kỳ chứng khoán, chu kỳ bất động sản, hoặc gần đây thì mình đang tìm hiểu về chu kỳ coin chẳng hạn. Tương tự đời người cũng có chu kỳ, chúng ta có chu kỳ lúc làm được nhiều tiền nhất, và lúc không còn khả năng lao động nữa.

Vậy phải chú ý cả hai chu kỳ này để kiểm tra xem liệu vào lúc nghỉ hưu, chúng ta có rơi vào thời kỳ suy thoái kinh tế hay không? Nếu nó rơi vào thời kỳ suy thoái kinh tế thì phải như thế nào? Ví dụ như bây giờ bạn để dành tiền nghỉ hưu vào thị trường chứng khoán đi chẳng hạn, nếu lỡ lúc bạn về già, thị trường chứng khoán suy thoái thì sẽ làm sao? Đây là những điều mà chương 1 nêu ra để làm rõ.

tien-de-ra-tien-bieu-do-chi-tieu-tron-doi

Hình 1: Biểu đồ chi tiêu trọn đời. @Tiền Đẻ Ra Tiền

3. Chương 2: Kiếm tiền

Trong toàn bộ cuốn sách Tiền Đẻ Ra Tiền, mình đánh giá cao chương này nhất vì nó đi sâu sát vào tình hình thực tế của đa số mọi người – chúng ta làm công ăn lương. Vậy với những người đi làm công ăn lương khi nói về kiếm tiền, ta phải chú ý điều gì?

Đã bao lâu rồi bạn chưa kiểm tra và nghiên cứu mức lương trên thị trường xem liệu mình có đang bị trả lương thấp hay không? Đây là vấn đề rất thực tế, bản thân mình cũng đã chứng kiến nhiều người cùng một vị trí và công việc nhưng người vào sau có mức lương cao hơn người trước rất nhiều, vì lúc này thị trường lương đã thay đổi.

Bạn đã đến lúc tăng lương hoặc thăng tiến lên hay chưa? Với những ai đi làm chắc chắn sẽ hiểu điều này. Làm lâu năm tại một công ty nhưng không được tăng lương và cũng không được thăng tiến sẽ tạo sức ì và khiến bạn khó có bức phá về tài chính cũng như sự nghiệp. Vậy phải chăng đã đến lúc bạn đề nghị được tăng lương hoặc có kế hoạch khác cho sự nghiệp của mình?

Bạn có xem xét trên thị trường để nắm được tiềm năng nghề nghiệp của mình như thế nào không? Liệu nghề bạn đang làm có tiềm năng phát triển, tạo nên thu nhập tốt hay không?

Sự tiến triển trong nghề nghiệp của bạn sẽ như thế nào. Ở đây với người đi làm sẽ có hai con đường phát triển: Hoặc bạn đi lên các vị trí quản lý, hoặc bạn làm chuyên môn hóa, trở thành người quan trọng trong lĩnh vực đó. Cả hai con đường này sẽ giúp bạn thăng tiến trong sự nghiệp.

Trong chương 2 này, tác giả giới thiệu tiếp một biểu đồ chu kỳ làm việc của đời người mà theo đó, ở một độ tuổi nhất định, con người sẽ đạt được đỉnh cao sự nghiệp.

Ví dụ như theo thống kê chính phủ Anh: “Khảo sát thường niên về việc làm & thu nhập (2008), có được biểu đồ sau:

tien-de-ra-tien-bieu-do-thu-nhap-tron-doi

Hình 2: Biểu đồ sự nghiệp của nam ở Anh (2008). @Tiền Đẻ Ra Tiền

Theo đó, ở nam đỉnh cao sự nghiệp từ 40-49 tuổi, còn ở nữ từ 30-39 tuổi. Sau khoản thời gian này, thu nhập sẽ đi xuống và khó tạo bức phá. Mình hy vọng biểu đồ sự nghiệp này sẽ giúp các bạn, nhất là các bạn trẻ suy nghĩ kỹ hơn về con đường của mình. Mình sẽ nói kỹ hơn về vấn đề này ở chuỗi bài hướng nghiệp dành cho các bạn trẻ.

Vậy câu hỏi đặt ra nếu bỏ lỡ thời điểm vàng này thì sao? Theo tác giả, đa số mọi người đều bỏ lỡ thời điểm vàng. Một khi bỏ lỡ, có thể kiếm thêm tiền bằng cách tham gia đầu tư chứng khoán, bất động sản, kinh doanh… để tăng thêm thu nhập.

4. Chương 3: Chi tiêu & Chương 4: Vay mượn

Chương chi tiêu chủ yếu tác giả sẽ đề cập đến cách bạn chi tiêu như thế nào, liệu đó có phải là sự chi tiêu hợp lý hay không. Ví dụ, với mỗi món đồ, bạn cần suy nghĩ xem nó đáng giá bao nhiêu? Với bạn nó đáng giá bao nhiêu? Bạn có thể thương lượng giá của nó không? Người bán cho bạn họ thu lợi bằng cách nào? Và luôn ghi nhớ, việc chi tiêu là công việc trọn đời.

Ở chương vay mượn, không có gì lưu ý nhiều ngoài việc phân biệt giữa nợ tốt và nợ xấu và kiểm tra xem bạn đang có những khoản nợ nào.

5. Chương 5: Tiết kiệm và đầu tư

Phần tiết kiệm, tác giả đưa ra con số ngạc nhiên khi có đến 40% người Anh không có dự phòng tài chính. Đây là một trong những điểm rất quan trọng, mình có chia sẻ một bài rất cụ thể về Quỹ dự phòng khẩn cấp, những bạn chưa có quỹ dự phòng khẩn cấp cho mình thì cần phải xây dựng ngay.

Phần đầu tư là phần mà mình thấy các bạn có thể học hỏi được rất nhiều. Trước hết là phần chiến lược đầu tư. Mỗi người nên xây dựng một chiến lược đầu tư riêng cho mình. Theo đó có 3 loại chiến lược đầu tư bạn có thể tham khảo:

  • Dàn trải lợi nhuận: Lựa chọn kênh đầu tư dàn trải thành các khoản ngắn hạn, trung hạn và dài hạn. Chọn những khoản đầu tư an toàn để đầu tư dài hạn và trung hạn cho những kênh ít rủi ro. Cuối cùng ngắn hạn cho những lựa chọn rủi ro hơn. Với lựa chọn ngắn hạn, bạn có thể mua đi bán lại ở những thời điểm cơ hội nhất, sẽ kiếm được nhiều tiền.
  • Dàn trải đầu tư: Chia tiền nhỏ ra thành cách khoản đầu tư khác nhau. Ví dụ, với tác giả là đầu tư vào bất động sản (ngôi nhà đang ở), sau đó đi đầu tư vào thị trường chứng khoán, kết hợp quỹ và các lĩnh vực khác nhau.
  • Dàn trải rủi ro: Dàn trải các kênh đầu tư có tỷ lệ rủi ro từ thấp đến cao.

6. Chương 6: Lập kế hoạch

Ở chương này, Tác giả sẽ hướng dẫn các bạn từng bước lập kế hoạch. Mình nghĩ với những bạn mới đọc qua, có thể thấy khá vụn vặt, nhưng là người đã đi tìm hiểu về tài chính cá nhân trong một thời gian qua, mình phát hiện được bạn phải bắt đầu từ những thứ nhỏ nhặt này để có thể đi lên. Và dù nó nhỏ, nhưng nếu bạn không bắt đầu làm thì bạn sẽ không tiến được. Phần này tác giả có vẽ mẫu một bảng lập kế hoạch cá nhân, bạn có thể tham khảo.

Và cuối cùng, là biểu đồ cuối cùng trong 3 biểu đồ mà mình nhắc đến ở đầu bài. Biểu đồ của cải trọn đời của ba người khác nhau:

tien-de-ra-tien-bieu-do-cua-cai-tron-doi-1

Hình 3: Biểu đồ của cải của những người bắt đầu đầu tư. @Tiền Đẻ Ra Tiền

tien-de-ra-tien-bieu-do-cua-cai-tron-doi-2

Hình 4: Biểu đồ của cải của người có đầu tư vào quỹ IRA. @Tiền Đẻ Ra Tiền

tien-de-ra-tien-bieu-do-cua-cai-tron-doi-3

Hình 5: Biểu đồ của cải trọn đời của chính tác giả cuốn sách. @Tiền Đẻ Ra Tiền

Tác giả có cái kết rất hay khi chia sẻ câu chuyện đời mình và biểu đồ thu nhập của bản thân để nói với mọi người, dù bắt đầu trễ nhưng nếu có mục tiêu và có cố gắng vẫn có thể làm được.

Trên đây là review rất chi tiết của mình về cuốn sách Tiền Đẻ Ra Tiền. Bản thân mình đã đọc cuốn sách này đến 2 lần và thực sự tâm đắc, muốn giới thiệu đến mọi người.

7. Nguồn bài viết

Đây là bài viết review về cuốn sách Tiền Đẻ Ra Tiền (How To Be Smart With Your Money – Duncan Bannatyne) của Clever Girls đăng trên clevergirlsnow vào ngày 10 tháng 07 năm 2021.

Sharkism xin cám ơn và chúc các bạn nhiều sức khỏe !
0 0 votes
Đánh giá bài viết
Subscribe
Notify of
guest

0 Comments
Inline Feedbacks
Xem tất cả bình luận