Một cuộc đời đáng sống | A life well lived (Phần 2)

[Phần tiếp theo] Mình đã tình cờ nghe được podcast của anh Ngọc Hiếu khi chia sẻ về 4 chữ A Life Well Lived này. Đây thật sự là một podcast rất hay, mình xin chia sẻ lại dưới dạng bài viết (có thêm thắt vài ý của mình) để các bạn tham khảo. Link podcast gốc của anh Hiếu thì mình sẽ để ở cuối bài nhé.

Xem thêm Một cuộc đời đáng sống | A life well lived (Phần 1)

3.1.2. Đầu tư vào kiến thức, vũ khí tối tượng giúp bạn chiếm ưu thế trên mọi mặt trận

Điều thứ hai mà chúng ta bắt buộc phải trang bị, đó là kiến thức. Về khía cạnh này thì chắc là tôi không cần phải nói quá nhiều vì ai cũng biết tri thức là một điều cực kì quan trọng trong cuộc đời.

Chúng ta phải xây dựng một tinh thần là luôn luôn học hỏi, luôn luôn tự làm mới mình. Đặc biệt là ở trong thời đại mà chúng ta đang sống thì việc tiếp cận với tri thức được mở ra cho tất cả mọi người, không phân biệt giàu nghèo, tuổi tác, giới tính (như hồi xưa là phụ nữ không được học, việc học hành thi cử là của đàn ông),….

Chỉ cần một cái máy tính hoặc thậm chí là một cái điện thoại có kết nối internet thôi là đủ. Sân chơi kiến thức bây giờ công bằng hơn rất là nhiều rồi, do đó chúng ta chỉ cần xây dựng được một tinh thần luôn luôn cầu tiến và có những phương thức học hỏi và nghiên cứu sao cho hiệu quả là từ đó chúng ta có thể nghiên cứu bất cứ lĩnh vực gì nào mà mình muốn.

Tuy là tôi để giai đoạn học hỏi và trau dồi kiến thức nằm ở trong giai đoạn từ 18 đến 35 tuổi nhưng mà thật ra thì việc học là việc mà chúng ta nên làm cả đời. Tôi để nó gói gọn trong giai đoạn này vì đây là thời điểm mà các bạn dễ học hỏi và tiếp thu nhất, càng về sau thì do vấn đề về tuổi tác, về thời gian, công việc, gia đình … nên việc học hỏi có thể không còn tốt như trong giai đoạn này nữa, nhưng nếu còn có thể học được thì hãy cứ cố gắng học thêm thật nhiều kiến thức càng tốt nhé.

3.1.3. Đầu tư về tài chính, nguồn lương thảo nuôi dưỡng đội quân của bạn

Tiếp theo, điều quan trọng khác mà chúng ta cần phải tiến hành càng sớm càng tốt đó là hành trình tự do tài chính và chúng ta nên thực hiện cái việc này ngay khi vừa bước ra đời. Khi mà có đồng lương đầu tiên thì phải bắt tay ngay vào công việc tích lũy và đầu tư.

Xem hành trình tự do tài chính cụ thể tại đây.

Bước đầu tiên của hành trình tự do tài chính đó là chúng ta phải tự nuôi được bản thân mình. Nghĩa là phải thoát ra được sự phụ thuộc vào gia đình, nên dù các bạn có đi học đại học hay không thì ngay sau 18 tuổi , hãy đi làm để mà được độc lập về tài chính. Để mà độc lập được thì các bạn cơ bản chỉ cần lo được cho bản thân mình là xong, và cái việc này hoàn toàn không khó.

Các bạn chỉ cần cơ bản đi làm một việc gì đó là được, và sau khi tự nuôi được bản thân mình thì các bạn phải ngay lập tức bắt tay vô hành trình tích lũy và xây dựng tự do tài chính cho bản thân mình.

Như chúng ta đã biết, nếu có phương pháp thực hiện đúng thì trung bình một hành trình tự do tài chính sẽ mất đâu đó khoảng trên dưới 10 năm, và trong mô hình này thì chúng ta có tổng cộng 17 năm nên tôi tin là với một tư duy đúng kết hợp với sự kiên trì và có những phương pháp đúng thì cái khoảng thời gian 17 năm này chắc chắn là sẽ đủ để chúng ta đến được cái tự do tài chính.

Đó là lý do mà chúng ta nên bắt đầu hành trình tài chính sớm nhất có thể và hành trình này nó bắt đầu từ việc là chúng ta tự đi làm. Đi làm ngoài việc là nó giúp cho các bạn có được tài chính để tự chu cấp cho bản thân mình thì các bạn sẽ tích lũy được vô số những vốn sống quý giá khác, và những vốn sống này sẽ là nền tảng để xây dựng nên những tư duy vững chắc cho cuộc đời của chúng ta sau này.

Hãy tham khảo thêm cách đầu tư chứng khoán cho người chưa biết gì.

3.1.4. Đầu tư phát triển tư duy, nền tảng và là tấm khiên vững chắc chống đỡ thành trì của bạn

Từ đầu đến giờ, tôi luôn nhắc đến hai chữ TƯ DUY, tôi thì tôi luôn tin là tư duy là điều rất là quan trọng. Cứ như vậy trong suốt khoảng thời gian này thì chúng ta chỉ cần tập trung đầu tư vào 4 khía cạnh này thôi, đó là trải nghiệm (experience), kiến thức (knowledge), tài chính (finance) và tư duy (mindset).

Tôi gọi bốn khía cạnh này là những vốn sống. Cứ liên tục như vậy, càng ngày càng tích lũy được nhiều vốn sống thì chúng ta sẽ dần dần hiểu rõ hơn bản thân mình là ai và mình muốn gì. Rồi từ đó chúng ta sẽ dần dần bắt đầu mường tượng ra được bức tranh mà mình muốn cho cuộc đời của mình nó sẽ trông như thế nào.

Bây giờ thì chúng ta hãy nhìn lại tổng quát những cái gì mà chúng ta đã xây dựng được ở trong cái khoảng thời gian 17 năm này. Đầu tiên đó là vô số những trải nghiệm mà chúng ta đã tích lũy được trong suốt một khoảng thời gian rất là dài. Bên cạnh đó là một loạt những kiến thức sâu rộng mà chúng ta đã liên tục học hỏi và hoàn thiện bản thân mình.

Rồi chúng ta cũng đã xây dựng được một loạt những tư duy vững chắc cho bản thân, ví dụ như là tư duy về tự do tài chính, tư duy biết đủ, tư duy tự do khỏi vật chất,… để chúng ta liên tục trải nghiệm và đón nhận những cái mới. Rồi tư duy về sự kiên trì và không có bỏ cuộc, làm cái gì thì cũng làm tới nơi tới chốn và rất là nhiều những tư duy khác nhau.

Thông qua quá trình liên tục trải nghiệm và học hỏi này, sau lưng chúng ta khi đó là một tấm lá chắn cực kì chắc chắn của sự tự do tài chính. Từ nay thì cuộc sống của chúng ta đã không còn phải chịu sự ảnh hưởng của tiền bạc nữa, và quan trọng nhất, trước mặt chúng ta là la bàn, chính là bức tranh mà mình đã phác thảo sơ bộ về cuộc đời mà mình muốn nó sẽ trông như thế nào.

Lúc này là lúc mình đã biết rõ mình muốn làm gì và điều gì sẽ mang lại hạnh phúc nhất cho mình. Với những nền tảng như vậy, từ nay chúng ta có thể tự do tận hưởng cuộc đời theo bất kỳ cách nào mà mình muốn.

Giả sử nếu chúng ta thích xây dựng gia đình thì chúng ta hoàn toàn có thể xây dựng gia đình với một nền tảng tài chính vững chắc của sự tự do tài chính. Điều đó sẽ cho phép chúng ta chu cấp cho gia đình mình một cuộc sống rất là tươm tất. Bên cạnh đó, với những tư duy mà chúng ta đã xây dựng được thì đó sẽ là một chỗ dựa rất là vững trãi cho gia đình của chúng ta.

Ngoài ra, với lượng kiến thức sâu rộng mà chúng ta đã tích lũy được thì chúng ta có thể truyền đạt và nuôi dạy con cái một cách tốt nhất. Với những nền tảng như vậy thì chúng ta có thể hoàn toàn yên tâm để tận hưởng cuộc sống gia đình cùng với gia đình nhỏ của mình, tận hưởng cuộc sống tới những cung bậc hạnh phúc nhất.

Còn giả sử cuộc sống gia đình không phải là lựa chọn của chúng ta, giả sử nếu mà chúng ta thích kinh doanh hay làm việc thì chúng ta hoàn toàn có thể tự do thoải mái kinh doanh và làm việc theo ý mình. Khi đó chúng ta kinh doanh với tâm thế là mình vẫn còn những tấm lá chắn an toàn ở phía sau. Với tâm lý như vậy thì chúng ta có thể dễ dàng chơi những game rủi ro nhất mà vẫn không thấy sợ bất cứ điều gì.

Chúng ta có thể dễ dàng mạo hiểm hơn những người đang cầm sổ đỏ của gia đình ra để mạo hiểm, năm ăn năm thua, lỡ mà thua là cả gia đình ra đường. Tôi không tin là trong một ván bài, những người đó sẽ là những người có lợi thế. Họ sẽ luôn luôn phải thương lượng ở trong những vị trí yếu thế hơn.

Chưa kể là ngoài tài chính ra thì phía sau lưng của chúng ta là một loạt những kiến thức nền tảng vững chắc, những tư duy hữu ích thì cái game kinh doanh của chúng ta lúc này sẽ rất là thú vị. Và điều quan trọng đó là trong suốt cả hành trình này, dù có đi lên hay đi xuống thì chúng ta vẫn luôn luôn ở trong trạng thái tận hưởng.

Chưa kể là với những sự tự do mà chúng ta đã xây dựng thì chúng ta hoàn toàn có thể chơi nhiều trò cùng một lúc mà chúng ta vẫn có thể chơi tốt và tận hưởng nó. Chúng ta có thể cùng lúc chơi cả game kinh doanh và game gia đình, và chắc chắn là với cái nền tảng của sự đam mê, về kiến thức, tài chính và tư duy mà chúng ta đã xây dựng được thì cả hai game này chúng ta đều có thể chơi ở mức xuất sắc nhất, thậm chí là nhiều hơn nữa thì chúng ta vẫn có thể chơi tốt.

3.2. Giai đoạn 2: Tận hưởng và chia sẻ

Đây chính là giai đoạn mà chúng ta có thể tận hưởng thành quả từ những năm tháng đầu tư và gieo trồng của mình. Nhờ có những năm tháng đầu tư đó mà giờ đây chúng ta có thể rảnh tay để đi tìm hạnh phúc cho mình. Chúng ta hoàn toàn có được cái tự do để đi làm bất cứ điều gì mà giúp cho bản thân mình cảm thấy hạnh phúc.

Dần dần những hạnh phúc này sẽ càng ngày càng lớn và nó sẽ đưa chúng ta bước vào những tầng cao nhất của tòa tháp hạnh phúc, đó là khi mà chúng ta bắt đầu đi tìm tới những niềm vui mà vượt qua hạnh phúc cho riêng bản thân mình.

giai-doan-2-tan-huong-chia-se

Hình 3: Giai đoạn 2 – tận hưởng và chia sẻ. @Ngọc Hiếu

Khi mà chúng ta bắt đầu đi tìm hạnh phúc ở trong việc mang lại giá trị cho xung quanh. Đây là lúc mà chúng ta bắt đầu xây dựng thêm con đường thứ hai, đó là con đường chia sẻ. Chia sẻ lại hạnh phúc của mình cho người khác là lúc mà chúng ta bắt đầu có thể cho phép bản thân mình được nghĩ tới những di sản mà mình sẽ để lại sau khi mà chúng ta bước ra khỏi cuộc đời này.

Khi nhắc tới sự chia sẻ này thì có thể nhiều người sẽ nghĩ ngay tới khía cạnh từ thiện, nhưng thật ra thì sự chia sẻ có thể ở rất nhiều những hình thức khác nhau. Nó có thể là khoa học, khi mà chúng ta được tự do toàn tâm toàn ý vào việc nghiên cứu một giải pháp nào đó.

Hoặc có thể là lập ra những công ty hay một tổ chức nào đó để mà giải quyết một cái vấn đề nào đó cho xã hội. Hoặc nó có thể chỉ đơn giản là chia sẻ lại những kiến thức mà mình đã tích lũy được cho những người xung quanh, cho các thế hệ thế hệ trẻ hơn. Tóm lại, sự chia sẻ có thể ở bất kỳ các hình thức nào miễn là nó mang lại hạnh phúc cho chúng ta và mang lại giá trị cho người khác.

Lúc này có thể chúng ta sẽ giảm dần sự tập trung của mình vào những hoạt động chính xưa giờ và bắt đầu tập trung nhiều hơn vào các hoạt động chia sẻ này. Bởi vì một lý do đơn giản đây là lúc mà chúng ta bắt đầu đi tìm những tầng cao hơn của hạnh phúc và hành trình này có thể cũng sẽ có rất là nhiều gập ghềnh chứ không hẳn là êm xuôi.

Nhưng mà dù có gập ghềnh thì với những nền tảng mà chúng ta đang có, đó vẫn là hành trình rất là vui vẻ và hạnh phúc.

3.3. Giai đoạn 3: Chia sẻ và kế thừa

Rồi khi mà đã phát triển tới một cái tầm nào đó, sẽ là lúc mà chúng ta bắt đầu để chuẩn bị cho sự kế thừa, cho cả các hoạt động chính và các hoạt động cho đi này. Nếu mà các hoạt động chính là các hoạt động gia đình thì sự kế thừa sẽ là truyền lại cho con cháu mình sự khôn ngoan (wisdom) và những nguyên tắc (principle) mà mình đã dành cả một đời để thu thập và tích lũy được.

Tôi không có nói về việc mình sẽ để lại tiền bạc cho con cháu mình. Tôi có suy nghĩ là không có nên để lại tiền bạc cho con cháu mình, thay vì vậy chúng ta hãy để lại những bài học, những suy nghĩ, những cách tư duy về các phương pháp học tập để từ đó chúng nó có thể vạch ra con đường cho riêng mình.

Có những điều này thì con cháu mình có thể bắt đầu từ 0 đồng và từ đó chúng nó vẫn có thể có một cuộc đời thành công và hạnh phúc. Còn thiếu những điều này thì dù chúng ta có để lại bao nhiêu tiền đi nữa thì cũng chỉ hại tụi nó mà thôi.

Đó là trong trường hợp các hoạt động chính của chúng ta xoay xung quanh gia đình. Còn nếu các choạt động chính của chúng ta không phải là về gia đình mà là về doanh nghiệp chẳng hạn, thì đây sẽ là khoảng thời gian mà chúng ta chuẩn bị và đào tạo lại cho lớp lãnh đạo kế thừa để từ từ truyền lại cho họ những công việc tiếp nối mà chúng ta đã dành cả đời để phát triển.

giai-doan-3-chia-se-ke-thua

Hình 4: Giai đoạn 3 – chia sẻ và kế thừa. @Ngọc Hiếu

Tương tự như vậy, trong các hoạt động chia sẻ, tới một lúc nào đó thì chúng ta cũng sẽ bắt đầu chuẩn bị cho sự kế thừa. Bởi vì chúng ta đều muốn những hoạt động đó vẫn sẽ được tiếp tục sau khi chúng ta ra đi. Các mục tiêu chính của chúng ta trong giai đoạn này là tập trung vào việc xây dựng những sự chuyển giao này.

Sau khoảng thời gian đó là khoảng thời gian chúng ta bắt đầu mình lùi dần về phía sau để quan sát và hướng dẫn những người kế thừa, và từ từ chúng ta có thể lui lại nhìn mọi thứ tiếp tục hoạt động mà không có chúng ta.

Lúc này là lúc mà chúng ta có thể tổng kết lại những bài học, những kinh nghiệm, những sự khôn ngoan mà mình đã có. Vì với một cái cuộc đời như vậy thì chắc chắn đó sẽ là những bài học rất quý giá cho những thế hệ sau này.

4. Tận hưởng những năm tháng cuối cùng của cuộc đời

Sau khi mà đã làm xong tất cả các việc trên thì chúng ta có thể tận hưởng những khoảng thời gian còn lại của mình. Để rồi chúng ta nhẹ nhàng lướt qua cái mốc 70 và tận hưởng những năm tháng cộng thêm của mình, rồi mỉm cười chờ ngày mà chúng ta chia tay một cuộc đời đáng sống.

Trong bất kỳ một văn bản chính thức nào của nước Việt Nam mình thì cũng đều có một câu rất là hay, đó là độc lậptự dohạnh phúc. Và những gì mà tôi chia sẻ với các anh chị ngày hôm nay cũng xoay quanh cái câu nói đó. Ngay khi mà vừa bước vào cuộc đời thì chúng ta hãy cố gắng độc lập càng sớm càng tốt, bắt đầu từ cái việc độc lập về tài chính, tự lo được cho bản thân mình.

Rồi từ từ chúng ta độc lập về suy nghĩ, về kiến thức, về tư duy. Từ đó chúng ta xây dựng những nền tảng về tự do như tự do tài chính, tự do khỏi vật chất, tự do ở trong suy nghĩ và tự do được sống cuộc đời theo cách mình muốn mà không phải chịu sự ảnh hưởng của bất kì điều gì khác.

Khi mà đã có tự do thì đó sẽ là nền tảng vững chắc để chúng ta đi tìm hạnh phúc cho chính mình, và hạnh phúc dần dần sẽ dẫn chúng ta tới sự viên mãn.

so-do-loi-mon-cuoc-song

Hình 5: Độc lập – tự do – hạnh phúc trải đều trên bức tranh A Life Well Lived. @Ngọc Hiếu

Nhưng nhìn lại, kể cả ở trong giai đoạn đầu thì chính các hành trình hoàn thiện bản thân mình hàng ngày, chứng kiến những cái mà mình đang đầu tư, mình gieo trồng nó lớn dần lên, dần dần nó đưa mình tới các mục tiêu mà mình muốn, thì tất cả những điều đó cũng sẽ mang lại rất nhiều hạnh phúc cho chúng ta.

Kết quả là chúng ta sẽ có một cuộc đời toàn là hạnh phúc, một cuộc đời đáng sống, đáng sống không chỉ cho bản thân mình mà còn đáng sống cho cả xung quanh nữa.

“Leave this world a better place than we found it” – Sưu tầm.

Tạm dịch câu này là chúng ta phải làm sao để khi mà chúng ta rời khỏi thế giới này thì nó tốt hơn một chút so với khi mà chúng ta bước vô, và tôi tin đó là một đích đến mà ai trong chúng ta cũng muốn hướng tới, chỉ là đôi khi cuộc sống này quá khó khăn, nó cứ cuốn chúng ta theo những cái lo toan thường nhật nên nó không cho phép chúng ta được suy nghĩ tới những điều xa vời như vậy.

Những cái gì mà tôi chia sẻ trong cái tập ngày hôm nay đó là một gợi ý về một con đường khác mà trong đó chúng ta có thể loại bỏ những cái lối mòn và đi với con đường riêng của mình để sống một cuộc đời có ý nghĩa hơn.

Tôi chia sẻ con đường này không phải để các anh chị sống y chang theo công thức như vậy mà là để các anh chị có thể dùng nó như là những sự gợi mở, từ đó anh chị có thể gia giảm, thêm bớt sao cho phù hợp với con đường riêng của mình.

Tôi hi vọng là qua những gợi mở ngày hôm nay thì các anh chỉ có một sự mường tượng rõ ràng hơn về một con đường mà có thể là xác suất dẫn tới hạnh phúc nhiều hơn.

Cái mục tiêu cuối cùng là chúng ta phải làm sao để mà có được một cuộc sống hạnh phúc và viên mãn.

5. Nguồn bài viết

Dựa trên podcast của anh Ngọc Hiếu đăng trên website hieu.tv, bài viết này đã được mình chỉnh sửa lại cho phù hợp với cá nhân của mình, do đó đại từ xưng hô “tôi” trong bài là thay cho phát ngôn của mình chứ không phải của anh Ngọc Hiếu.

0 0 votes
Đánh giá bài viết
Subscribe
Notify of
guest

0 Comments
Inline Feedbacks
Xem tất cả bình luận