Mình đã có dịp đi dự nhiều đám tang, ngoài những nghi thức riêng biệt của từng tôn giáo. Nhìn chung, đám tang ở Việt Nam sẽ có truyền thống là những người tới dự sẽ ngồi lại với nhau, trò chuyện, ăn uống và chia sẻ cho nhau nghe về các câu chuyện xung quanh những còn đang sống.
Nhưng đa phần các đám tang, mọi người tập trung lại, rất ít nhắc đến người đã mất (nhân vật chính của đám tang). Có chăng thì chỉ là vài câu hỏi liên quan đến nguyên nhân ra đi, những câu chuyện về khoảng thời gian gần nhất trước khi người quá cố qua đời (tầm khoảng từ 1 đến 3 năm đổ lại).
Theo các tài liệu và các bộ phim mình đã xem về các đám tang của người Tây Phương, mình thấy họ sẽ quây quần lại với nhau, những người thân thiết nhất sẽ đứng lên và chia sẻ lại những kỷ niệm mà mình đã có với người quá cố. Thậm chí đối với những người đã gắn bó với người quá cố từ bé, họ có thể kể lại cuộc đời của người quá cố một cách rất chi tiết.
Tất nhiên những kỷ niệm thì cũng sẽ có kỉ niệm tốt và kỉ niệm xấu, nhưng sau tất cả các câu chuyện thì họ đều chốt lại một câu là “A life well lived” (một cuộc đời đáng sống).
Vậy một cuộc đời đáng sống là như thế nào, làm thể nào để có một cuộc đời đáng sống, và làm thế nào để khi bạn nằm xuống, những người còn lại có thể chia sẻ những kỉ niệm tốt đẹp về bạn nhiều hơn hẳn những kỉ niệm xấu.
Mình đã tình cờ nghe được podcast của anh Ngọc Hiếu khi chia sẻ về 4 chữ A Life Well Lived này. Đây thật sự là một podcast rất hay, mình xin chia sẻ lại dưới dạng bài viết (có thêm thắt vài ý của mình) để các bạn tham khảo. Link podcast gốc của anh Hiếu thì mình sẽ để ở cuối bài nhé.
4 chữ – A life well lived – nhưng nó cứ đọng lại mãi trong đầu tôi.
Nó làm cho tôi phải đặt một câu hỏi, đó là tôi muốn cuộc đời của mình sẽ trông như thế nào, để sau khi tôi nằm xuống thì tôi có thể mỉm cười là mình đã sống một cuộc đời đáng sống. Dần dần nó dẫn tôi đến một câu hỏi lớn hơn, đó là: “Tôi muốn câu chuyện cuộc đời của mình sẽ được kể lại như thế nào?”
Tôi sẽ chia tổng thể bức tranh A Life Well Lived thành 3 giai đoạn
1. Những năm đầu đời
Những năm tháng đầu đời này là những năm tháng đẹp nhất của con người, từ lúc bạn sinh ra cho đến khi bạn cán mốc 18 tuổi. Nhìn chung, nếu bạn sinh ra trong một gia đình bình thường thì những năm tháng này sẽ được trôi qua một cách êm đềm. Bạn sẽ không phải suy nghĩ bất kì điều gì về cuộc sống, tất cả đều đã có người thân lo hết.
“Nếu bạn sinh ra trong nghèo khó, đó không phải là lỗi của bạn. Nhưng nếu bạn chết trong nghèo khó, thì đó là lỗi của bạn.” – Bill Gates
Tôi đang xét đến một khía cạnh cuộc sống rất bình thường, trừ những trường hợp thật sự đặc biệt mà đẩy bạn vào vòng xoáy cuộc đời quá sớm thì những trường hợp bình thường khác sẽ đi qua 18 năm đầu đời này một cách bình yên nhất có thể (tôi sự rất nể phục những trường hợp đặc biệt đó).
Và trong 18 năm này, sẽ không có gì quá nhiều để nói về bạn, những vấn đề thật sự cần phải bàn là những gì xảy ra xung quanh bạn, từ môi trường đến con người (gia đình, bạn bè, trường lớp, …). Cuộc chiến thực sự sẽ bắt đầu khi bạn tròn 18 tuổi, và cột mốc mà mọi người sẽ nhắc đến, những câu chuyện cuộc đời về bạn sẽ được kể lại từ khi bạn chạm mốc tuổi này.
2. Tổng thể về bức tranh A Life Well Lived
Tôi sẽ chia tổng thể bức tranh A Life Well Lived thành 3 giai đoạn: đầu tư – tận hưởng và chia sẻ – chia sẻ và bàn giao.
Hình 1: Tổng thể bức tranh A Life Well Lived (sơ đồ lối mòn cuộc sống). @Ngọc Hiếu
Tuy nhiên tôi cũng nói thêm là chúng ta cũng đừng quá kỳ vọng là những gì mà bản thân mình vẽ ra ở đây sẽ như là một bức tranh cố định. Chúng ta đừng xem cái bản vẽ đó như một cái bản vẽ của một ngôi nhà, vẽ ra như thế nào thì sau này sẽ y chang như vậy. Bởi vì nếu như vậy thì cuộc đời của chúng ta cũng sẽ rất là chán.
Thay vì vậy, chúng ta hãy xem nó như một cái la bàn để chỉ cho chúng ta đi về một hướng nào đó. Trên hành trình đó thì chúng ta có thể rẽ ngang rẽ dọc tùy theo điều kiện và các biến cố trong các giai đoạn của cuộc đời. Nhưng nhờ cái la bàn đó thì tổng quát hành trình của chúng ta vẫn sẽ đi về một hướng nhất định, đó là hướng mà sẽ mang lại nhiều hạnh phúc nhất cho chúng ta.
Ở trong biểu đồ này thì tôi lấy các cột mốc về số tuổi như là một gợi ý chứ nó cũng không nhất thiết là phải cố định ở ngay thời điểm đó, vì mỗi người sẽ có một cách khác nhau để thực hiện hành trình của cuộc đời mình. Có thể hành trình sẽ ngắn hơn hoặc dài hơn tùy theo điều kiện của mỗi người.
3. Các giai đoạn trong một cuộc đời đáng sống
3.1. Giai đoạn 1: Đầu tư
Giai đoạn đầu tiên tôi gọi nó là giai đoạn đầu tư bởi vì theo suy nghĩ của tôi thì bất kỳ việc gì ở trên đời này cũng vậy, để có được trái ngọt thì chúng ta bắt buộc phải có những ngày tháng mà chúng ta chăm chỉ gieo trồng. Nói theo cái ngôn ngữ tài chính thì để mà có được những cái return (lợi tức tài chính) cao, những kết quả tốt thì chúng ta bắt buộc phải có những ngày thắt lưng buộc bụng để mà đầu tư.
Sẽ rất là bất hợp lý nếu chúng ta không bỏ công sức mà lại muốn có những trái ngọt sau này.
Hình 2: Giai đoạn 1 – đầu tư. @Ngọc Hiếu
Do đó ngay khi mà bắt đầu làm chủ cuộc đời mình, ngay sau cái năm 18 tuổi, thời điểm mà bạn nhận được cái chìa khóa tự do từ cha mẹ để bắt đầu tự lèo lái cuộc đời mình, thì đó là lúc chúng ta phải bắt đầu ngay vào giai đoạn đầu tư này. Vậy thì chúng ta đầu tư những cái gì ?
Theo tôi, chúng ta nên đầu tư vào bốn khía cạnh, đó là trải nghiệm (experience), kiến thức (knowledge), tài chính (finance) và tư duy (mindset). Bây giờ câu hỏi tiếp theo đó là cách nào là cách hiệu quả nhất để đầu tư vào 4 cái khía cạnh này ?
3.1.1. Đầu tư vào trải nghiệm, tìm cho bằng được đam mê của mình
Quay lại câu hỏi ban đầu “Tôi muốn câu chuyện cuộc đời của mình sẽ được kể lại như thế nào?”. Đây là một câu hỏi rất là quan trọng mà tôi nghĩ là ai trong chúng ta cũng nên tự đặt ra cho bản thân mình để từ đó thử đi tìm cho bằng được câu trả lời.
Bởi vì nếu chúng ta không tìm ra được câu trả lời cho câu hỏi này, nghĩa là chừng nào mà chúng ta còn chưa biết mình muốn cuộc đời mình sẽ ra sao thì chúng ta vẫn sẽ còn bước đi về phía trước một cách rất là loay hoay, quờ quạng.
Lúc đó chúng ta sẽ không biết là mình nên đi về đâu và khi mà không biết nên đi về đâu thì chúng ta sẽ rất dễ có xu hướng là đi theo những lối mòn, thấy người khác đi thì mình cũng đi và khi đi theo những lối mòn như vậy thì đó là lúc mà chúng ta bắt đầu phó mặc cuộc đời của chúng ta cho may rủi.
Nếu mà may thì lối mòn đó sẽ dẫn chúng ta tới những nơi mà mình hạnh phúc, còn không may thì nó sẽ dẫn chúng ta tới những điều mà chúng ta không muốn, đến khi nhận ra thì có khi là chúng ta đã đi gần hết cả cuộc đời rồi.
Do đó, theo tôi, một trong những mục tiêu quan trọng nhất là phải phác thảo ra được sơ bộ bức tranh mà mình muốn vẽ cho cuộc đời của mình. Nói một cách khác đó là chúng ta muốn cuộc đời của mình sẽ được kể lại như thế nào sau khi chúng ta nằm xuống.
Và theo tôi, cách hiệu quả nhất để trả lời các câu hỏi quan trọng này đó là chúng ta phải có thật là nhiều nguyên liệu, mà nguyên liệu ở đây chính là những cái điều sẽ làm cho chúng ta cảm thấy hạnh phúc, và càng nhiều những nguyên liệu này thì càng tốt.
Tại sao mà tôi lại nói như vậy, bây giờ các anh chị thử tưởng tượng rằng nếu chúng ta hỏi một nghệ sĩ Piano là họ muốn bức tranh cuộc đời của mình sẽ như thế nào thì chắc chắn câu trả lời của họ sẽ xoay quanh các hoạt động có liên quan đến Piano và âm nhạc.
Tương tự như vậy, nếu chúng ta đặt câu hỏi đó cho giáo sư Ngô Bảo Châu chẳng hạn, thì tôi đoán 90% câu trả lời sẽ là được sống cả cuộc đời để nghiên cứu về toán và làm những điều liên quan tới toán. Nhưng nếu chúng ta hỏi cùng câu hỏi đó với một người bạn trẻ vừa học xong cấp 3, chưa biết là mình thích gì và muốn gì thì chắc chắn sẽ rất là khó để mà các em có thể trả lời câu hỏi đó.
Vì thế nên câu hỏi “Tôi muốn câu chuyện cuộc đời của mình sẽ được kể lại như thế nào?” vừa là một câu hỏi khó nhưng nó cũng vừa là một câu hỏi dễ. Khó là nếu chúng ta không có nguyên liệu, nếu chúng ta không biết là mình thích gì, đam mê cái gì. Còn dễ là khi chúng ta đã biết rõ là mình đam mê cái gì, điều gì sẽ mang lại niềm vui và hạnh phúc cho chúng ta.
Nhưng mà đam mê thì nó như là ảo ảnh trong sa mạc vậy, ai cũng biết là mình cần nó, ai cũng muốn có nó nhưng mà để có nó thì không có dễ. Có những người đôi khi loay hoay cả cuộc đời mà họ vẫn không biết là mình đam mê cái gì.
Vậy thì câu hỏi tiếp theo là làm sao mà chúng ta tìm ra được đam mê của mình, thì theo tôi, cách duy nhất để có thể tìm lại được đam mê của mình đó là phải trải nghiệm cho thật nhiều, bởi vì sẽ rất là khó để chúng ta có thể đứng ở bên ngoài, chúng ta nhìn vô rồi xác định được là mình có thích hay là không thích một cái thứ gì đó hay không.
Cái cách duy nhất để biết được là mình có thích nó hay không đó là chúng ta phải trải nghiệm nó đủ lâu và đủ sâu. Tại sao mà tôi lại nói là đủ lâu và đủ sâu bởi vì trong đa số trường hợp, chúng ta chỉ có thể phát hiện ra là mình có thích một thứ gì đó hay không sau khi mà chúng ta đã trải nghiệm nó một cái thời gian đủ lâu.
Tôi lấy một ví dụ đơn giản là chơi đàn chẳng hạn. Thời gian đầu chúng ta tập đàn sẽ rất là dễ bỏ cuộc bởi vì chúng ta toàn phải học những thứ cơ bản và rất là khô khan. Rồi chưa kể là đàn hoài mà vẫn không có được một cái giai điệu nào. Cái khoảng thời gian này nó sẽ rất là chán. Nhưng mà nếu cứ tiếp tục tập thì từ từ anh chị sẽ bắt đầu đàn được và dần dần sẽ tìm thấy cái niềm vui ở trong đó.
Mà niềm vui đó sẽ lớn dần lên theo năm tháng và nếu nó vẫn tiếp tục phát triển như vậy thì có thể nó sẽ trở thành một niềm đam mê của các anh chị. Do đó nếu chúng ta bỏ cuộc quá sớm thì có thể các anh chị sẽ bỏ lỡ một cơ hội để phát hiện ra một niềm đam mê nào đó của mình.
Nhưng cũng có khả năng là sau một thời gian, sau khi mà đã chơi thành thạo rồi, nó vẫn không có đủ sức hút để kéo chúng ta đi tiếp. Trong trường hợp đó thì ít ra là chúng ta cũng đã có được một cái câu trả lời khá là chính xác cho cái câu hỏi là liệu cái điều đó nó có phải là cái đam mê của mình hay không.
Nên trong những năm tháng mới bắt đầu này, nếu mà vẫn còn loay hoay chưa biết là mình thích cái gì thì các bạn cứ trải nghiệm cho thật là nhiều. Bất kỳ lúc nào có cơ hội để trải nghiệm một thứ gì đó mới thì hãy cứ trải nghiệm nó và làm cho tới cùng. Và những điều này đôi khi nó sẽ đòi hỏi là chúng ta phải đầu tư khá là nhiều thời gian và công sức đấy.
Đó là lý do vì sao mà ở trong cái sơ đồ này tôi dùng hẳn một khoảng thời gian rất lớn dành cho việc trải nghiệm. Tổng cộng là 17 năm từ khi chúng ta bước ra đời năm 18 tuổi cho tới năm 35 tuổi. Thật ra đây là khoảng thời gian mà chúng ta không có cái gì để mất hết.
Chúng ta bước ra đời tay trắng nên cứ trải nghiệm nhiều nhất có thể. Kể cả mà sau một thời gian chúng ta phát hiện ra đó không phải điều mà mình yêu thích thì nó vẫn là một trải nghiệm rất đáng quý ở trong cuộc đời. Vì xét cho cùng thì chúng ta sống là để trải nghiệm càng nhiều thứ càng tốt mà.
“Khoảng cách từ 1 tuổi đến 18 tuổi là 17 năm, nhưng khoảng cách từ 18 tuổi đến 35 tuổi là cả một cuộc đời” – Sưu tầm.
Cuộc đời là những trò chơi, tới giai đoạn này chúng ta cứ chơi càng nhiều càng tốt. Và tôi tin chắc là chơi càng nhiều thì xác suất mà chúng ta tìm ra được những trò chơi mà mình thích sẽ càng cao. Sẽ rất là khó nếu mà chỉ chơi vài trò và kỳ vọng là mình tìm ra được ngay mình thích trò nào.
Thử tưởng tượng nếu mà chúng ta đã chơi khoảng 100 trò rồi thì chắc chắn là chúng ta sẽ tìm ra được một vài trò mà mình thích. Và cứ như vậy, khi mà đã trải nghiệm đủ nhiều trong một thời gian đủ lâu như vậy thì tôi tin là các anh chị chắc chắn sẽ tìm lại được niềm đam mê cho riêng mình.
Thậm chí tôi còn tin là nếu việc liên tục trải nghiệm vô số thứ ở trong một khoảng thời gian dài như vậy thì việc mà chúng ta tìm ra được nhiều hơn một đam mê là điều hoàn toàn có thể xảy ra, và đó sẽ là một điều rất là tuyệt vời.
Bởi vì đôi khi có những người họ sống cả đời mà họ không tìm ra được bất kỳ một đam mê nào. Và đôi khi là chỉ cần một đam mê thôi là nó đã đủ nguyên liệu cho chúng ta vẽ nên bức tranh cả cuộc đời của mình rồi.
– Còn tiếp –
Xem thêm Một cuộc đời đáng sống | A life well lived (Phần 2)